- Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến cá biệt hóa cá nhân;
- Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến thân thể của cá nhân;
- Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của cá nhân;
- Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình của cá nhân;
- Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
Với những đặc trưng riêng của lĩnh vực xuất bản gắn với đối tượng được đề cập đến, quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực xuất bản chủ yếu liên quan trực tiếp đến các vấn đề như: vấn đề cá biệt hóa cá nhân (quyền đối với hình ảnh), liên quan đến giá trị tinh thần của cá nhân (quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình) và liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (nhóm quyền nhân thân thuộc quyền tác giả). Với chuyên đề này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu và làm rõ thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành pháp luật về quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực xuất bản liên quan đến một số quyền đặc trưng dễ bị xâm phạm trong các nhóm quyền nói trên.
1. Quy định của pháp luật về quyền nhân thân liên quan đến hình ảnh của cá nhân trong lĩnh vực xuất bản
Trước đây, quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định cụ thể tại Điều 31 BLDS 2005, như sau:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Quy định của pháp luật nêu trên đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và đề cao quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh, là tiền đề pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân đối với hình ảnh của mình trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trên các xuất bản phẩm phải được sự đồng ý của chính người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong trường hợp người có hình ảnh đã chết, mất năng lực hành vi dân sự… Pháp luật cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên các xuất bản phẩm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Quy định này một mặt nhấn mạnh việc ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh, mặt khác cũng đặt quyền đối với hình ảnh của cá nhân trong mối liên hệ mật thiết với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân - những giá trị tinh thần cốt lõi của mỗi cá nhân. Ví dụ, trên xuất bản phẩm là tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm của một cơ quan có in hình một người đang bị còng tay với chú thích: “Tội phạm bị cơ quan chức năng áp giải”. Tuy nhiên, thực tế người này chỉ bị nghi là đã thực hiện tội phạm và chưa qua xét xử tại Tòa án nên cũng chưa thể được coi là tội phạm. Việc sử dụng hình ảnh với chú thích như vậy đã vi phạm quyền về hình ảnh của cá nhân, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và uy tín của người trên hình ảnh đó.
Tuy nhiên, điều luật còn một số nội dung chưa cụ thể: Thứ nhất, BLDS 2005 chưa phân biệt rõ quyền cụ thể của người có hình ảnh khi được người khác sử dụng hình ảnh của mình vào mục đích thương mại hay phi thương mại mà chỉ dừng lại ở việc khẳng định về quyền hình ảnh. Điều này gây khó khăn cho cá nhân có hình ảnh khi xác định các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như xác định các biện pháp phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của họ; Thứ hai, ngoài quy định việc sử dụng hình ảnh “vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng” là không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc đại diện hợp pháp của họ, điều luật cũng không xác định rõ các trường hợp khác mà việc sử dụng không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc đại diện hợp pháp của họ mà chỉ nêu một cách chung chung “hoặc pháp luật có quy định khác” nên cũng có nhiều lúng túng khi xác định phạm vi cũng như giới hạn của việc sử dụng hình ảnh; Thứ ba, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của bản thân cá nhân có hình ảnh hoặc chủ thể khác nhưng sự đồng ý được thể hiện dưới hình thức như thế nào thì điều luật chưa làm rõ; Thứ tư, khi cá nhân thuộc trường hợp không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, theo quy định của điều luật cần có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện, nếu có tất cả những người theo liệt kê như trên thì sự đồng ý của người nào sẽ có ý nghĩa quyết định cho phép sử dụng hình ảnh của cá nhân? Do đó, cách quy định tại điều luật này của BLDS 2005 có thể dẫn tới những cách hiểu và áp dụng không thống nhất.
Khắc phục những hạn chế nêu trên của BLDS 2005, BLDS 2015 đã quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, người đại diện theo pháp luật của cá nhân có hình ảnh cũng như phạm vi sử dụng hình ảnh của cá nhân. Điều 32 BLDS 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, như sau:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Điều luật trên đã kế thừa một số điểm tiến bộ của điều luật tương ứng trong BLDS 2005, đồng thời quy định thêm những vấn đề do yêu cầu của thực tiễn đặt ra, như vấn đề khai thác khía cạnh thương mại của việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải trả thù lao cho người có hình ảnh hoặc hình ảnh được sử dụng từ một số hoạt động công cộng mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, miễn là việc sử dụng đó không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh… Điều luật cũng xác định cụ thể về việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có hình ảnh thông qua các biện pháp, như: yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể nhận thấy, BLDS 2015 đã quy định tương đối cụ thể về quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận và bảo vệ các quyền của người có hình ảnh trong lĩnh vực dân sự nói chung, cho việc thể chế hóa và thực thi quy định này trong lĩnh vực xuất bản nói riêng.
Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 quy định một trong những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động xuất bản là xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung: “… vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Liên hệ với quy định của BLDS, BLDS nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh; hoặc việc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng không được làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Do vậy, quy định của Luật Xuất bản đã thể chế hóa mối liên hệ chặt chẽ giữa yêu cầu của việc sử dụng hình ảnh của cá nhân (kể cả vì mục đích thương mại hay phi thương mại) với yêu cầu trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân có hình ảnh đó trong lĩnh vực xuất bản. Mọi hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân trên các xuất bản phẩm trong hoạt động xuất bản đều phải được sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc sử dụng hình ảnh của cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan, nếu việc sử dụng hình ảnh trong hoạt động xuất bản mà xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (đối với tổ chức, mức phạt tiền là từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng). Ngoài ra, với hành vi vi phạm nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề biên tập (đối với Biên tập viên) từ 01 đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm; buộc xin lỗi người có hình ảnh bị xâm phạm.
2. Quy định của pháp luật về quyền nhân thân liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trong lĩnh vực xuất bản
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, thể hiện phẩm giá cao quý của con người. Trước đây, Điều 37 BLDS 2005 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Tuy quy định một cách khá ngắn gọn và khái quát, nhưng điều luật cũng đã thể hiện được quan điểm hết sức tiến bộ, đó là danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi cá nhân cần được tôn trọng, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Đây cũng là quy định mang tính tiền đề cho các quy định khác của pháp luật có thể đưa ra các phương thức bảo vệ quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tuy nhiên, cũng chính vì quy định một cách quá khái quát nên Điều 37 BLDS 2005 chưa cho thấy rõ được quyền của cá nhân khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cũng như các phương thức để bảo vệ quyền. Khắc phục những hạn chế nêu trên, Điều 34 BLDS 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, như sau:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Quy định nêu trên của BLDS 2015 đã thực sự cụ thể và đưa ra các phương thức bảo vệ quyền của mình trong các lĩnh vực nói chung, trong lĩnh vực xuất bản nói riêng khi có hành vi xâm phạm, như có thể yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin đã đưa trong xuất bản phẩm, tuyên bố thông tin đó là không đúng; yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại… Đặc biệt, BLDS 2015 còn quy định việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 quy định một trong những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động xuất bản là xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung: “… vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là những giá trị tinh thần cốt lõi của cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trong lĩnh vực xuất bản có thể là hành vi sử dụng thông tin sai sự thật, sử dụng hình ảnh với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trong các xuất bản phẩm. Tất cả những nội dung đó đều bị Luật Xuất bản nghiêm cấm, mọi cá nhân, tổ chức vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật thông qua các biện pháp bảo vệ quyền.
Khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm trên xuất bản phẩm, người có hành vi xâm phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các quy định của BLDS, văn bản liên quan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật xuất bản, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; hoặc khi hành vi xâm phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi xâm phạm còn phải gánh chịu những chế tài của pháp luật hình sự. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (đối với tổ chức, mức phạt là từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng). Ngoài ra, với hành vi vi phạm nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề biên tập (đối với Biên tập viên) từ 01 đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm; buộc xin lỗi người có hình ảnh bị xâm phạm.
Ví dụ, Nhà xuất bản A xuất bản cuốn sách trong đó có nhiều trang viết sai sự thật, xúc phạm nghiêm trong danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân B, thì theo quy định của pháp luật, B hoàn toàn có quyền khởi kiện Nhà xuất bản A và tác giả cuốn sách về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đình chỉ phát hành, thu hồi và tiêu hủy cuốn sách đó, bồi thường những thiệt hại vật chất, tinh thần theo quy định.
3. Quy định của pháp luật về quyền nhân thân liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Trước đây, Điều 38 BLDS 2005 quy định về quyền bí mật đời tư như sau:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu về cá nhân được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kỹ thuật. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân là quyền của chính cá nhân đó. Nếu người khác muốn thực hiện các hành vi này phải được người có quyền đồng ý. Trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, người chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc đại diện của người đó. Trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì không cần có sự đồng ý nêu trên.
Quyền bí mật đời tư của cá nhân còn được thể hiện thông qua việc thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Ngoài việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác chỉ được thực hiện khi có quy định của pháp luật và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các hành vi khác xâm phạm đến thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý với các chế tài tương ứng với hành vi xâm phạm.
Điểm hạn chế của BLDS 2005 là chỉ chú trọng bảo vệ về bí mật đời tư mà chưa quan tâm đến các vấn đề tương tự như các thông tin về đời sống riêng tư của cá nhân, thông tin liên quan đến bí mật gia đình. Thực tế cho thấy, ranh giới của những thông tin thuộc về đời sống riêng tư và thông tin thuộc về bí mật cá nhân trong nhiều trường hợp là khó xác định, tuy nhiên về cơ bản, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư sẽ phổ biến hơn, có nhiều người có thể biết được và được xác định trong phạm vi nhóm như bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn… Những thông tin của cá nhân trong từng phạm vi được xác định là thông tin về đời sống riêng tư cần được bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân phải tuân theo những quy định của pháp luật.
Nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp[1] và để bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân, BLDS 2015 đã quy định tại Điều 38 về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Quy định này đã xác định cụ thể các quyền cũng như nghĩa vụ của các chủ thể trong việc tôn trọng và bảo vệ các thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Mặt khác, BLDS 2015 cũng bổ sung quy định, trường hợp các bên giao kết hợp đồng mà có những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau thì bên kia có nghĩa vụ không được tiết lộ. Đây là quy định mang tính toàn diện hơn trong việc bảo vệ quyền nhân thân này.
Quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền con người rất quan trọng của thời hiện đại; các vấn đề về quyền riêng tư đã được Liên Hợp quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ, được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948. Nhiều nước phát triển đã ban hành đạo luật về quyền riêng tư hoặc các văn bản điều chỉnh vấn đề này nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của con người. Năm 2004, Tổ chức Bảo mật Quốc tế và Trung tâm Bảo mật thông tin điện tử có báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền” với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997. Theo đó, quyền riêng tư có các nội dung cơ bản sau[2]:
- Sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó.
- Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
- Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
- Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng.
Như vậy, theo sự phân loại trên, có thể hiểu quyền riêng tư của cá nhân là quyền con người liên quan đến việc bảo vệ quyền đối với những thông tin về cá nhân, thân thể, thông tin liên lạc, nơi cư trú… mà người có thông tin không muốn tiết lộ một cách rộng rãi trong phạm vi nhất định và những hành vi thu thập, sử dụng những thông tin đó khi không được phép thì bị coi là xâm phạm quyền.
Bí mật gia đình là những thông tin liên quan đến nội bộ mỗi gia đình có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi thành viên và chỉ những người là thành viên gia đình đó mới biết được và có nhiều biện pháp để giấu kín. BLDS 2015 đã bổ sung quy định này nhằm bảo vệ một cách toàn diện hơn không chỉ đối với từng cá nhân mà cả đối với đời sống riêng của gia đình cá nhân đó.
Liên quan đến bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân, điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 quy định một trong những nội dung bị cấm trong việc xuất bản, in, phát hành: “Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định”. Đây là quy định mang tính nguyên tắc trong hoạt động xuất bản và các tổ chức, cá nhân liên quan. Như phân tích ở trên, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân trong các xuất bản phẩm phải được người có thông tin bí mật đó đồng ý. Trường hợp không được sự đồng ý mà tiết lộ những thông tin thuộc về bí mật đời tư của cá nhân trong các xuất bản phẩm, cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, nếu tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định trong hoạt động xuất bản thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tổ chức, mức phạt là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Ngoài ra, với hành vi vi phạm nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề biên tập (đối với Biên tập viên) từ 01 đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm; buộc xin lỗi người có hình ảnh bị xâm phạm. Hoặc, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hành vi xâm phạm bí mật đời tư thông qua việc chiếm đoạt thư tín, điện thoại, điện tín có thể cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125).
Nếu trong lĩnh vực báo chí, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của một cá nhân, nhất là những người nổi tiếng dễ bị xâm phạm và xảy ra thường ngày trên các trang báo chí thì trong lĩnh vực xuất bản, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình khi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin trên các xuất bản phẩm phải tuân theo những quy trình biên tập và quy trình xuất bản rất chặt chẽ ở các nhà xuất bản, do vậy khả năng xâm phạm quyền sẽ bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, ở một số nhà xuất bản, các quy trình biên tập và quy trình xuất bản chưa được tuân thủ nghiêm, có hiện tượng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt; trình độ của đội ngũ biên tập viên hạn chế… nên trên thực tế còn để xảy ra sai phạm trong một số xuất bản phẩm.
4. Quy định của pháp luật về quyền nhân thân liên quan đến quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản
Tác phẩm là công trình sáng tạo của cá nhân được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả. Pháp luật hiện hành của Việt Nam đều khẳng định, tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm, được hưởng các lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất với phạm vi và mức độ phụ thuộc vào vai trò, vị trí của họ (tư cách chủ thể đối với tác phẩm). Như vậy, nhìn chung, nội dung quyền tác giả được cấu thành bởi hai yếu tố là quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân đối với tác phẩm là các quyền mang yếu tố tinh thần của chủ thể đối với tác phẩm, về bản chất luôn gắn với một chủ thể nhất định mà không thể chuyển dịch được. Khoản 2 Điều 738 BLDS 2005[3], Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhóm quyền nhân thân thuộc quyền tác giả, bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tuy nhiên, trong số các quyền nêu trên, tuy được xác định đều là quyền nhân thân nhưng nó vốn dĩ lại là cơ sở để chủ thể có các quyền đó thực hiện các quyền khác về tài sản. Và vì thế, muốn thực hiện các quyền về tài sản, người có quyền nhân thân này có thể chuyển giao quyền đó cho một chủ thể khác. Và cũng chính vì lý do đó nên trong tổng hợp các quyền nhân thân đối với tác phẩm, người ta thường phân chia thành hai loại quyền nhân thân khác nhau: quyền nhân thân không thể chuyển dịch và quyền nhân thân có thể chuyển dịch[4]. Khi quy định về chuyển giao quyền nhân thân thuộc quyền tác giả, khoản 1 Điều 742 BLDS 2005 đã quy định: (i) các quyền nhân thân không được chuyển giao (quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm - là các quyền mang giá trị tinh thần tuyệt đối, luôn tồn tại gắn liền với tên của tác giả); và (ii) quyền nhân thân có thể được chuyển giao với những điều kiện nhất định do pháp luật quy định (quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm - là quyền mà chủ sở hữu tác phẩm muốn hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm thì có thể chuyển quyền đó cho người khác).
Điều 5 Luật Xuất bản năm 2012 quy định về bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó khẳng định: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đây là những quy định trong việc bảo đảm quyền nhân thân thuộc quyền tác giả, đó là quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình.
Điều 11 Luật Xuất bản năm 2012 khẳng định việc xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Như vậy, Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm. Khi tiến hành các hoạt động xuất bản tác phẩm của mình, tác giả có các quyền nhân thân kèm theo như: quyền đứng tên, đặt tên cho tác phẩm của mình, quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Để bảo đảm lợi ích của chủ thể được bảo hộ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và trên cơ sở các hiệp định, điều ước quốc tế, Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:
- Các quyền được bảo hộ vô thời hạn là các quyền nhân thân gắn liền với tác giả, không thể chuyển giao cho người khác. Đó là quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc tên bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc tên bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, kể cả trường hợp tác giả không là chủ sở hữu tác phẩm hoặc tác phẩm đã được chuyển giao cho chủ thể khác.
- Riêng quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là quyền nhân thân, tuy nhiên có thể chuyển giao cho người khác nên thời hạn bảo hộ theo thời hạn bảo hộ quyền tài sản.
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, nếu xuất bản xuất bản phẩm trước khi có văn bản chấp thuận của tác giả thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tổ chức, mức phạt là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Ngoài ra, với hành vi vi phạm nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định cụ thể các hành vi xâm phạm như: xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên cho tác phẩm; xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; xâm phạm quyền công bố tác phẩm đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai, buộc sửa lại thông tin sai lệch, dỡ bỏ hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm.