Quyền con người về kinh tế, văn hóa và xã hội trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

1. Khái quát chung về quyền con người
Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người đã định nghĩa “quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[1]. Để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền con người, sau khi thành lập Liên Hợp quốc năm 1945, các điều ước quốc tế đã ghi nhận các quyền con người trong các văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người 1948 (sau đây viết tắt là UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966 (sau đây viết tắt là ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, 1966 (sau đây viết tắt là ICESCR), v.v. được gọi chung là Luật quốc tếvề quyền con người. Năm 1977, Karel Vasak đưa ra ý tưởng về ba “thế hệ quyền con người” trên cơ sở phân loại các nhóm quyền, cụ thể:
Thế hệ thứ nhất, các quyền dân sự, chính trị, bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị mà tiêu biểu như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng... Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là UDHR và ICCPR.
Thế hệ thứ hai, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bao gồm các quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở, quyền giáo dục, quyền được đảm bảo mức sống phù hợp, quyền công đoàn, v.v. Văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu nhất đề cập đến thế hệ quyền này là ICESCR.
Thế hệ thứ ba, các quyền tập thể, bao gồm các quyền tập thể, tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc; quyền phát triển; quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quyền được sống trong hoà bình; quyền được sống trong môi trường trong lành, v.v. Danh mục các quyền thuộc thế hệ quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó những quyền được đề cập gần đây bao gồm: quyền được thông tin và các quyền về thông tin; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Những văn kiện pháp lý quốc tế tiêu biểu hiện nay đề cập đến thế hệ quyền này là Tuyên ngôn về trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa 1960; Hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 là ICCPR (Điều 1), ICESCR (Điều 1); Tuyên bố về quyền của các dân tộc được sống trong hoà bình 1984; Tuyên bố về quyền phát triển 1986, v.v.[2].
Đa số các quyền trong ba thế hệ quyền con người đã được pháp điển bằng các điều ước quốc tế và nội luật hóa trong luật quốc gia, trong đó có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (sau đây viết tắt là Luật TNBTCNN 2017). Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội - thế hệ quyền con người thứ hai - trong Luật TNBTCNN 2017.
2. Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bảo đảm thực hiện một số quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội
2.1. Về quyền bình đẳng: Điều 7 UDHR quy định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị” và Điều 3 ICCPR quy định các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hoá mà Công ước quy định.Xuyên suốt các quy định của Luật TNBTCNN 2017 đều quy định người bị thiệt hại, không phân biệt nam nữ hay giới tính, kể cả người thành niên hay chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự, v.v. đều có quyền được yêu cầu bồi thường và được giải quyết yêu cầu bồi thường miễn sao đáp ứng đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Điều 7 Luật TNBTCNN 2017. Quy định này cũng được hiểu là không chỉ công dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới được bồi thường mà còn được áp dụng đối với người nước ngoài. Theo đó, các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm: (i) có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật; (ii) có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
 
2.2. Về quyền sở hữu tài sản: Điều 17 UDHR quy định “mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với người khác. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tuỳ tiện”. Bên cạnh đó, Điều 2 ICESCR quy định “mỗi quốc gia thành viên Công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp, một cách riêng rẽ và thông qua sự hợp tác giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tới mức tối đa các tài nguyên sẵn có của mình, nhằm đạt được việc bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt kể cả việc thông qua những biện pháp lập pháp.Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.Các quốc gia đang phát triển có thể quyết định mức độ đảm bảo các quyền kinh tế mà đã được ghi nhận trong Công ước này cho những người không phải là công dân của họ, có xem xét thích đáng đến các quyền con người và nền kinh tế quốc dân của mình”. Như vậy, khác so với yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước trong ICCPR, đối với các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, yêu cầu Nhà nước căn cứ vào biện pháp kinh tế và kỹ thuật, các tài nguyên sẵn có của mìnhbảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền - nói cách khác việc bảo đảm thực hiện quyền này có lộ trình (trong khi đó, để thực hiện các quyền dân sự, chính trị, yêu cầu Nhà nước phải thực hiện ngay thông qua các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác).
Để ghi nhận quyền sở hữu tài sản rong lĩnh vực bồi thường nhà nước, Nhà nước đã ghi nhận trách nhiệm trong việc trả lại tài sản cho người bị thiệt hại. Cụ thể, khoản 1 Điều 30 Luật TNBTCNN 2017 quy định tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ. Và đặc biệt, so với pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật TNBTCNN 2017 đã bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với một số trường hợp, lương hóa một số loại thiệt hại về vật chất [3], ví dụ, Điều 23 Luật quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Theo đó, trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật TNBTCNN 2017. Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật TNBTCNN 2017 để sửa chữa, khôi phục lại tài sản; v.v. Ngoài ra, Luật không chỉ để bảo đảm quyền và lợi ích cho đối tượng hại là cá nhân, mà còn quy định về việc bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, được thể hiện tại Điều 2 về đối tượng được bồi thường. Theo đó, người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Luật TNBTCNN 2017.
2.3.Vềquyền được trả lương, khoản 2 Điều 23 UDHR quy định “Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác”; điểm i khoản 1 Điều 7 ICESCR quy định “tiền lương thoả đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào ... được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau”. Người bị thiệt hại đáng lẽ làm việc để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình, tuy nhiên, vì hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà cản trở người bị thiệt hại thực hiện quyền làm việc và được trả lương của mình, tương tự đối với tổ chức, vì hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, Điều 24 Luật TNBTCNN 2017 quy định cụ thể trường hợp thu nhập thực tế của người bị thiệt hại là cá nhân và thu nhập thực tế của người bị thiệt hại là tổ chức. Đồng thời, để bảo đảm nguyên tắc “trả lương tương xứng và công bằng” như đã được đề cập trong khoản 2 Điều 23 UDHR, khoản 1 Điều 24 Luật TNBTCNN 2017 đã phân loại các trường hợp có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công; thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công và thu nhập không ổn định theo mùa vụ của người bị thiệt hại là cá nhân làm căn cứ xác định mức thiệt hại được bồi thường. Việc phân loại các loại thu nhập để tính thiệt hại được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN 2017 đã thể hiện rõ nguyên tắc “tương xứng, công bằng” với thiệt hại bị xâm phạm của người bị thiệt hại và phù hợp với các điều ước quốc tế.
2.4.Quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe: khoản 1 Điều 25 UDHR quy định ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả y tế và những dịch vụ cần thiết. Điều 12 ICESCR ghi nhận các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. Nội luật hóa quy định này, tại các điều 20, 38 và 58 Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe của con người. Để thực hiện quy định này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật TNBTCNN 2017. Theo đó, Điều 26 Luật TNBTCNN 2017 quy định về thiệt hại Nhà nước bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, gồm các chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chi phí bồi dưỡng sức khỏe; chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh và trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động v.v.
3. Một số lưu ý trong quá trình áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước đối với quyền con người
Theo Luật quốc tế về quyền con người, các Nhà nước - chủ thể cơ bản, có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy thực thi quyền con người nói chung và trong lĩnh vực bồi thường nhà nước nói riêng. Nói cách khác, Nhà nước hay cụ thể hơn là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, cùng các công chức, viên chức của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy việc thực thi quyền con người trong thực tiễn. Luật TNBTCNN 2017 đã được sửa đổi bổ sung với nhiều quy định có để bảo đảm quyền cho người bị thiệt hại như đã phân tích ở trên; đồng thời cũng ghi nhận trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại (Điều 14), cơ quan giải quyết bồi thường (Điều 15), trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước (Chương VIII). Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định này có thể “đi vào cuộc sống”, cần sự phối hợp thực hiện từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trong đó, đặc biệt quan trọng về phía cơ quan nhà nước. Căn cứ vào các nghĩa vụ mà Nhà nước phải thực hiện theo Luật nhân quyền quốc tế, có thể xác định một số nhiệm vụ như sau để bảo đảm hiệu quả thi hành Luật:
Thứ nhất, về chức năng “tôn trọng”:Luật TNBTCNN 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ghi nhận rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Luật được ban hành thể hiện rõ sự “tôn trọng” của Nhà nước, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân.
Thứ hai, về chức năng “bảo vệ và bảo đảm”: các cơ quan nhà nước, công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước cần: (i) căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời phát hiện và tổ chức kiểm tra các vụ việc khó phức tạp mới phát sinh; (ii) theo dõi để đôn đốc các vụ việc chưa được giải quyết kịp thời; (iii) nghiên cứu và kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để nâng cao hiệu quả thi hành các quy định của Luật (ví dụ như Quy chế phối hợp hay Bộ tiêu chí đánh giá v.v.); (iv) kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật v.v.
Thứ ba, về chức năng “thúc đẩy thực thi”: để thực hiện chức năng này, các cơ quan nhà nước cần: (i) căn cứ vào sự phân công, phân cấp nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng chịu tác động với hình thức phong phú, đa dạng và nội dung chính xác, đầy đủ; (ii) hướng dẫn hỗ trợ người yêu cầu bồi thường nói chung và người bị thiệt hại nói riêng thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình được kịp thời, hiệu quả; (iii) nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước để khi phát sinh vụ việc, thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo đúng thời hạn quy định; (iv) nắm bắt để phản ứng kịp thời với những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành; (v) xây dựng và vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu về công tác bồi thường nhà nước qua đó kịp thời tương tác với người yêu cầu bồi thường và xã hội về các vụ việc phát sinh v.v./.
                     Thịnh Anh


[1] United Nations, Human rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006, trang 4.
[2]Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội, Hỏi đáp về quyền con người,NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012, trang 30.
[3] Cục Bồi thường nhà nước, Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, 2017, trang 55.