Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…” và “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý…”. Đến Hiến pháp năm 1959, việc trưng cầu ý dân được quy định trong Điều 53 (giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định).
Hiến pháp năm 1980 cũng quy định việc trưng cầu ý dân trong điều 100 (giao Hội đồng Nhà nước quyết định), còn Hiến pháp hiện hành (1992) giao cho Quốc hội quyết định vấn đề trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, những quy định trên chưa thực hiện được do chưa có cơ chế. Vì vậy, cùng với chủ trương dân chủ hóa đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, việc xây dựng một đạo luật về trưng cầu ý dân đã được đặt ra trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XI.
Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân, dự luật sẽ mở ra hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao. Thực tiễn cho thấy, mỗi công dân đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định. “Nói cách khác, không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân” - GS.TSKH Đào Trí Úc phân tích. Vì vậy, để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, đã đến lúc luật hóa vấn đề này.
Theo dự thảo luật mới được hoàn thành, Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước bao gồm: thông qua Hiến pháp mới, thông qua bổ sung, sửa đổi Hiến pháp hiện hành; những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước; những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của Quốc hội.
Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân ở địa phương gồm: việc chia tách, nhập các đơn vị hành chính; những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương; những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của HĐND cấp tỉnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, sẽ không được tổ chức trưng cầu ý dân trong trường hợp có tuyên bố chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ, hoặc ở một hay một số vùng hoặc trong thời gian 6 tháng kể từ khi chiến tranh chấm dứt hay tình trạng khẩn cấp đã hết.
Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân đối với những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp, những vấn đề liên hệ đến vận mệnh quốc gia và những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoặc vùng lãnh thổ. Sáng kiến trưng cầu ý dân được thông qua nếu trên 50% số đại biểu Quốc hội tán thành.
GS.TSKH Đào Trí Úc cho biết, sẽ có những vấn đề mà kết quả của trưng cầu mang tính bắt buộc có hiệu lực và những vấn đề mang tính tham khảo, nhưng ông cho rằng, nếu “tham khảo thì cũng phải tham khảo ở mức cao”. Một quy định khác cũng đang được thảo luận trong dự luật là phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân.
(Theo SGGP)