Theo đó, Thông tư này quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 – đến hết năm 2025 bao gồm các công đoạn sản xuất: Thiêu kết quặng sắt; Luyện gang lò cao; Luyện thép lò chuyển (lò thổi), luyện thép lò điện hồ quang, luyện thép lò cảm ứng; Cán thép. Thông tư này không điều chỉnh các hoạt động sau: Sản xuất gang, thép phục vụ cho đúc chi tiết cơ khí; Sản xuất thép hợp kim làm vật liệu chế tạo máy; Sản xuất thép tấm phẳng cán nóng.
Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp thép giai đoạn đến hết năm 2020 như sau: Thiêu kết quặng sắt : 2.350 MJ/tấn; Sản xuất gang bằng lò cao: 14.000 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò chuyển (lò thổi): 150 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò điện hồ quang: 2.600 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng: 2.600 MJ/tấn; Cán nóng thép dài: 1.650 MJ/tấn; Cán nguội thép tấm lá: 1.600 MJ/tấn.
Định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp thép giai đoạn từ năm 2021 – đến hết năm 2025 như sau: Thiêu kết quặng sắt: 1.960 MJ/tấn; Sản xuất gang bằng lò cao: 12.400 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò chuyển (lò thổi): 100 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò điện hồ quang: 2.500 MJ/tấn; Sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng: 2.500 MJ/tấn; Cán nóng thép dài: 1.600MJ/tấn; Cán nguội thép tấm lá: 1.500 MJ/tấn
Thông tư cũng quy định yêu cầu về đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng giai đoạn đến năm 2025 như sau: Suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 không vượt quá định mức tiêu thụ năng lượng được quy định tương ứng tại Thông tư này. Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng với từng giai đoạn thì cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo các yêu cầu quy định tại Thông tư. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của các dự án đầu tư mới hoặc các dự án cải tạo mở rộng không được vượt quá các giá trị được quy định Thông tư.
Ngoài ra, một số giải pháp nâng cao hiệu suất năng lượng cũng được nêu rõ tại Thông tư như sau: Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50.001 cho đơn vị và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quản lý năng lượng; Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp (thay thế các thiết bị đơn lẻ có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn); Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao (thay thế một, vài cụm thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn hoặc thay đổi công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 11 năm 2016. Các dự án có Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền sau ngày Thông tư này có hiệu lực phải đáp ứng Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.