Đặt vấn đề
Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được Chính phủ ban hành ngày 24/9/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ). Trong thời gian qua, việc triển khai thi hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) đã góp phần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, sau 05 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP[1]. Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã được Bộ Tư pháp xây dựng và tiến hành thẩm định[2]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nêu những vướng mắc, bất cập chủ yếu lên quan đến nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), từ đó đề xuất, kiến nghị hướng xử lý nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng.
1. Một số quy định tại Luật XLVPHC và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa phù hợp thực tế
1.1. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng
Điểm a khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC quy định:
“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế”.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, tùy thuộc vào đặc thù của từng lĩnh vực quản lý nhà nước, nhà làm luật quy định các loại thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính khác nhau, cụ thể là:
- Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước (trong đó có lĩnh vực bổ trợ tư pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC), thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.
- Đối với một số lĩnh vực đặc thù thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm (chẳng hạn như: Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; đất đai…).
- Riêng vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế[3].
Theo quy định tại điểm a khoản 20 Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì công chứng là một trong những hoạt động thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Như vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành thì các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng chỉ có thời hiệu xử phạt là 01 năm.
Qua thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính thấy rằng, quy định thời hiệu xử phạt là 01 năm đối với hoạt động công chứng chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, hoạt động công chứng có một đặc thù, đó là, việc tranh chấp, khiếu nại đối với các hợp đồng, giao dịch không xảy ra ngay tại thời điểm công chứng mà thường xảy ra sau một khoảng thời gian khá dài, kể từ thời điểm công chứng, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến di chúc, thừa kế di sản. Có những vụ việc công chứng phải hơn 01 năm kể từ ngày công chứng mới phát sinh khiếu nại và khi xác minh, kết luận có sai sót thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt không thể tiến hành việc xử phạt vì đã quá thời hiệu 01 năm. Do vậy, để bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng, tác giả cho rằng, cần nghiên cứu quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng theo một trong hai hướng:
Một là, sửa đổi, bổ sung đoạn 1 điểm a khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC để quy định thời hiệu xử phạt đối với hoạt động công chứng là 02 năm.
Hai là, sửa đổi, bổ sung đoạn 2 điểm a khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC để dẫn chiếu quy định thời hiệu xử phạt đối với hoạt động công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2014 để quy định thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về công chứng, tương tự như cách quy định của Luật quản lý thuế năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016) như đã nêu trên.
1.2. Về mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng
Thứ nhất, tính chất, mức độ vi phạm cũng như mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước giữa các hành vi trong cùng một khung tiền phạt tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa có sự tương đồng. Chẳng hạn như khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 44 của Luật công chứng; công chứng không đúng thời hạn quy định; sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng; từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; không đeo thẻ công chứng viên khi tiếp người yêu cầu công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, tính chất, mức độ vi phạm cũng như mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của các hành vi nêu trên không hoàn toàn giống nhau nên việc quy định chung một khung phạt tiền đối với các hành vi này là không hợp lý, cụ thể là: Hành vi không đeo thẻ công chứng viên khi tiếp người yêu cầu công chứng hoặc chứng thực, xét về tính chất, mức độ vi phạm, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước không thể nghiêm trọng bằng hành vi công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định hay hành vi sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng.
Thứ hai, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, đặc biệt là các hành vi diễn ra một cách phổ biến trên thực tế sau đây:
- Hành vi “công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 44 của Luật công chứng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP): Chỉ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng mà không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả nào.
- Hành vi “không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP): Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục công chứng nhưng chỉ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng mà không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả nào.
- Hành vi “mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP): Chỉ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 2, điểm b khoản 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào các yếu tố như: “Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm”; “mức độ giáo dục, răn đe” của việc áp dụng hình thức, mức phạt…; việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả phải “đáp ứng yêu cầu khôi phục lại trật tự quản lý hành chính nhà nước do vi phạm hành chính gây ra”. Do vậy, tác giả đề nghị trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ quy định hình thức, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp đối với các hành vi vi phạm nêu trên nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.
2. Một số quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau
2.1. Về việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng
Điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 44 của Luật công chứng”.
Khoản 2 Điều 44 của Luật công chứng quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Mặc dù Điều 44 của Luật công chứng nêu rõ những trường hợp được thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trên thực tế, quy định này vẫn còn vướng mắc do chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào được coi là “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” nên đã tạo “kẽ hở” để một số công chứng viên lợi dụng, thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở trái quy định pháp luật, dẫn đến việc “công chứng dạo”, làm méo mó hình ảnh của công chứng viên như phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua. Do quy định pháp luật chưa chặt chẽ, cụ thể nên thậm chí, hiện nay, rất phổ biến tình trạng công chứng viên thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng đối với tất cả những trường hợp khách hàng có nhu cầu, ví dụ như: Trường hợp người yêu cầu công chứng mặc dù có đầy đủ điều kiện đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng giao kết hợp đồng, giao dịch nhưng vẫn yêu cầu công chứng viên thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (vì họ cho rằng, họ là khách hàng, họ có khả năng, điều kiện kinh tế và có nhu cầu thuê “dịch vụ về nhà công chứng” thì có quyền thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng về việc này, đó là nhu cầu hết sức chính đáng nếu coi công chứng là một loại hình dịch vụ); trường hợp giao kết hợp đồng thế chấp tại các tổ chức tín dụng (các tổ chức hành nghề công chứng ký kết hợp đồng dịch vụ với tổ chức tín dụng và bố trí công chứng viên thường xuyên túc trực tại trụ sở của tổ chức tín dụng để thực hiện việc công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố…); trường hợp các bên trong hợp đồng, giao dịch muốn công chứng tại trụ sở của tổ chức tín dụng để thuận tiện cho việc ký kết, giao, nhận tiền… Đối với những trường hợp này, trên thực tế rất khó xác định lý do chính đáng nên người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thể tiến hành xử phạt. Do vậy, tác giả đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) theo hướng quy định cụ thể những trường hợp nào được coi là “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” để tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền xử phạt khi áp dụng pháp luật.
2.2. Về việc miễn nhiệm đối với công chứng viên thực hiện hành vi “kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác”
Điểm g khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi “đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác”; điểm h khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi “tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý…”. Trên thực tế thường xảy ra trường hợp công chứng viên đang hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng nhưng vẫn tham gia quản lý, điều hành một doanh nghiệp khác ngoài tổ chức hành nghề công chứng. Khi xử lý đối với hành vi này đã có những quan điểm trái chiều: (i) Có quan điểm cho rằng, phải xử phạt về hành vi “kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác” và tiến hành việc miễn nhiệm đối với công chứng viên sau khi xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật công chứng[4]; (ii) Quan điểm khác cho rằng, phải xử phạt về hành vi “tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng…” (chỉ xử phạt, không tiến hành việc miễn nhiệm đối với công chứng viên sau khi xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c khoản 2 Điều 15 Luật công chứng).
Do vậy, để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tác giả cho rằng, cần bỏ hành vi “tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý” tại điểm h khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP), vì thực chất, đây cũng là hành vi “kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác” hoặc chỉnh sửa điểm g khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) theo hướng loại trừ hành vi vi phạm “tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý” tại điểm h khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). Theo đó, điểm g khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) có thể được chỉnh sửa như sau:
“h) Đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác, trừ hành vi tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý quy định tại điểm h khoản 2 Điều này”.
2.3. Việc xác định hành vi vi phạm của công chứng viên trong trường hợp văn bản công chứng thiếu chữ ký của các bên liên quan
Điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định hành vi “công chứng hợp đồng, giao dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch; công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người dịch vào từng trang của bản dịch”. Quy định này chưa thực sự rõ ràng nên thường dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế:
Cách hiểu và áp dụng thứ nhất, hợp đồng, giao dịch phải thiếu cả chữ ký của công chứng viên và chữ ký (dấu điểm chỉ) của người yêu cầu công chứng vào từng trang hợp đồng, giao dịch; bản dịch phải thiếu cả chữ ký của công chứng viên và chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người dịch vào từng trang của bản dịch thì mới bị coi là vi phạm.
Cách hiểu và áp dụng thứ hai, hợp đồng, giao dịch chỉ cần thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc chữ ký (dấu điểm chỉ) của người yêu cầu công chứng vào từng trang hợp đồng, giao dịch; bản dịch chỉ cần thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người dịch vào từng trang của bản dịch thì đã bị coi là vi phạm.
Tác giả tán thành với cách hiểu và áp dụng thứ hai, chỉ cần một trong hai lỗi (hoặc thiếu chữ ký của công chứng viên, hoặc thiếu chữ ký (dấu điểm chỉ) của người yêu cầu công chứng vào từng trang hợp đồng, giao dịch; hoặc thiếu chữ ký của công chứng viên, hoặc thiếu chữ ký (dấu điểm chỉ) của người dịch vào từng trang của bản dịch) là có thể xử phạt, không nhất thiết phải “chờ đợi” công chứng viên thực hiện đủ 02 lỗi nêu trên. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) như sau:
“b) Công chứng hợp đồng, giao dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch; công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người dịch vào từng trang của bản dịch”.
3. Một số hành vi diễn ra phổ biến trong thực tế nhưng chưa được quy định là hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý
Theo quy định tại Điều 4 Luật XLVPHC thì “căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính”.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP thì một trong những căn cứ để quy định hành vi vi phạm hành chính là phải “có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Điều này có nghĩa là, các quy định về hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng đều phải xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật liên quan đến trật tự quản lý hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Hay nói một cách khác, trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật liên quan đến trật tự quản lý hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động công chứng (văn bản quy phạm pháp luật về nội dung), Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng phải cụ thể hóa thành hành vi vi phạm hành chính và các chế tài xử phạt (hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả) đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng theo quy định tại Điều 4 Luật XLVPHC.
Tuy nhiên, qua thực tiễn và rà soát nội dung Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) thấy rằng, nhiều hành vi vi phạm diễn ra phổ biến nhưng chưa được quy định là hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý, có thể dẫn ra một số hành vi sau đây:
3.1. Hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch khi không có người làm chứng trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có người làm chứng
Tại khoản 2 Điều 47 Luật công chứng quy định: “ Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng”. Tuy nhiên, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa quy định xử phạt đối với hành vi này nên trên thực tế khi thanh tra, kiểm tra, phát hiện có sai phạm thì không có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, tác giả cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung hành vi này vào Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP để có căn cứ xử phạt, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.
3.2. Hành vi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà có nội dung cho phép người thừa kế được chuyển nhượng di sản thừa kế
Khoản 1 Điều 57 Luật công chứng quy định:
“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác”.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, nội dung cơ bản, chủ yếu, không thể thiếu trong mọi văn bản thỏa thuận phân chia di sản đó là, nội dung liên quan đến xác định phần di sản của từng người thừa kế. Trong một số trường hợp, văn bản thỏa thuận phân chia di sản có thể chứa đựng cả nội dung liên quan đến chuyển dịch quyền sở hữu đối với phần di sản mà người thừa kế được hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, đồng thời với việc xác định phần di sản của từng người thừa kế, khoản 1 Điều 57 Luật công chứng chỉ cho phép người được hưởng thừa kế được thực một giao dịch duy nhất liên quan đến chuyển dịch quyền sở hữu đối với phần di sản mà họ được hưởng: Giao dịch tặng cho di sản thừa kế. Việc tặng cho di sản thừa kế này cũng chỉ được giới hạn trong phạm vi các đồng thừa kế. Điều này có nghĩa là, tại thời điểm thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người hưởng di sản thừa kế chỉ được tặng cho phần di sản thừa kế mà mình được hưởng (không được thực hiện các giao dịch khác như: Mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp…) và đối tượng nhận tặng cho chỉ giới hạn trong phạm vi những người thừa kế còn lại (không được tặng cho người không phải là người đồng thừa kế).
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp công chứng viên công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nhưng trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có cả nội dung liên quan đến việc người thừa kế di sản chuyển nhượng phần di sản được hưởng cho người khác. Một ví dụ như sau: Một gia đình có 03 người con, được hưởng di sản thừa kế từ bố, mẹ là một mảnh đất có diện tích 600m2. Một trong số 03 người con có mong muốn bán phần đất (200m2) mà mình được chia thừa kế sau khi thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Nếu theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 57 Luật công chứng[5] thì công chứng viên công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản giữa 03 người được hưởng di sản, trong đó xác định rõ diện tích đất của mỗi người được hưởng. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận phân chia si sản thừa kế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất cho mỗi người được hưởng di sản. Chỉ sau khi được “đứng tên” trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người được hưởng di sản thừa kế lúc này mới được thực hiện quyền chuyển nhượng phần đất được thừa kế đó cho người khác.
Tuy nhiên, để nhanh chóng thực hiện việc chuyển nhượng đối với phần đất được chia thừa kế, trong thực tế, đối với trường hợp này, công chứng viên lách luật, tự “cắt bớt thủ tục”, “làm tắt”, đưa luôn nội dung chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất thẳng cho người có nhu cầu nhận chuyển nhượng. Hành vi này của công chứng viên là không phù hợp với quy định của Luật công chứng nhưng hiện nay chưa được Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định là hành vi vi phạm, chưa có chế tài xử lý. Do vậy, theo tác giả, cần nghiên cứu, bổ sung hành vi “công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà có nội dung cho phép người thừa kế được thực hiện các giao dịch khác liên quan đến việc định đoạt đối với di sản thừa kế, ngoài giao dịch tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác” vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP.
3.3. Hành vi trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới
Khoản 9 Điều 9 Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một trong những công việc công chứng viên không được làm đó là: “Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới”.
Từ khi Nhà nước có chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, cùng với sự ra đời của hàng loạt Văn phòng công chứng trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn thì sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ để lôi kéo khách hàng (người yêu cầu công chứng). Có thể kể đến một số hành vi mang tính cạnh tranh không lành mạnh như: Trích lại phần trăm (%) tiền phí, thù lao công chứng, chi phí khác thu được cho các tổ chức tín dụng, nhân viên của tổ chức tín dụng trực tiếp đưa khách hàng đến ký kết hợp đồng, giao dịch (thế chấp, cầm cố…) tại tổ chức hành nghề công chứng; trích lại phần trăm (%) tiền phí, thù lao công chứng, chi phí khác thu được cho những người môi giới (ví dụ: môi giới bất động sản) khi những người này đưa khách hàng đến ký kết hợp đồng, giao dịch (mua bán, chuyển nhượng bất động sản…) tại tổ chức hành nghề công chứng... Mức phần trăm (%) trích lại khoảng từ 10 - 30% tiền phí, thù lao công chứng, chi phí khác tùy theo thỏa thuận giữa công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng với tổ chức tín dụng, nhân viên tổ chức tín dụng hoặc người môi giới. Chính vì số tiền phần trăm (%) này mà các tổ chức tín dụng thường ép khách hàng là người vay vốn phải lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng đã “liên danh, liên kết” với tổ chức tín dụng mà không được lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng nào khác. Sai phạm nêu trên diễn ra chủ yếu ở các Văn phòng công chứng và công chứng viên của các Văn phòng công chứng này. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng[6].
Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa quy định hành vi này là hành vi vi phạm hành chính nên mặc dù phát hiện trên thực tế cũng không có cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt. Do đó, theo tác giả cần nghiên cứu, bổ sung vào Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP hành vi của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng: “Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới để ép buộc người yêu cầu công chứng phải ký kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng của mình”.
3.4. Hành vi chứng thực bản sao nhưng không kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì “Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính” và quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 23/2015/NĐ thì người thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính có trách nhiệm phải “kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao”. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) không có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của công chứng viên chứng thực bản sao từ bản chính nhưng không thực hiện việc kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung hành vi này trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP.
3.5. Hành vi vi phạm của Hội công chứng viên
Triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (theo Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 02/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam), đến nay, trên cả nước đã có khoảng hơn 40 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập, đi vào hoạt động[7]. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm của Hội công chứng viên các địa phương chưa được thực hiện, vì Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) chưa có quy định về hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức này, mặc dù theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng, các Hội công chứng viên phải thực hiện một số nhiệm vụ, trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Hiện nay, Điều 15a Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) về hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mới chỉ quy định hành vi vi phạm hành chính của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Do vậy, để bảo đảm mọi hành vi vi phạm hành chính phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, tác giả kiến nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội công chứng viên các địa phương trên cơ sở quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức này đã được quy định tại Điều 26 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP như đã nêu trên.
Lời kết
Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về công chứng (trong đó có pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng) và tổ chức thực hiện pháp luật về công chứng (trong đó có xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng) là những nội dung hoạt động quan trọng của quản lý nhà nước về công chứng. Có thể nói, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố nêu trên. Việc nghiên cứu, chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị phục vụ cho xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập về mặt thể chế cũng như tổ chức thực hiện pháp luật về công chứng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khẳng định hơn nữa vai trò của thiết chế công chứng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự - kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Nguyễn Hoàng Việt
TÀI LIỆU THAM KHẢO