Qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2017[1] cho thấy, một trong những “rào cản” đối với hoạt động khởi nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta thời gian qua xuất phát từ chính các quy định của pháp luật hiện hành[2]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được nêu một số vướng mắc, bất cập chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Một số quy định của pháp luật cản trở quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất để triển khai dự án khởi nghiệp quy mô lớn
Thực tiễn cho thấy, để có thể triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn, kỹ thuật cao, đòi hỏi chủ đầu tư phải có được diện tích đất rộng, thời hạn sử dụng lâu dài. Điều này giúp thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, hiện nay đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân với diện tích nhỏ, manh mún, phân bổ không đồng đều. Qua nghiên cứu cho thấy, việc tiếp cận đất nông nghiệp khi triển khai dự án đầu tư gặp khó khăn do một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ bất cập, cản trở nhu cầu tích tụ, tập trung ruộng đất, cụ thể như:
- Hạn chế việc chuyển đổi quyền sử dụng đất: Theo đó, hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng 01 xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác và đất phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... (Điều 179, Điều 190, Luật Đất đai 2013).
- Quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định chưa có cơ chế bảo vệ thỏa đáng vì Luật Đất đai năm 2013 cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức quy định (Điều 12) và khi thu hồi đất thì Nhà nước sẽ không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức (bồi thường tài sản đầu tư trên đất).
- Đối tượng được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng bị hạn chế, cụ thể là các tổ chức kinh tế không được phép nhận chuyển nhượng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (Điều 191 Luật Đất đai năm 2013). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về sử dụng đất của các tổ chức kinh tế có điều kiện về tài chính, kỹ thuật, mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
- Luật Đất đai năm 2013 quy định theo hướng kiểm soát chặt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (Điều 62 Luật Đất đai năm 2013). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đã có cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận tiền đền bù để thực hiện dự án đầu tư, nhưng trong nhiều trường hợp khó đạt được sự đồng thuận của tất cả các hộ gia đình, cá nhân là người sử dụng đất. Điều này dẫn đến tình trạng không thể tích tụ, tập trung được đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, trong khi điều kiện để doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án quy mô lớn trong nông nghiệp còn khó khăn, phức tạp (Ví dụ: Khoản 3 Điều 55, Khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 133, khoản 1 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, mà chỉ thuê đất từ chính quyền địa phương).
Thứ hai: Tồn tại những “khoảng trống”, thiếu cơ chế pháp lý để điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn
Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp nên việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên thực tế còn nhiều khó khăn, thậm chí “bế tắc” trong một số trường hợp liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa hình thành được khung pháp lý cần thiết về việc chính quyền thuê đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại đất. Điều này dẫn đến rủi ro cao vì có những trường hợp hộ gia đình, cá nhân tìm mọi cách để đòi lại đất hoặc mâu thuẫn, khiếu kiện trong thời gian hợp đồng thuê đất còn hiệu lực. Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề khác cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định điều chỉnh như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi thuê lại đất của người dân, liên kết với người dân, xây dựng thành vùng nguyên liệu; Hướng dẫn cụ thể các chính sách đối với tổ chức, cá nhân thuê đất để phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi...
Thứ ba: Một số quy định trong các luật liên quan thiếu thống nhất, chưa rõ ràng
Pháp luật hiện hành chưa phân biệt cụ thể, rõ ràng trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 tồn tại khái niêm tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng đất (Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014), còn Luật Đất đai năm 2013 thì quy định trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất (khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai 2013), cung như chưa phân biệt rõ 02 hình thức góp vốn (góp vốn để hợp tác kinh doanh và góp vốn để trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp). Do vậy, hộ gia đình, cá nhân lo ngại khi chuyển quyền sử dụng đất thành cổ phiếu, mà doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì có thể sẽ bị mất đất và giá trị của vốn góp bằng quyền sử dụng đất không thay đổi theo sự phát triển của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì chưa có khung pháp lý để sử dụng vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất để có thể thế chấp khi vay vốn ngân hàng, phục vụ sản xuất - kinh doanh và dẫn đến khó khăn trong quản lý, sử dụng tài sản doanh nghiệp trong thời gian góp vốn.
Luật Thủy sản (khoản 7 Điều 2) quy định mặt nước biển là vùng nước biển quy hoạch để nuôi trồng thủy sản. Trong khi Luật đất đai (Điều 140) quy định về đất có mặt nước ven biển. Tuy nhiên, cả 02 luật nêu trên đều chưa xác định ranh giới giữa mặt nước biển và đất có mặt nước biển, dẫn đến khó khăn khi lựa chọn luật thống nhất áp dụng, điều chỉnh.
Thứ tư: Doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khó khăn khi áp dụng các quy định của pháp luật về lao động, vốn, khoa học kỹ thuật[3]
Chất lượng lao động, nhất là lao động nông thôn vẫn còn thấp cũng là một trở ngại cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và tay nghề không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp hoặc liên quan đến nông nghiệp. Chất lượng thấp của lao động không chỉ thể hiện ở kỹ năng lao động chưa cao, mà còn ở tính kỷ luật và tác phong công nghiệp còn hạn chế. Cả hai yếu tố nêu trên của nguồn lao động dẫn đến năng suất lao động ở mức thấp và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thu hút, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, qua rà soát cho thấy, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu các công cụ tài chính, thiếu khung pháp lý để phát triển mạnh việc liên kết các định chế tài chính. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nguồn vốn có thể dôi dư, song thực tế điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn cũng không dễ dàng vì sự mạo hiểm trong hoạt động khởi nghiệp, cũng như các yếu tố liên quan đến tài sản bảo đảm không phải chủ thể nào cũng đáp ứng được trên thực tế. Chúng tôi nhận thấy, số lượng nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần” để có thể tạo được nguồn vốn bền vững cho hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp không nhiều, nhất là trong điều kiện thời tiết ở nước ta rất dễ dẫn đến rủi ro cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhu cầu về công nghệ và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp lớn, song việc chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và liên kết với các nhà khoa học để phát triển công nghệ còn lỏng lẻo. Các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp khi đưa ra thị trường vẫn còn bị rào cản bởi các quy định ngành, các thủ tục pháp lý chưa linh hoạt để hỗ trợ các sản phẩm khoa học công nghệ.
Nhận diện chính xác những “rào cản” pháp lý là một trong những yêu cầu đặt ra để kịp thời “cởi trói”, tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như thúc đẩy ngành nông nghiệp nước ta phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”[4]./.