I. Một số khái niệm
1. Hợp đồng bảo hiểm và đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm
Khái niệm hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, theo đó “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Có ba loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: (i) Hợp đồng bảo hiểm con người; (ii) Hợp đồng bảo hiểm tài sản và (iii) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trên cơ sở khái niệm này ta có thể thấy hợp đồng bảo hiểm có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ hai, chủ thể của hợp đồng bảo hiểm gồm: bên bảo hiểm (tổ chức kinh doanh bảo hiểm và trung gian bảo hiểm) và bên mua bảo hiểm. Hai bên chủ thể sẽ kí kết với nhau một hợp đồng bảo hiểm trong đó cam kết bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và bên bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
Thứ ba, bản chất của hợp đồng bảo hiểm là nhằm chuyển nhượng rủi ro bảo hiểm từ bên mua bảo hiểm sang bên bảo hiểm;
Thứ tư, hình thức của hợp đồng bảo hiểm là bằng văn bản. Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với hình thức của hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Có thể lí giải việc pháp luật quy định hợp đồng bảo hiểm bắt buộc phải bằng văn bản bởi một số lí do sau: (i) Do tính phức tạp của quan hệ hợp đồng bảo hiểm; (ii) Tạo thuận lợi cho quá trình kí kết và thực hiện hợp đồng; (iii) Đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định; (iv) Công khai sản phẩm bảo hiểm và tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm..v..v..
Thứ năm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm bao gồm quyền và nghĩa vụ do thỏa thuận giữa bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Nội dung cụ thể được ghi nhận tại Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm, gồm các nội dung sau: (i) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; (ii) Đối tượng bảo hiểm; (iii) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; (iv) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; (v) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; (vi) Thời hạn bảo hiểm; (vii) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; (viii) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; (ix) Các quy định giải quyết tranh chấp; (x) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng. Ngoài những nội dung trên, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.
2. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm
Khoản 1 Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Trên cơ sở đó, ta có thể hiểu bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý (kế thừa quyền và nghĩa vụ) của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng, theo đó, người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng và hưởng các quyền lợi khác (nếu có) theo hợp đồng. Như vậy, có thể hiểu chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc bên mua bảo hiểm chuyển giao tư cách pháp lý cho chủ thể khác để chủ thể này tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
Vấn đề chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Mục 3 Chương III các Điều từ 74 đến 76 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Khoản 1 Điều 74 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây…”. Như vậy ta có thể thấy rằng, khác với chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, chủ thể bị thay đổi trong chuyển giao hợp đồng bảo hiểm là bên bán bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm). Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể hiểu rằng, chuyển giao hợp đồng bảo hiểm là việc doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao tư cách pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác khi có đủ điều kiện và tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
II. Nội dung pháp lý về chuyển nhượng và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
1. Các quy định của pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm
Tại điểm đ khoản 1 Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, theo đó “Bên mua bảo hiểm có quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật…”. Như vậy, ta có thể thấy rằng, pháp luật thừa nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là một quyền của bên mua bảo hiểm, với quy định này thì bên mua bảo hiểm có quyền chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 26 quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm như sau: “1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp nhận việc chuyển nhượng đó,trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế”.
Từ những quy định trên chúng ta có thể thấy chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có những nội dung pháp lý sau:
Thứ nhất, về chủ thể bị thay đổi trong hợp đồng bảo hiểm: Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc bên mua bảo hiểm chuyển giao tư cách pháp lý cho chủ thể khác, chủ thể này sẽ thay thế vị trí pháp lý tức là sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm và hưởng các quyền lợi khác theo hợp đồng. Như vậy, chủ thể bị thay đổi trong hợp đồng bảo hiểm khi chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm đó chính là bên mua bảo hiểm.
Về nguyên tắc hợp đồng bảo hiểm được xác lập giữa bên mua bảo hiểm với bên bán bảo hiểm thì các chủ thể này có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mà không được chuyển nhượng, chuyển giao cho chủ thể khác. Tuy nhiên pháp luật vẫn cho phép người mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ này cho chủ thể khác đủ điều kiện theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật. Rõ ràng điều này là hoàn toàn hợp lý bởi vì trong nhiều trường hợp vì một số lý do mà bên mua bảo hiểm không thể thực hiện hợp đồng bảo hiểm vì lí do khách quan hay không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ như trong thời gian thực hiện hợp đồng bảo hiểm gặp phải những khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng nhưng nếu hủy hợp đồng bảo hiểm thì họ không muốn bởi vì họ số tiền mà họ tham gia hợp đồng bảo hiểm là lớn và họ muốn tránh rủi ro hoặc trong trường hợp bên mua bảo hiểm không muốn tiếp tục hợp đồng bảo hiểm vì lí do khác như họ không thích, không còn nhu cầu..v..v..trong khi những người có điều kiện vẫn muốn tiếp tục hợp đồng bảo hiểm. Chính vì vậy mà để đảm bảo quyền lợi cho các bên đồng thời góp phần vào sự ổn định của thị trường bảo hiểm thì pháp luật cho phép bên mua bảo hiểm được chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người có đủ điều kiện vì nếu không cho chuyển nhượng thì chắc chắn các hợp đồng bảo hiểm này sẽ bị hủy bỏ. Trong khi đó có rất nhiều trường hợp khi hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ thì gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.
Sau khi thực hiện chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành một bên chủ thể trong hợp đồng bảo hiểm và phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm thay cho bên đã chuyển nhượng. Có câu hỏi được đặt ra là: Sau khi chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì bên chuyển nhượng có phải liên đới thực hiện hợp đồng bảo hiểm hay không? Câu trả lời là không. Khi thực hiện việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có nghĩa là bên chuyển nhượng không muốn tiếp tục thực hiên hợp đồng bảo hiểm và việc thực hiện chuyển nhượng này được cả bên nhận chuyển nhượng và bên bảo hiểm chấp nhận, vì vậy bên chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm không có lý do gì để tiếp tục liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã được chuyển nhượng cho nên họ chấm dứt tư cách pháp lý cũng như các quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng bảo hiểm từ khi việc chuyển nhượng có hiệu lực. Điều này là hoàn toàn hợp lý. Khi vấn đề chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thì bên nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ thực hiện mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Bên nhận chuyển nhượng bảo hiểm phải chấp nhận những thỏa thuận trước đây của bên chuyển nhượng với doanh nghiệp bảo hiểm…
Bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng đủ điều kiện thì mới được phép nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Pháp luật cũng không có quy định rõ ràng về điều kiện của người nhận chuyển nhượng nhưng ta có thể hiểu rằng, người nhận chuyển nhượng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm với mục đích không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết cho nên phải là người có quyền lợi có thể được bảo hiểm có liên quan tới hợp đồng bảo hiểm hoặc có quyền lợi bị ảnh hưởng nếu như sự kiện bảo hiểm xảy ra thì mới có thể nhận chuyển nhượng. Hơn nữa, căn cứ vào các đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm đã đề cập thì chắc chắn bên nhận chuyển nhượng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để có thể thỏa thuận và thực hiện hợp đồng.
Thứ hai, về phạm vi chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm: Có thể khẳng định rằng, không phải bất cứ hợp đồng bảo hiểm nào cũng có thể được chuyển nhượng. Theo quy định của pháp luật thì chỉ những hợp đồng bảo hiểm nào có thỏa thuận trong hợp đồng thì mới có thể chuyển nhượng. Điều khoản thỏa thuận về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là một trong các điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm. Điều này đảm bảo cho quan hệ hợp đồng bảo hiểm được ổn định để tránh trường hợp bên mua bảo hiểm tùy tiện chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Trên thực tế việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chủ yếu xảy ra đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản. Khi bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm mà không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng do không còn mối quan hệ với đối tượng được bảo hiểm thì khi đó chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người mua khác để không bị tổn thất lớn do hủy hợp đồng. Vì về nguyên tắc sự tồn tại của hợp đồng bảo hiểm tài sản gắn liền với đối tượng được bảo hiểm chứ không phụ thuộc vào chủ của vật đó. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm rất hiếm có, trong bảo hiểm con người phi nhân thọ vấn đề chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm không được đặt ra vì rủi ro được bảo hiểm gắn liền với bản thân chủ thể được bảo hiểm.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục tiến hành chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm: Theo quy định của pháp luật thì chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng hợp đồng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế. Như vậy, nếu doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm của bên mua bảo hiểm thì phải thông báo việc chấp nhận đó cho bên chuyển nhượng và phải thể hiện bằng văn bản. Bởi vì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm không chỉ liên quan đến bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng mà nó còn ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy cần có sự chấp nhận của doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng. Trường hợp bên chuyển nhượng chưa thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì vẫn có nghĩa vụ nộp phí cho đến thời điểm doanh nghiệp chấp nhận việc chuyển nhượng. Nếu như doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận việc chuyển nhượng hợp đồng vì một lí do nào đó thì việc chuyển nhượng sẽ không có hiệu lực. Khi việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực thì không có nghĩa là hợp đồng bảo hiểm cũng đương nhiên chấm dứt. Khi đó bên mua bảo hiểm vẫn là một bên chủ thể trong hợp đồng bảo hiểm đó.
2. Các quy định của pháp luật về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
Thứ nhất, các trường hợp được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm: Điều 74 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây: (i) Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán; (ii) Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể; (iii) Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Pháp luật cũng quy định, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thoả thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.
Như vậy chuyển nhượng và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm có bản chất hoàn toàn khác nhau. Nếu như đối với chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm bên thực hiện việc chuyển nhượng là bên mua bảo hiểm hay khách hàng, có nghĩa là chủ thể bị thay đổi trong hợp đồng bảo hiểm là bên mua bảo hiểm thì ngược lại, chủ thể bị thay đổi trong hợp đồng bảo hiểm đối với chuyển giao hợp đồng bảo hiểm lại là bên bảo hiểm (bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm), khi đó doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao tư cách pháp lý cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khác để thực hiện toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm.
Thứ hai, điều kiện chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao;
- Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm;
- Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Như vậy pháp luật đã chỉ ra cụ thể các trường hợp được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Từ đó, ta có thể thấy khác với chuyển nhượng chỉ do thỏa thuận giữa bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thì ngoài việc chuyển giao được diễn ra do thỏa thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm thì pháp luật còn quy định các trường hợp chuyển giao ngoài thỏa thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt, khi doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao thì Bộ Tài Chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao. Ta thấy rằng mục đích của hợp đồng bảo hiểm là đảm bảo chia sẻ rủi ro, tổn thất cho người mua bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Vì vậy, pháp luật quy định theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm. Khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm rơi vào tình trạng có khả năng có nguy cơ mất khả năng thanh toán hay giải thể thì quyền lợi của người mua bảo hiểm. Trên thực tế hoạt động của doanh ngiệp bảo hiểm là hoạt động kinh doanh thì có rủi ro lớn vì vậy không thể để người rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm chuyển sang cho người mua bảo hiểm chính vì thế mà pháp luật đặt ra quy định chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Nó hoàn toàn khác với việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm khi mà chuyển nhượng thì rủi ro vẫn được bảo hiểm.
Thứ ba, về thủ tục chuyển giao hợp đồng bảo hiểm
Điều 76 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo thủ tục sau đây:
(i) Doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có đơn đề nghị chuyển giao hợp đồng bảo hiểm gửi Bộ Tài chính nêu rõ lý do, kế hoạch chuyển giao, kèm theo hợp đồng chuyển giao. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ được tiến hành sau khi đã được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản;
(ii) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải công bố về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản.
Có thể thấy rằng, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm đơn giản hơn rất nhiều so với chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Bởi vì khi chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm thì chỉ cần bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và được sự chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm đó (trừ trường hợp việc chuyển nhượng theo tập quán quốc tế). Trong khi đó, để chuyển giao hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm trước hết phải có đơn đề nghị chuyển giao gửi Bộ Tài chính nêu rõ lí do, kế hoạch chuyển giao kèm theo hợp đồng chuyển giao và việc chuyển giao chỉ được tiến hành sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Sau đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận thì doanh nghiệp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải công bố về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản. Vấn đề này được quy định chi tiết tại Mục X Thông tư số 157/2007/TT-BTC ngày 20/02/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Việc pháp luật thừa nhận vấn đề chuyển nhượng hay chuyển giao hợp đồng bảo hiểm đã góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên trong quan hệ bảo hiểm. Đây là những vấn đề diễn ra phổ biến trong kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề này là hết sức cần thiết đề từ đó đề ra phương hướng sửa đổi, hoàn thiện, góp phần bảo vệ lợi ích của bên bảo hiểm cũng như bên mua bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển./.