Hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp trong quá trình hội nhập quốc tế

Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/07/2010. Luật LLTP có nhiều quy định liên quan đếntương trợ tư pháp về hình sựnhư theo dõi, quản lý thông tin LLTP của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài,vấn đề dẫn độ để thi hành án và tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảngvề thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, pháp luật về LLTPcần được rà soát, sửa đổi, bổ sungnhằmphù hợp với các cam kết quốc tế và đáp ứng các yêu cầu hội nhập.

1. Quy định của pháp luật về LLTP liên quan đến công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài
Theo quy định của Luật LLTP (khoản 1 Điều 5), một trong những đối tượng quản lý LLTP là công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc “có đi, có lại”.
Cũng theo quy định của Luật LLTP, trích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc “có đi, có lại” được coi là một trong những nguồn thông tin LLTP (khoản 16 Điều 15).Khi nhận đượctrích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tếvề tương trợ tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ gửi cho Trung tâm LLTP quốc gia để xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP (Điều 17 Luật LLTP).
2. Quy định của pháp luật về LLTP liên quan đến vấn đề dẫn độ
  Luật LLTP (khoản 17, khoản 18 Điều 15) quy định “Quyết định của Tòa án Việt Nam về việc dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam” “Thông báo về việc thực hiện quyết định dẫn độ người bị kết án”là những nguồn thông tin LLTP. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ gửi thông báo về việc thực hiện quyết định dẫn độ người bị kết án cho Trung tâm LLTP quốc gia để xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP (khoản 3 Điều 18).
Theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó[1]. Tuy nhiên, LLTP chỉ có liên quan đến vấn đề dẫn độ để thi hành án (có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật), theo đó bao gồm: (1) việc dẫn độ để thi hành án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (dẫn độ ra) và (2) yêu cầu nước ngoài dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam (dẫn độ vào).
- Về việc dẫn độ để thi hành án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (dẫn độ ra),thẩm quyền xem xét yêu cầu dẫn độ thuộc về Tòa án. Tòa án sẽ ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ[2]. Theo đó,Tòa án Việt Nam chỉ ra quyết định dẫn độ để thi hành án đối với công dân nước ngoài đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực của nước ngoài. Đối chiếu với quy định tại Điều 5 Luật LLTP thì trường hợp này không thuộc đối tượng quản lý LLTP.
- Về yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam (dẫn độ vào), theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người bị kết án bằng bản án của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật để thi hành án[3]. Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản pháp luật liên quan không có quy định cụ thể về cơ quan nào của Việt Nam ra quyết định dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam. Thực tiễn thực hiện cũng như căn cứ trách nhiệm của các cơ quan, trong trường hợp cần yêu cầu dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an sẽ yêu cầu phía nước ngoài thực hiện dẫn độ. Đồng thời, theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án xét xử sơ thẩmcó thẩm quyền ra quyết định thi hành án và cơ quan thi hành án có trách nhiệm thực thi và xử lý các vấn đề có liên quan, kể cả yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ.
3. Quy định của pháp luật về LLTP liên quan đến vấn đềtiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Luật LLTP (khoản 17 Điều 15) quy định “Quyết định của Tòa án Việt Nam về việc tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù”; “Thông báo về quyết định đặc xá, đại xá, miễn, giảm hình phạt của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành hình phạt tù”; “Quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” lànguồn thông tin LLTP. Cũng theo quy định của Luật LLTP, Tòa án đã ra quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù có trách nhiệm gửi quyết định đó cho Sở Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ gửi các thông báo, quyết định liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cho Trung tâm LLTP quốc gia để xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP (điểm đ, khoản 2 Điều 16; khoản 3, 4 Điều 18).
Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, người đang chấp hành hình phạt tù có thể được chuyển giao đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc đến nước khác đồng ý tiếp nhận chuyển giao để tiếp tục chấp hành hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên đối với người đó[4]. Người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để thi hành hình phạt tù khi có đủ một số điều kiện[5]. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài cũng như quyết định tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam[6].
4. Thực tiễn thi hànhquy định của Luật LLTP có liên quan đếntương trợ tư phápvề hình sự
Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 17 điều ước quốc tế song phương, 16 điều ước quốc tế đa phương, còn 06 điều ước quốc tế song phương đã đàm phán, chờ phê chuẩn chính thức. Theo đó, một số Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài như Hiệp định với Ba Lan, Tiệp Khắc (Séc và Slovakia kế thừa), Nga, Hungary có quyđịnh về việc hai bên gửi cho nhau thông tin về bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc các thông tin về án tích của công dân hai nước, trong đó có thể quy định nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không quy định cụ thể mục đích sử dụng các thông tin này.
Tính đến hết năm 2017, Trung tâm LLTP quốc gia đã tiếp nhận hơn 6000 thông tin LLTP là các trích lục án tích do cơ quan có thẩm quyền của các nước như Séc, Nga, Slovakia, Balan, Hungari cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự mà Việt Nam đã ký kết với các nước này. Số thông tin LLTP này đã được Trung tâm LLTP quốc gia tiếp nhận, xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định của Luật LLTP. Trong hơn 07 năm thi hành Luật LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia không nhận được thông tin LLTP liên quan đến vấn đề dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Thực tiễn công tác tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, vấn đề dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đang đặt ra một số vấn đề cần được xem xét, đánh giá và nghiên cứu, cụ thể như sau:
(1)Theo quy định của Luật LLTP 2009, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm quản lý và theo dõi thông tin LLTP của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án trong trường hợp bản án, trích lục bản án hình sự của người đó được cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc “có đi có lại”. Như vậy, khi nhận được thông tin LLTP của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP sẽ đương nhiên coi là thông tin LLTP về án tích và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thông tin LLTP do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Cộng hòa Séc, Nga, Slovakia, Ba-lan, Hungari) cung cấp cho Trung tâm LLTP quốc gia qua Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ yếu là về những hành vivi phạm kiểu dáng hàng hóa, vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu bảo hộ xuất xứ… Ngoài ra, có một số thông tin liên quan đến các tội danh như “Cản trở thi hành các quyết định và lệnh công vụ”, “Vi phạm tự do của khu dân cư”… Các biện pháp xử phạt được áp dụngnhư phạt tiền, tịch thu tài sản, buộc sửa chữa khắc phục hậu quả hoặc lao động công ích, tù có thời hạn…Thực tiễn công tác xử lý thông tin LLTP do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cũng cho thấy, có nhiều tội danh các nước này quy định nhưng Bộ luật hình sự Việt Nam không quy định hoặc cùng một hành vi phạm tội nhưng pháp luật các nước lại quy định tội danh khác nhau.
(2)Luật LLTP (khoản 17 Điều 15) quy định “Quyết định của Tòa án Việt Nam về việc dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam” là một trong những nguồn thông tin LLTP. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản pháp luật liên quan thì không có loại quyết định này vì pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp không có quy định cụ thể về cơ quan nào của Việt Nam ra quyết định dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam. Đối với những trường hợp này, căn cứ để yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam là bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn thông tin LLTP theo quy định của Luật LLTP. Do đó, những trường hợp này, Tòa án có trách nhiệm cung cấp bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật cho Sở Tư pháp để lập LLTP của người bị kết án theo quy định của pháp luật về LLTP.
(3)Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về việc Tòa án Việt Nam có thể xem xét, cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam và ra quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam trong trường hợp quyết định từ chối dẫn độ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Điều 498 và Điều 501). Trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Như vậy, trường hợp cá nhân bị Tòa án Việt Nam ra quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với người đó cũng sẽ bị coi là có án tích. Tuy nhiên, Luật LLTP chưa quy định về việc quản lý LLTP đối với các trường hợp này.
5. Một số kiến nghị, đề xuất
Từ thực tiễn công tác theo dõi, quản lý thông tin LLTP liên quan đến công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, vấn đề dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, tác giả có một số đề xuấtnhư sau:
Một là, cần xem xét lại việc công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án có đương nhiên được coi là có án tích để ghi vào LLTP ?
Hiện nay, theo quy định của Luật LLTP, việc ghi vào LLTP vềthông tin án tích của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đượcáp dụng đối với các trường hợp bản án, trích lục bản án hình sự của các nước có điều ước quốc tếvề tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự với Việt Nam hoặc trên nguyên tắc “có đi, có lại” và được gửi thông qua Viện Kiểm sát nhân dân tối cao choTrung tâm LLTP quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 07 năm thi hành Luật LLTP cho thấy, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự với các nước nhưng Trung tâm LLTP quốc gia chỉ nhận được thông tin LLTP do 06 nước cung cấp (Séc, Nga, Slovakia, Ba lan và Hungary).Mặt khác, do có sự xung đột về pháp luật nên trong quá trình xử lý, cập nhật thông tin LLTP của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án đã phát sinh những khó khăn, bất cập nhưmột số tội danh mà công dân Việt Nam bị kết án không có trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.Hơn nữa, pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành không có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài (trừ trường hợp Tòa án Việt Nam quyết định cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bịtừ chối dẫn độ)[7].
Để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung quy định chỉ nên xem xét, ghi nhận vào LLTP đối với những trường hợp hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đồng thời, bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.
Hai là, cần nghiên cứu bổ sung nguồn thông tin LLTP được cung cấp thông qua các kênh hợp tác quốc tế khác.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng với thế giới. Năm 1991, Cảnh sát Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của INTERPOL, năm 1995 tham gia ASEANAPOL. Năm 1997 Việt Nam đã tham gia ASEAN, tháng 11/1998 gia nhập APEC. Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước của Liên HợpQuốc nhưcác công ước về kiểm soát ma túy, công ước phòng chống tham nhũng, tham gia các tổ chức pháp luật và tư pháp quốc tế như Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế… Do đó, cũng cần nghiên cứu bổ sung nguồn thông tin LLTP được cung cấp thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế nêu trên. Đồng thời, cần xác định cụ thể các điều kiện để ghi nhận thông tin vàoLLTP như đã nêu ở đề xuất thứ nhất trên đây.
Ba là, cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng quản lý LLTP là công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án và Tòa án Việt Nam cho thi hành bản án, quyết định hình sự trong trường hợp từ chối dẫn độ.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung một số quy định liên quan đến trường hợp bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ được thi hành tại Việt Nam. Do đó cần nghiên cứu bổ sung đối tượng quản lý LLTP cũng như nguồn thông tin LLTP liên quan đến các trường hợp nêu trên. Đồng thời, cũng cần bổ sung các thông báo về quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước ngoài đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài bị Việt Nam từ chối dẫn độ và người đó đang thi hành án tại Việt Nam là nguồnthông tin LLTP. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (khoản 9 Điều 501), khi nhận được các thông báo này, Bộ Công an có trách nhiệm chuyển cho Tòa án, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bốn là, nghiên cứu, rà soátcác quyết định, thông báoliên quan đến vấn đề dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đang được coi là nguồn thông tin LLTPđểrà soát, lượcbỏ những văn bản không còn phù hợp như“Quyết định của Tòa án Việt Nam về việc dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam” vì theo quy định của pháp luật về tương trợ tư phápkhông có loại quyết định này. Đồng thời, cần cân nhắc quy định loại văn bản “Thông báo về quyết định đặc xá, đại xá, miễn, giảm hình phạt của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành hình phạt tù” là nguồn thông tin LLTP, bởi các thông báo này không đương nhiên được thi hành đối với người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam mà còn phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, quyết định[8].

 
Ths. Đỗ Thị Thúy Lan
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
 
 
 
 
[1]Khoản 1 Điều 32
[2]Khoản 5 Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp
[3]Điểm a Khoản 2 Điều 32
[4]Khoản 1 Điều 49
[5]Điều 50 Luật tương trợ tư pháp
[6]Điều 55, 56 Luật Tương trợ tư pháp
[7]Điều 498 và Điều 501 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
 
[8]Khoản 3 Điều 58 Luật tương trợ tư pháp