Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Điều 13 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Trên cơ sở kết quả thực hiện tại các Bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức đại diện doanh nghiệp; các doanh nghiệp và kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và giai đoạn 2015-2020 (đến giữa năm 2017), công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả như ssau:
1. Những kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Theo các báo cáo của các cơ quan có liên quan, đến giữa năm 2017, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã phân công Vụ Pháp chế làm đầu mối tổ chức triển khai các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhìn chung, các Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn hoạt động hỗ trợ pháp lý thuộc phạm vi chức năng của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực thi pháp luật, vì vậy, nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật trong mọi lĩnh vực được nâng cao. Chương trình phổ biến các luật và Nghị định hướng dẫn thi hành đạt được chất lượng cao, giúp doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và người dân nắm vững pháp luật để thực hiện, hạn chế các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và tích cực tham gia vào Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và 2015-2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Chương trình 585).
Tại các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, theo kết quả Báo cáo của Uỷ ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, đến hết năm 2016, các địa phương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Trên cơ sở quy định của Nghị định này, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương giao cho Sở Tư pháp làm đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, theo đó, hầu hết các địa phương đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, trong đó có nổi bật một số địa phương đã triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng các Đề án, Đề tài và ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa...[1] Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn ban hành các Nghị quyết, văn bản quy định về định mức chi của địa phương dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương [2].
Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp... đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hội viên của mình. Chương trình 585 đã tạo một “cú hích” cho các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
2. Triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66
Thứ nhất, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Theo Báo cáo của các Bộ, ngành, đến hết năm 2016, 100% các Bộ, ngành đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục thông tin pháp luật hoặc cung cấp văn bản pháp luật trong lĩnh vực Bộ, ngành quản lý trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và góp ý đối với dự thảo văn bản. Một số Bộ, ngành đã xây dựng các cơ sở dữ liệu pháp luật và đã xây dựng, phát hành các Bản tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành cũng như những nghiên cứu, bình luận, trao đổi các nội dung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp [3].
Đến nay, 100% các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử của địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, tập hợp và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Các cơ sở dữ liệu này chủ yếu tổng hợp văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, như: thuế, hải quan, tổ chức doanh nghiệp, đầu tư,… Nhiều Sở Tư pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu pháp luật tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đồng thời xuất bản các bản tin, báo để cung cấp thường xuyên các thông tin pháp luật cho doanh nghiệp như: Sở Tư pháp TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ngãi[4]…
Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các Trang thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp tại các Bộ ngành và địa phương theo báo cáo như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn: gần 60% doanh nghiệp được hỏi có ý kiến về việc khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến các biểu mẫu, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; gần 70% doanh nghiệp có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và gần 80% doanh nghiệp có ý kiến khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến kế hoạch và quy hoạch.
Thứ hai, xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
Hiện nay, các Bộ và cơ quan ngang Bộ đã và đang xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và dành cho doanh nghiệp nói riêng. Nhiều Bộ đã xây dựng Thư viện pháp luật điện tử nhằm phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp thuộc Bộ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trên toàn quốc[5].
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân đã giao cho Sở Tư pháp phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện lồng ghép các nội dung thông tin, tuyên truyền, với nội dung trọng tâm là phổ biến các văn bản quy phạm liên quan đến pháp luật về chính sách thuế, các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Chẳng hạn như: Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố xây dựng chuyên mục “Vấn đề và dư luận” và Trả lời thư bạn xem truyền hình” với thời lượng phát sóng 15 phút/01 chương trình, 2 số/tuần; Sở Tư pháp Tuyên Quang giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp trên truyền hình để hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của doanh nghiệp, củng cố, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Uỷ ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh đã tiến hành biên soạn và cấp phát các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan hoạt động doanh nghiệp như Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, Cà Mau[6]...
Thứ ba, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Hàng năm, các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức nhiều hội nghị, đợt tập huấn về công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật [7].
Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức xây dựng và phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được quy định tại Nghị định số 66 chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý và tiếp tục thực hiện các hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý hoạt động theo quy định trong đó có công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp sau khi tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp cho thấy 54% doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp do các cơ quan tổ chức trong thời gian qua.
Thứ tư, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
Các cơ quan, ban, ngành của Bộ và cơ quan ngang Bộ giải đáp các vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động theo các hình thức trực tiếp hỏi đáp và gián tiếp như gửi vào các hòm thư trong Trang thông tin của cơ quan, gọi điện thoại, bằng văn bản... [8]
Thông qua các thư góp ý, email điện tử và Chuyên trang hỏi – đáp, tư vấn pháp luật trên trang thông tin điện tử, các sở, ban, ngành thuộc Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố đã giải đáp các khó khăn, vướng mắc pháp lý của các doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Trong đó, có nhiều tình huống pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực được giải đáp bằng văn bản; đối với tình huống pháp lý đơn giản sẽ được giải đáp tại buổi toạ đàm, làm việc trực tiếp, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp thông qua điện thoại. Kết quả là, 62% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá cao chất lượng giải đáp bằng văn bản và 59% doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng giải đáp pháp luật thông qua chuyên mục trên Trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân và các Sở, ngành liên quan trả lời giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật.
Thứ năm, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật
Các kiến nghị của các doanh nghiệp được Bộ và cơ quan ngang Bộ quan tâm, tiếp nhận, tổng hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật[9].
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật, có trách nhiệm xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; đồng thời, chuyển đến Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định của pháp luật, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương.
3. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Sau khi Nghị định 66/2008/NĐ-CP có hiệu lực, Chương trình 585 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình đã triển khai đồng bộ các hoạt động toạ đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng và phát thường xuyên Chương trình Kinh doanh và Pháp luật trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2016, triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình ở các tỉnh điểm như Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Đồng Nai, Cần Thơ, Đắc Lắc và một số tỉnh được lựa chọn đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, bên cạnh việc thực hiện các cam kết của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết… Việc gia nhập Hiệp định thương mại lớn này cũng đặt ra những vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt một cách đầy đủ, chính xác và vận dụng một cách linh hoạt để có thể tồn tại và cạnh tranh có hiệu quả hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh như vậy, trọng tâm thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 là hướng tới việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế.
Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hiệp hội các doanh nghiệp tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, điển hình như Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh[10] đã ban hành các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một số nơi do lực lượng cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước làm công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp còn kiêm nhiệm và thiếu; kinh phí dành cho công tác này chưa thực sự được quan tâm, vì vậy, đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà chỉ ban hành các Kế hoạch cụ thể để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Hạn chế, khó khăn
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và đã thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2008 đến nay đã được hơn 9 năm, tuy nhiên, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định trong Nghị định cần được đánh giá và hoàn thiện thêm cho phù hợp với thực tế (đây cũng là ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương), ví dụ: Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định về giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, điều khoản này rất được doanh nghiệp kỳ vọng, tuy nhiên khoản 6 Điều 10 Nghị định này lại quy định “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, trong khi đó trên thực tế các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, các cơ quan thuế đang thực hiện nhiệm vụ này đối với trường hợp trả lời các vướng mắc về thuế đối với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp, trong khi đó các lĩnh vực khác lại không được thực hiện.
Ở các Bộ và cơ quan ngang Bộ, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này trong thời gian qua. Còn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kinh phí sử dụng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế và chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội (6 tỷ đồng cho hoạt động này), TP. Hồ Chí Minh... rất nhiều tỉnh thành nguồn kinh phí chi cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được đảm bảo, chưa được coi trọng, Tuyên Quang: 60 triệu đồng/năm (năm 2015).
Kinh phí thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hiện không phù hợp với thực tế, nhất là các mức chi và nội dung chi gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, hoạt động hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý doanh nghiệp nói chung còn ít và không thường xuyên, sâu rộng, đầy đủ. Một số Bộ vẫn chưa xây dựng được chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...). Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý còn chậm được giải đáp, giải quyết kịp thời. Vẫn tồn tại vướng mắc trong chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa chậm xử lý như việc bán cổ phần ra bên ngoài, chính sách bán cổ phần ưu đãi, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp...
Nội dung các chương trình sinh hoạt, toạ đàm, chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho các doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vướng mắc, vấn đề nổi cộm về pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư ra thị trường nước ngoài, đàm phán ký kết và giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Báo cáo viên pháp luật có kinh nghiệm và khả năng truyền đạt nội dung kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp còn thiếu.
Về phía doanh nghiệp: hiểu biết, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về công tác pháp lý của doanh nghiệp chưa sâu, chưa đúng mức dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, do vậy làm phát sinh nhiều tranh chấp chưa thể giải quyết triệt để.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, còn lại các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khác hầu hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa quan tâm đến kiến thức pháp luật cũng như chưa có điều kiện sử dụng thường xuyên các dịch vụ tư vấn pháp luật, tham gia thường xuyên các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Năm 2016, đa số các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chỉ tập trung ở các khu trung tâm; tại các khu vực vùng xa, doanh nghiệp và người lao động chưa có điều kiện tiếp cận các hoạt động hỗ trợ pháp lý của nhà nước.
Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Nội dung hỗ trợ pháp lý đôi khi còn nặng nề về hình thức, chưa đi sâu vào những khó khăn vướng mắc thực tế của các doanh nghiệp. Việc xây dựng các tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp chỉ dựa trên một số tình huống cơ bản về những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải nên tính sát thực tế chưa cao.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu pháp luật; chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp; chưa có thói quen thuê luật sư tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Trình độ hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật của chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là pháp luật quốc tế, do đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh cũng như tìm kiếm các đối tác kinh doanh có tiềm năng. Công tác pháp chế cho doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu pháp luật để nắm bắt các quy định của pháp luật nhằm phòng, tránh rủi ro trong kinh doanh.
5. Đề xuất, kiến nghị
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, trong bối cảnh “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo” khi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp, theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta cần cấp bách triển khai một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đề nghị cho phép nghiên cứu triển khai cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để quy định về cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm quy định các nội dung, hình thức và đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm mục đích xây dựng cơ chế triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Song song với việc hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần nghiên cứu, bố trí nhân sự (nhất là ở cấp Bộ, ngành) trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bởi “con người là yếu tố quyết định sự thành bại” và có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai, đề nghị các Bộ ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm ban hành các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (trên cơ sở kết quả tổ chức thí điểm của Trung ương); hàng năm, tổ chức các chương trình, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Thứ ba, đề nghị quan tâm tăng cường kinh phí thường xuyên cho hoạt động hỗ trợ pháp lý trong doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP tại Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trung ương, nhất là hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kế hoạch ngân sách hàng năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là vẫn đề hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp. Đề nghị phân bổ kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách đồng bộ và tập trung để hỗ trợ triển khai các hoạt động và mua sắm các trang thiết bị làm việc cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương.
Cần huy động mạnh mẽ các nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới./.
NCS-Ths. Trần Minh Sơn,
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.