Về lý luận thì hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm, luôn gắn liền với tội phạm. Do đó, với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là điều không tránh khỏi. Nhưng trong thực tế, có những trường hợp phạm tội, nếu Tòa án áp dụng hình phạt đối với họ sẽ không đạt mục đích của hình phạt và như vậy việc áp dụng hình phạt đối với những trường hợp này là không cần thiết.
Điều 54 BLHS năm 1999, quy định về miễn hình phạt, như sau:“Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.”
Theo quy định này, người phạm tội có thể được miễn hình phạt khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
+Điều kiện thứ nhất, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Có nghĩa là người phạm tội phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 trở lên.
+Điều kiện thứ hai, người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt. Quy định này tuy mang tính trừu tượng, nhưng có thể được hiểu là trước khi Toà án quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì phải xem xét đến tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; mức độ hậu quả xảy ra; nhân thân người phạm tội,…để xem xét người phạm tội có đáng được khoan hồng đặc biệt hay không. Toà án chỉ miễn hình phạt cho người phạm tội trong trường hợp họ phạm tội ít nghiêm trọng, chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả không đáng kể hay hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn; trong vụ án đồng phạm thì bị cáo là người tham gia không đáng kể vào việc thực hiện tội phạm; bị cáo có nhân thân tốt, có khả năng tự cải tạo, giáo dục mà không cần áp dụng hình phạt.
+Điều kiện thứ ba, người phạm tội có thể được miễn hình phạt nhưng chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự. Điều này được hiểu: Bị cáo có đầy đủ các điều kiện để miễn hình phạt, nhưng các tình tiết của vụ án chưa thoả mãn các điều kiện để có thể miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25[1] BLHS năm 1999.
Việc người phạm tội được miễn hình phạt thì không làm phát sinh các hậu quả pháp lý của việc thực hiện TNHS; không có án tích hay nói cách khác là người được miễn hình phạt đương nhiên được xoá án tích ngay sau khi tuyên án.
Kế thừa nội dung quy định của điều luật tương ứng của BLHS năm 1999, Điều 59 BLHS năm 2015, quy định về miễn hình phạt, như sau: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.”
Nghiên cứu quy định trên cho thấy, người phạm tội có thể được Tòa án miễn hình phạt nếu người này thỏa mãn 03 điều kiện sau:
-Điều kiện thứ nhất, người phạm tội phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Theo quy định này, người phạm tội phải vừa thuộc khoản 1 vừa thuộc khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Mà theo đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015, quy định:
“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”
-Điều kiện thứ hai, người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt. Quy định này có thể hiểu tương tự như điều kiện thứ 2 của Điều 54 BLHS năm 1999, đã đề cập ở phần trên.
-Điều kiện thứ ba, người phạm tội chưa đến mức miễn TNHS.
Khi xem xét 03 điều kiện được miễn hình phạt quy định tại Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015, có thể thấy, điều kiện thứ hai và điều kiện thứ ba là giống nhau. Riêng điều kiện nhất của Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 có sự khác nhau về nội dung. Theo đó, điều kiện thứ nhất của Điều 54 BLHS năm 1999, thì người phạm tội chỉ được miễn hình phạt khi người này có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Trong khi đó, điều kiện thứ nhất của Điều 59 BLHS năm 2015 thì quy định người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 54 BLHS năm 2015, tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 được Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét ấn định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đang áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề và phải thỏa mãn luôn cả nội dung quy định tại khoản 2 của Điều 54 BLHS năm 2015, đồng thời là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể. Đối chiếu với quy định tại điều kiện thứ nhất của Điều 54 BLHS năm 1999, cho thấy, nhà làm luật đã đặt ra quy định chặt chẽ hơn, mà theo đó, không chỉ dừng lại có từ hai tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, mà kèm theo đó, phải được HĐXX thống nhất quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, trên cơ sở từ hai hoặc nhiều hơn các tình tiết giảm nhẹ. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, tuy có đến ba tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999, nhưng khi xem xét lượng hình, HĐXX thống nhất không áp dụng quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật theo Điều 47 BLHS năm 1999
Xoay quanh điều kiện này, có ý kiến cho rằng kỹ thuật quy định của BLHS năm 2015 về điều kiện này là chưa thật sự hợp lý, nên trong nhận thức hiện có các cách hiểu khác nhau. Tác giả xin nêu trường hợp sau để minh chứng cho nhận định này: Trần Thị Nh. từ huyện N., tỉnh C. đưa mẹ lên Bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM để chữa bệnh hiểm nghèo, do cần số tiền gần 90 triệu đồng mà bệnh viện thông báo để có thể thực hiện ca phẫu thuật phức tạp cho mẹ của Nh., số tiền này đối Nh. là quá lớn, bởi kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, không đất sản xuất, tài sản trong gia đình không có gì đáng giá hơn ngoài chiếc tivi màu được ông chủ của Nh. tặng cho gia đình cách đây gần 07 năm. Với Nh. tính mạng của người mẹ cần được cứu sống là bằng mọi giá, trong lúc quá quẫn bách đó, Nh. bàn bạc kế hoạch với em ruột của mình là Trần Thịnh Ph. lấy trộm tiền của anh Q. (người nhà chăm sóc bệnh nhân ở phòng kế bên), Ph. đồng ý và thực hiện “nhiệm vụ” theo sự sắp xếp của Nh., nhằm tạo cơ hội để Nh. lấy trộm số tiền gần 80 triệu đồng của anh Q., mà Nh. trước đó có lần vô tình nhìn thấy. Bằng cách, Ph. cố tình kéo dài thời gian khi cùng Q. đứng nói chuyện ngoài hành lang của bệnh viện, để Nh. lấy số tiền trên. Tuy nhiên, vụ việc sau đó nhanh chóng bị phát hiện và thu giữ tang vật. Giả thuyết rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền đã tiến hành hoạt động tố tụng để điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong trường hợp này, Ph. tuy có hành vi đồng phạm về trộm cắp tài sản, nhưng với vai trò giúp sức cho Nh.; phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Khung hình phạt tù quy định của tội phạm này theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 từ 06 tháng đến 03 năm. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm g, h, i, s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Từ tình tiết cụ thể của vụ án vừa trình, hiện có hai quan điểm sau về áp dụng quy định miễn hình phạt đối với Trần Thịnh Ph.
+Quan điểm thứ nhất: Tòa án xem xét miễn hình phạt đối với Trần Thịnh Ph., khi điều kiện đầu tiên đã thỏa mãn, đó là, Hội đồng xét xử sau khi cân nhắc và thống nhất cần thiết áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 đối với Ph., trên cơ sở có đủ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định. Nghĩa là HĐXX quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề hẹ hơn. Do trong trường này, khung hình phạt đang áp dụng để truy tố và xét xử đối với Trần Thị Nh. và Trần Thịnh Ph. là khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (tù từ 06 tháng đến 03 năm), nên không có khung hình phạt liền kề nào khác nhẹ hơn. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38 BLHS năm 2015: “Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm”. Do đó, HĐXX có thể ấn định mức hình phạt tù đối với Ph. trong khoảng từ 03 tháng đến dưới 06 tháng. Rồi xem xét tiếp các điều kiện thứ hai, điều kiện thứ ba.
+Quan điểm thứ hai cho rằng: Nội dung quy phạm Điều 59 BLHS năm 2015, quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này…Có nghĩa là Tòa án phải bảo đảm vừa thỏa mãn khoản 1 vừa thỏa mãn khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 khi xem xét miễn hình phạt đối với người phạm tội. Nếu chỉ có thể thỏa mãn khoản 1 hoặc khoản 2 của Điều luật này và cho dù người phạm tội thuộc diện đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn TNHS thì Tòa án cũng không được xem xét cho miễm hình phạt. Vì như thế sẽ trái luật. Cụ thể, với trường hợp trên, rất tiếc Trần Thịnh Ph. chỉ có thể thỏa mãn khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Lập luận của quan điểm thứ nhất, thực chất là áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015.
+Quan điểm thứ ba: Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định“Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”. Với trường hợp của Ph., tuy Điều 173 BLHS năm 2015 có nhiều khung hình phạt, nhưng Ph. bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nhẹ nhất, nên không còn có khung hình phạt liền kề nào nhẹ hơn của Điều luật này. Trong trường hợp này, Tòa án có thể vận dụng khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 để ấn định mức hình phạt dưới khung hoặc chuyển sang loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, từ đó, tiếp tục xem xét đến các điều kiện tiếp theo của quy định về miễn hình phạt.
Nghiên cứu các quan điểm trên cho thấy, lập luận và dẫn chiếu cơ sở pháp lý của mỗi quan điểm đều có nhân tố hợp lý. Tuy nhiên, với quan điểm thứ nhất lại không thỏa mãn về câu chữ quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015, mà theo đó: Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này …Còn với quan điểm thứ hai, trái ngược với quan điểm thứ nhất, tỏ ra rất “trung thành” câu chữ mà nhà làm luật thể hiện trong nội dung quy phạm tại Điều 59 BLHS năm 2015, cụ thể, đó là liên từ “và” kết nối giữa cụm từ khoản 1 với cụm từ khoản 2. Nghĩa là, giữa các cụm từ này phải cùng song hành, đi đôi với nhau, nhờ mối liên kết bền vững bởi liên từ “và”. Theo quan điểm này, nếu ai đó lờ đi liên từ “và” là đã áp dụng pháp luật không chính xác. Nhưng ngược lại, sẽ rất thiệt thòi quyền lợi của người bị buộc tội mà lẽ ra họ được Tòa án xem xét cho miễn hình phạt. Riêng quan điểm thứ ba, xem ra rất hợp tình hợp lý, nhưng rất tiếc, nội dung quy phạm tại Điều 59 BLHS năm 2015 hoàn toàn không đề cập đến khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015, do vậy, nếu tùy tiện áp dụng là sai.
Theo quan điểm tác giả, xét về bản chất nội dung của điều kiện thứ nhất thì cả Điều 54 BLHS năm 1999 và Điều 59 BLHS năm 2015 đều quy định người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tương ứng tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Điều 54 BLHS năm 1999 quy định dẫn chiếu trực tiếp đến khoản, điều quy định về tình tiết giảm nhẹ TNHS, cụ thể: Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này. Tuy nhiên, lại thiếu chặt chẽ, dễ bị lạm dụng. Để khắc phục hạn chế này, Điều 59 BLHS năm 2015 quy định dẫn chiếu có tính chất gián tiếp về điều kiện thứ nhất. Nghĩa là để xem xét áp dụng điều kiện thứ nhất, phải đối chiếu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015; từ đó, tiếp tục dẫn chiếu sang khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Sau đó, dẫn chiếu ngược trở lại. Có lẽ chính sự dẫn chiếu gián tiếp này đã gây nên sự khó hiểu và gặp phải vướng mắc như trên đã đề cập.
Để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn xét xử, tác giả đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương xem xét ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung vướng mắc trên. Mà theo đó, tác giả đề xuất:
Một là, xét điều kiện thứ nhất quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 thì người phạm tội chỉ được miễn hình phạt nếu người này thỏa mãn khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Có nghĩa là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải được HĐXX quyết định mức hình phạt dưới khung hình phạt đang áp dụng; là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể. Do vậy, sẽ giới hạn nhiều đối tượng lẽ ra được áp dụng chế định miễn hình phạt. Để khắc phục hạn chế này, có thể quy định theo hướng miễn HĐXX đã áp dụng quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng thì được xem xét tiếp các điều kiện còn lại về miễn hình phạt.
Hai là, quy định điều kiện để người phạm tội được miễn hình phạt chỉ đề cập đến trường hợp là người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm có vai trò không đáng kể. Theo tác giả, quy định này đã đóng khung cố định mà Tòa án không có sự lựa chọn nào khác khi xem xét việc áp dụng quy định miễn hình phạt. Xem xét trường hợp đối với Trần Thị Nh. trong vụ án trên, theo quan điểm của tác giả, Nh. cũng xứng đáng được Tòa án xem xét cho miễn hình phạt khi xét xử, nhưng rất tiếc, Nh. không là người giúp sức, mà là người chủ mưu, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Hơn nữa, quy định về miễn hình phạt là quy định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội. Do đó, tác giả đề xuất, chỉ cần quy định người phạm tội thỏa mãn điều kiện luật định thì có thể được xem xét miễn hình phạt. Trong vụ án đồng phạm, không phụ thuộc vào vai trò của người đồng phạm, nếu người đồng phạm nào thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về miễn hình phạt thì có thể được miễn hình phạt đối với người đồng phạm đó, quy định như vậy sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự.