Áp dụng biện pháp ngăn chặn (BPNC) là một trong những hoạt động tố tụng thường xuyên được các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo quy định tại Mục I, Chương VII – Phần thứ Nhất của Bộ luật TTHS năm 2015, có thể chia các BPNC thành 03 nhóm gồm: Các trường hợp bắt như bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt quả tang, bắt truy nã, bắt bị can bị cáo để tạm giam…; các trường hợp giữ như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quả tang, đầu thú, tự thú…; các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú…Các căn cứ để áp dụng các BPNC trên cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 109 BLTTHS cũng như tại các điều luật quy định cụ thể của mỗi BPNC. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định trên vào thực tiễn, tại một số địa phương cũng như giữa các cơ quan THTT, người tiến hành tố tụng vẫn có những nhận thức và cách hiểu khác nhau về việc áp dụng các BPNC nói trên.
Thứ nhất, có nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc khởi tố bị can các cơ quan THTT bắt buộc phải áp dụng một trong các BPNC nêu trên, ít nhất cũng là áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm trên bởi lẽ: Về quy định thì hiện nay không có quy định nào mang tính chất bắt buộc trong mọi trường hợp các cơ quan THTT phải áp dụng biện pháp ngăn chặn sau khi khởi tố bị can. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 109 BLTTHS thì “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội …” thì các cơ quan THTT “..có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”. Như vậy, rõ ràng các cơ quan THTT chỉ có thể áp dụng các BPNC khi có một trong các căn cứ trên hoặc các căn cứ đối với từng BPNC cụ thể, hay nói cách khác, nếu không có các căn cứ để áp dụng các BPNC thì không thể và không được phép áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can.
Thứ hai, tại các Điều 121 và Điều 122 BLTTHS quy định về Bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm đều quy định “là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam”. Vậy, nên hiểu quy định này như thế nào cho đúng khi ý kiến cho rằng các cơ quan THTT chỉ được áp dụng biện pháp này sau khi đã áp dụng biện pháp tạm giam và thấy biện pháp tạm giam không còn cần thiết nữa nên ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng một trong hai biện pháp này để thay thế. Ý kiến khác lại cho rằng ngay từ đầu, cơ quan THTT nhận thấy đã có đủ các căn cứ để tạm giam, nhưng lại không áp dụng biện pháp tạm giam mà sử dụng một trong hai biện pháp trên để thay thế. Thực tế hiện nay ở một số địa phương khác nhau thậm chí là trong cùng một cơ quan THTT đều chấp nhận và áp dụng cả hai cách hiểu trên. Cá nhân tôi nhận thấy quan điểm thứ hai là không phù hợp bởi lẽ: Lý do các cơ quan THTT tạm giam bị can vì có căn cứ quy định tại Điều 109 cũng như Điều 119 BLTTHS. Còn căn cứ cho bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm được quy định tại 02 điều luật khác với các căn cứ khác nhau. Do đó, không thể nói rằng bị can đó có căn cứ tạm giam nhưng lại áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm để thay thế. Ví dụ, bị can A bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích và có căn cứ cho rằng bị can có thể tiếp tục phạm tội. Như vậy, nếu các cơ quan THTT không áp dụng biện pháp tạm giam mà áp dụng biện pháp bảo lĩnh để thay thế thì rõ ràng không đảm bảo và không có căn cứ. Trong khi đó hiện nay chế tài để xử lý đối với cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh khi để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ thì chưa có chế tài tương xứng.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh, nếu việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo quan điểm thứ nhất thì sau khi Viện kiểm sát ra quyết định thay thế BPNC, thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp cho bảo lĩnh và vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra thì, cơ quan nào sẽ ban hành quyết định cho bảo lĩnh? Ý kiến thứ nhất cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định cho bảo lĩnh sau đó sẽ gửi quyết định đó sang Viện kiểm sát để phê chuẩn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng sau khi Viện kiểm sát ra quyết định thay thế BPNC thì Viện Kiểm sát sẽ ra quyết định cho bảo lĩnh luôn, vì tại Khoản 2 Điều 125 BLTTHS quy định: “…Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định…”. Nếu theo ý kiến Viện kiểm sát sẽ ra quyết định bảo lĩnh luôn, vậy thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định bảo lĩnh khi nào? Do đó, theo tôi nên hiểu quy định tại Khoản 2 Điều 125 BLTTHS theo hướng, Viện kiểm sát sẽ quyết định việc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác, còn BPNC khác là biện pháp gì thì do Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng và đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn là phù hợp với thực tiễn cũng như tinh thần của điều luật.
Thứ ba, về vấn đề thời hạn: BLTTHS hiện nay đã quy định khá cụ thể về vấn đề thời hạn đối với tất cả các vấn đề trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, quy định về thời hạn trong việc áp dụng các BPNC thì vẫn còn một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể như: Không đề cập việc gia hạn thời hạn áp dụng các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh. Trong trường hợp vụ án phải gia hạn thời hạn điều tra lần 1, lần 2, thậm chí lần 3 mà trước đó đã áp dụng một trong các biện pháp trên thì sẽ phải xử lý như thế nào? Trong khi đó hiện nay, hệ thống biểu mẫu quyết định áp dụng đối với 04 BPNC trên của các cơ quan THTT đều chỉ cho phép áp dụng không quá thời hạn giải quyết vụ án. Với quy định chưa rõ ràng như vậy đã dẫn đến việc lúng túng và thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan THTT.
Theo quy định tại Điều 134 BLTTHS, thời hạn trong BLTTHS được tính theo đơn vị là giờ, ngày, tháng và năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Nhưng tại Khoản 1 Điều 118 BLTTHS lại quy định “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.”
Vậy, nếu một người có hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy và bị Cơ quan điều tra bắt quả tang lúc 12 giờ ngày 01/4/2018 và đưa về trụ sở Cơ quan điều tra lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày. Theo quy định tại Điều 118 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ sẽ là 03 ngày, kể từ lúc 12 giờ 30 phút ngày 01/4/2018 đến 12 giờ 30 phút ngày 04/4/2018. Nếu có căn cứ để khởi tố và tạm giam thì thời hạn tạm giam (đã trừ tạm giữ) được tính bắt đầu từ thời điểm nào? Nếu theo Điều 118 BLTTHS thì thời hạn tạm giam sẽ được tính tiếp từ lúc 12 giờ 30 phút ngày 04/4/2018. Nếu tính theo quy định tại Điều 134 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày 04/4/2018, như vậy từ 12 giờ 30 phút ngày 04/4/2018 đến 24 giờ ngày 04/4/2018 người đó bị giữ/ tạm giam mà không có quyết định/ Lệnh và thời hạn tạm giam trong trường hợp này sẽ phải tính tiếp từ lúc 00 giờ ngày 05/4/2018. Thời hạn trong tạm giam được tính bằng tháng (01 tháng được tính bằng 30 ngày), do đó nếu theo Điều 134 BLTTHS thì sẽ không có lợi cho bị can khi bị thiệt 01 ngày tạm giam.
Thứ tư, một số đơn vị sau khi ra quyết định khởi tố bị can, đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng cũng đồng thời áp dụng cả biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với bị can vì cho rằng: Việc xuất cảnh là do Cục quản lý xuất nhập cảnh quyết định, còn cấm đi khỏi nơi cư trú thì được quản lý bởi chính quyền địa phương (cấp xã). Do đó, nếu không áp dụng cả biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì sợ bị can sẽ bỏ trốn ra nước ngoài và BLTTHS cũng không cấm áp dụng 02 BPNC cùng trong một khoảng thời gian. Theo tôi cách hiểu trên là không đúng bởi lẽ, nói về mặt không gian thì khi bị can bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tại một xã/ phường nào đó rồi thì họ sẽ không được phép đi khỏi xã/phường đó khi chưa được sự đồng ý của đơn vị đã ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc của chính quyền địa phương nơi họ được cư trú. Bên cạnh đó, nếu Cơ quan THTT có căn cứ cho rằng bị can đó có dấu hiệu sẽ bỏ trốn ra nước ngoài thì căn cứ vào Điều 119 BLTTHS để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can.
Trên đây là một số ý kiến mang tính chất cá nhân về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS, xin nêu ra để các đồng chí và các bạn cùng trao đổi./.