1. Nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hay còn gọi là Small and Medium-sized Enterprises (SMEs) tại Việt Nam được xác định là những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, lao động ít và doanh thu, lợi nhuận thường ở mức hạn chế. Theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, loại hình doanh nghiệp này được chia thành 3 loại: Doanh nghiệp siêu nhỏ; Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nghiệp vừa. Tiêu chí xác định loại hình DNNVV được liệt kê cụ thể tại Điều 4, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
“Điều 4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Hiện nay, hầu hết các DNNVV tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại cho sự phát triển trong hoạt động kinh doanh, điển hình như: các khó khăn về vốn, tài chính; thiếu phân hóa quản trị trong doanh nghiệp; tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế; ít cơ hội hòa nhập với thị trường nước ngoài;... Những trở ngại về nội tại kết hợp với những khó khăn, sức ép bên ngoài thị trường (như sự đánh giá của người tiêu dùng; các trách nhiệm xã hội và trách nhiệm kinh doanh mà doanh nghiệp buộc phải gánh vác; các yếu tố về vị trí, môi trường pháp lý, sự khuyến khích đầu tư và hỗ trợ từ Nhà nước...) đã khiến cho nhiều DNNVV ngày càng “đuối sức” khi tham gia vào hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế mới.
Nhiều đánh giá, nhận định về “sức chịu đựng” của các SMEs tại Việt Nam cho thấy loại hình doanh nghiệp này rất nhạy cảm với thời cuộc và có thể thay đổi nhanh chóng, càng hội nhập quốc tế càng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, bất lợi lớn khi kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách và sự chuẩn bị từ nội tại của chính mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, rõ ràng thấy rằng, các SMEs tại Việt Nam hiện nay lại có những yếu tố phù hợp để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa như: lợi thế về ý tưởng khởi nghiệp, các ưu điểm về sự kiên trì, sáng tạo của chủ doanh nghiệp, tư duy kinh doanh tốt hay những sản phẩm đặc thù, khác biệt... Bởi vậy, nhu cầu phát triển của nhiều DNNVV luôn được xác định là yếu tố “sống còn” của mỗi doanh nghiệp khi bước chân vào một thương trường cạnh tranh khốc liệt[1].
Thị trường Việt Nam trong bối cảnh gia nhập các Hiệp định Thế hệ mới (FTAs) đã khiến cho quan niệm về đòi hỏi của khách hàng (người tiêu dùng) đối với các SMEs thay đổi[2]. Từ chỗ trước đây khách hàng luôn xem xét giá cả trước khi sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp thì ngày nay khách hàng lại quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về chất lượng sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi vậy, các SMEs muốn phát triển trong thị trường thương mại cần nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường nhằm làm hài lòng tâm lý, nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng cần phải cố gắng xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp mình tới khách hàng trên phạm vi rộng lớn. Thực tế, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển uy tín, thương hiệu đối với các SMEs không hề đơn giản nhưng nếu thực hiện được điều này, bài toán hóc búa về sự phát triển cho các SMEs đã được giải quyết một cách triệt để. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu phát triển của cộng đồng SMEs tại Việt Nam luôn hiện hữu, thường trực ở mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên, để thực hiện mục đích đó cho mỗi doanh nghiệp cần loại trừ các rào cản về mặt pháp lý cũng như các khó khăn, hạn chế trên thực tế áp dụng.
2. Các giải pháp từ Nhà nước và xã hội
Cộng đồng SMEs muốn phát triển được ngoài việc tự thay đổi, nâng cao những nội lực của chính mình còn cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan Nhà nước và xã hội cũng như chính người tiêu dùng. Khắc phục được những khó khăn, hạn chế cho sự phát triển của DNNVV cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp từ Nhà nước và xã hội, bao gồm:
Thứ nhất, các giải pháp liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật: nhóm giải pháp này nhằm mục đích cải thiện đáng kể môi trường pháp lý kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời, đây cũng là nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.
Một là, xác định rõ các chủ trương, định hướng chiến lược phát triển của cộng đồng SMEs trong các Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế thị trường của Chính phủ, Quốc Hội, với những nội dung quan trọng như: thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp; tập trung giải quyết các vấn đề về thuế, hải quan, nhân lực, quản trị, sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý và phạm vi hỗ trợ SMEs phát triển trong nước, hội nhập quốc tế, với những nội dung như: (i) Xác định rõ khuôn khổ về gia nhập, hoạt động và giải thể, phá sản của DNVVN; (ii) Hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; (iii) Hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật cho DNVVN; (iv) Phát triên nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; (v) Đẩy mạnh hình thành nhóm DNVVN; (vi) Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường; (vii) Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; (viii) Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển, thành lập Quỹ hỗ trợ; (ix) Tổ chức thực hiện các Chương trình liên quan đến sự phát triển như DNVVN...[3]
Thứ hai, các giải pháp liên quan đến sự hỗ trợ của xã hội, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNVVN: nhóm giải pháp này nhằm chủ động tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng SMEs, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của các DNNVV tại Việt Nam.
Một là, nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội DNVVN, Hiệp hội nghề nghiệp bằng các giải pháp tích cực như: tổ chức Hội thảo uy tín về phát triển doanh nghiệp; xây dựng các Bộ quy chế, quy tắc riêng dành cho SMEs trong ứng xử kinh doanh; tích cực tuyển chọn các Hội viên, thành viên ưu tú trong các tổ chức, Hiệp hội để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan Nhà nước; tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội...
Hai là, tiếp nhận các phản hồi, ý kiến, nhu cầu từ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của DNNVV để tự hoàn thiện doanh nghiệp hơn trong hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng bằng các giải pháp cụ thể như: nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; cân bằng lợi ích của thương nhân – người tiêu dùng; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng về chất lượng, giá cả sản phẩm; tiếp nhận thông tin và phản hội thông tin kịp thời từ người tiêu dùng;....
Nhìn chung, các giải pháp từ Nhà nước và xã hội, cộng đồng, người tiêu dùng có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chính loại hình DNNVV tại Việt Nam. Tuy nhiên, để những giải pháp này thực sự có hiệu quả đối với loại hình doanh nghiệp này cần có sự áp dụng đồng bộ của nhiều giải pháp cùng một thời điểm. Thiết nghĩ, sự kết hợp một cách hài hòa các giải pháp này sẽ tạo những thuận lợi vô cùng lớn cho các DNNVV trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự phát triển nội lực cho chính mỗi doanh nghiệp.