Một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 08 năm 2016 quy định về về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Nghị định quy định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Rừng ven biển trong Nghị định này bao gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đất được quy hoạch để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ở vùng ven biển và hải đảo (sau đây gọi chung là rừng ven biển).
Quản lý rừng ven biển
Nghị định số 119/2016/NĐ-CP quy định các địa phương có trách nhiệm sau:
Rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Tổ chức rà soát, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển. Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai Mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng Mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất.
Chính sách đầu tư của nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển
Ngân sách các địa phương bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo kế hoạch, dự toán được duyệt và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; Tổ chức giao, cho thuê rừng ven biển; Hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Tuyên truyền, giáo dục; khuyến lâm; nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, chức năng của rừng ven biển trong ứng phó với biến đổi khí hậu;Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển; Đầu tư, hỗ trợ kinh phí ngoài mức hỗ trợ và đầu tư từ ngân sách trung ương theo Điều kiện thực tế của địa phương.
Về ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển, Nghị định quy định như sau: Mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; Mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/hécta trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/hécta/năm); Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/hécta, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.
Nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển
Ngân sách nhà nước bố trí thông qua các Chương trình, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và các chương trình, dự án khác theo quy định hiện hành của nhà nước.
Vốn tài trợ, vốn vay quốc tế, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Kinh phí đầu tư được thực hiện lồng ghép từ các nguồn vốn nêu trên. Trong đó nguồn vốn sự nghiệp kinh tế: Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách đầu tư, hỗ trợ vốn có Mục tiêu từ ngân sách trung ương; Các địa phương đã tự cân đối được ngân sách có trách nhiệm bố trí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Những hoạt động khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển
Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển.
Đầu tư xây dựng công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ môi trường rừng trong khu vực rừng được giao, khoán, cho thuê ổn định, lâu dài phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.
Chủ rừng được liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư các hoạt động nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2016. Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển cùng một nội dung thì áp dụng theo quy định của Nghị định này.