Một là, Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự).
Quy định này nhằm thực hiện chính sách hình sự là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
- Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Về mặt chủ quan: Thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng do vô ý (là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý - tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó). Hoặc thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm).
- Về điều kiện áp dụng: (1) Người thực hiện tội phạm đã tự nguyện sửa chữa, (2) bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và (3) được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và (4) đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, người thực hiện tội phạm “đã” (tức là hoàn thành) sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và việc hòa giải phải được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải hoàn toàn tự nguyện (không bị cưỡng ép, đe dọa, uy hiếp hoặc người thực hiện tội phạm dùng thủ đoạn khác khiến người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải hòa giải) và người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (có đơn gửi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm).
- Về mặt khách quan: Chỉ được hòa giải và miễn trách nhiệm hình sự khi hành vi của người thực hiện tội phạm xâm phạm một số lĩnh vực nhất định là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác (chứ không phải các tội phạm về an ninh quốc gia, quốc phòng, chế độ kinh tế, chế độ chính trị, chức vụ…).
Hai là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này (Điều 92 Bộ luật hình sự).
Quy định này nhằm thực hiện chủ trương nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không tước tự do đối với người phạm tội là người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi); mục tiêu là giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, tạo điều kiện cho họ tự rèn luyện trong môi trường xã hội bình thường, có sự giám sát của chính quyền địa phương và của gia đình; giúp họ có thể phát triển tốt hơn trong tương lai.
- Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp hòa giải tại cộng đồng phải là người dưới 18 tuổi.
- Về điều kiện áp dụng: (1) phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, (2) tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả; (3) không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự[1]; (3) đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; (4) đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.
- Về mặt khách quan: (1) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự[2]. (2) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng[3] quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự[4] (được hiểu là người phạm vào các tội nêu trên thì không được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng để miễn trách nhiệm hình sự).
Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng tại Điều 428 như sau: Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng[5]. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải[6]. Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải cam kết: Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sữa chữa sai phạm; tham gia chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; trình diện khi được yêu cầu và hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có). Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và người trực tiếp giám sát, giáo dục; tích cực tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, tham gia lao động tại cộng đồng; báo cáo tình hình học tập, lao động, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình khi được yêu cầu; trình diện cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu và (nếu có)[7]. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, pháp luật hình sự chưa quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật tố tụng hình sự, đồng thời biện pháp hòa giải tại cộng đồng chưa quy định về nguyên tắc, thành phần, quy trình tiến hành hòa giải. Vì vậy, để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành biện pháp hòa giải và hòa giải tại cộng đồng khi miễn trách nhiệm hình sự; quyền và nghĩa vụ của người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi áp dụng biện pháp hòa giải; trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc ban hành văn bản này là cần thiết, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện các quy định này thống nhất trên toàn quốc.