Một số ý kiến về đề xuất xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

 

Theo Từ điển tiếng Việt, hòa giải là “hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa[1].
Từ định nghĩa này có thể thấy hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội với03 đặc trưng sau: (1) hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp; (ii) chủ thể trung tâm của hòa giải là bên trung gian giúp cho các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp. Bên trung gian này có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp, không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không có quyền đưa ra phán quyết; (iii) chủ thể của quan hệ hoà giải phải là các bên tranh chấp.
Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì hòa giải có ý nghĩa lớn, nó làm cho những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn, xích mích được giập tắt họăc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được một sự xung đột được giải quyết bằng bạo lực hoặc chiến tranh. Giúp các bên hiểu biết lẫn nhau, giữ gìn cục diện ổn định… Chính vì vai trò to lớn này nên trong quy định pháp luật, các nước (trong đó có Việt Nam - tg) thường đặt ra vấn đề hòa giải trong giải quyết các tranh chấp và thực tế đã chứng minh rằng hòa giải ngày càng trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa thiết thực, quan trọng của công tác hòa giải trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội, tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp khác như hoà giải, trọng tài, nhằm góp phần xử lý đúng và nhanh chóng những mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân và giảm nhẹ công việc cho toà án và cơ quan nhà nước khác”;Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đề ra định hướng: “hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hòa giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế...”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhiệm vụ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Năm 2012, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì cũng còn có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, một trong các giải pháp, nhiệm vụ được Quốc hội ghi nhận và yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt là : “Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”.
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về việc cần hoàn thiện pháp luật về hòa giải nói chung và hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính, đồng thời cụ thể hóa nội dung nêu trên trong Nghị quyết số của 37/2012/QH13 Quốc hội, trên cơ sở kết quả thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng, thực tiễn công tác giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng có xu hướng tăng mạnh[2], số lượng các vụ án mà Tòa án phải thụ lý giải quyết tăng hơn nhiều so với các năm trước với tính chất vụ việc ngày càng phức tạp..., ngày 06/9/2018 Tòa án nhân dân tối cao đã có Tờ trình số 1038-TTr/BCSĐ trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân. Tờ trình đã xác định các mục tiêu cơ bản của việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cần đạt được là:

  1. Đổi mới mô hình tổ chức hòa giải, đối thoại nhằm rút ngắn thời gian, tăng tỷ lệ hòa giải, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án;
  2. Khắc phục một số hạn chế khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng, khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại; giải quyết nhanh chóng, triệt để hiệu quả các tranh chấp, giảm số lượng các vụ án phải giải quyết bằng hình thức mở phiên tòa xét xử; tạo thuận lợi cho việc thi hành kết quả hòa giải thành; đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về hòa giải gắn với Tòa án được triển khai thành công tại nhiều quốc gia có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới; góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tòa án, góp phần nâng cao uy tín của Tòa án;
  3. Thu hút sự tham gia của các cá nhân như thẩm phán, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án… đã về hưu, người có uy tín, chuyên gia theo lĩnh vực có tranh chấp tham gia hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
  4. Góp phần giảm tải công việc cho tòa án và các cơ quan tư pháp khác, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực, giải quyết hiệu quả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng;
  5. Bổ sung một phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bên cạnh các phương thức hiện có;…[3]
Trên cơ sở xác định các mục tiêu nêu trên, một trong 04 sản phẩm của Đề án mà Tờ trình số 1038-TTr/BCSĐnêu ra là Hồ sơ dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn nhất trí với việc coi đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là nội dung trọng tâm trong 14 giải pháp mà Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, dự thảo Hồ sơ dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tôi thấy cần cân nhắc, nghiên cứu thật kỹ sự cần thiết xây dựng Luật bởi các lý do sau:
- Thứ nhất, về cơ chế giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột thông qua hòa giải ở Việt Nam đã có: Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại, hòa giải về đất đai theo Luật đất đai năm 2013, hòa giải về lao động đã có pháp luật lao động quy định (Điều 201 Bộ luật lao động).... Bên cạnh đó, ngay trong pháp luật tố tụng dân sự mà cụ thể là Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã quy định rất cụ thể về quy trình, trình tự thực hiện hòa giải trong tố tụng tại tòa án. Theo Tờ trình số 1038/TTr-BCSĐ, Tòa án nhân dân tối cao đã có đánh giá về công tác hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án thực hiện như sau: tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ án dân sự của các Tòa án cũng đã tăng dần, trung bình hằng năm đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết, và với tỷ lệ này thì vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của việc giải quyết tình trạng quá tải các vụ việc dân sự tại tại Tòa án. Tỷ lệ đối thoại thành và đình chỉ vụ án chỉ đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết[4].
Và ngay trong cả dự thảo Đề áncũng chỉ nêu lên số liệu thống kê các vụ việc hòa giải, đối thoại thành không có phân tích kỹ về thực trạng công tác hòa giải trong tố tụng , chỉ ra nguyên nhân, giải pháp để tăng cường công tác này trong thời gian tới như thế nào. Trong khi đó, đây là cơ chế đã được quy định rất cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đặc biệt là tại Chương XIII từ Điều 205 đến Điều 213 và do Tòa án thực hiện. Thay vào đó, nội dung chủ yếu của dự thảo Đề án cũng như Dự thảo Luật lại chỉ tập trung vào việc xây dựng một mô hình hòa giải ngoài tố tụng và về cơ bản thì mô hình này tương đồng với các mô hình hòa giải ngoài tố tụng hiện đang có ở Việt Nam. Ví dụ, về nguồn lực, hòa giải viên, đối thoại viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, trung thực, khách quan; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có kinh nghiệm và khả năng hòa giải, đối thoại; Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại. Những người dưới đây nếu có đủ tiêu chuẩn nêu trên thì có thể được bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên: a) Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên và những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; b) Cán bộ trung cấp, cao cấp nghỉ hưu; c) Chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác; d) Những người có uy tín cao trong xã hội.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải viên là là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Để tạo chuyển biến căn bản về chất trong việc xây dựng đội ngũ hòa giải viên có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tổ chức và thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; trong Công văn hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở năm 2016, trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng rà soát, vận động, thuyết phục đội ngũ luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang sinh sống tại địa bàn tham gia làm hòa giải viên. Hay kết quả hòa giải thành của cả hai loại hình này chỉ có giá trị pháp lý khi được Tòa án công nhận.
- Thứ hai, trong Tờ trình số 1038/TTr-BCSĐ có nêu lên một nhận định rằng, việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính bằng phương thức hòa giải, đối thoại vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt chưa có sự kết hợp, gắn kết giữa Tòa án và các nguồn lực hòa giải ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải, đối thoại dẫn đến việc không phát huy hết ưu thế, hiệu quả của cả phương thức hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải ngoài tòa án  do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải theo quy định. Mặc dù nhận định được nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu của việc thực hiện các cơ chế hòa giải này chưa cao nhưng trên thực tế triển khai quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (về nội dung công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án) thì tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở mà chưa có hướng dẫn, chỉ đạo nào khác của cơ quan có thẩm quyền.
Hơn nữa, việc số lượng trường hợp đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 rất ít xuất phát chủ yếu từ lý do là kết quả hòa giải, đối thoại là ý chí, là nguyện vọng, là sự tự định đoạt của các bên nên các họ thường chủ động, tự nguyện thi hành sự (theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, từ năm 2014 đến hết năm 2017 có 472.197 vụ việc hòa giải thành và được các bên tự nguyện thực hiện.Nếu thực tiễn trong quá trình thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Tòa án phát hiện có những tồn tại, hạn chế thì cần có những đề xuất, kiến nghị, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang quản lý hoạt đọng hòa giải ngoài Tòa án đó để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động hòa giải, đối thoại, qua đó góp phần giảm tải các vụ việc khiếu kiện ra Tòa án, cũng như tăng tỷ lệ hòa giải thành được Tòa án công nhận.
- Thứ ba, về kết quả các vụ việc hòa giải, đối thoại thành thí điểm tại thành phố Hải Phòng trong Tờ trình số 1038/TTr-BCSĐ cho thấy, tỷ lệ vụ việc hòa giải về hôn nhân và gia đình chiến gần 89%[5] và bản thân các vụ việc này nếu thực hiện theo quy trình tố tụng bình thường được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự thì trong quá trình giải quyết, Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải, thống nhất về tài sản chung vợ chồng và việc nuôi con. Do đó, số liệu này không phản ánh được đầy đủ tính ưu việt của loại hình hòa giải, đối thoại mới này. Đó là chưa tính đến vấn đề về bảo đảm tính khách quan của Tòa án khi Tòa án vừa thực hiện chức năng xét xử vừa chỉ đạo, tổ chức thực hiện hòa giải gắn với tòa án; vấn đề đảm bảo thực hiện nguyên tắc về quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nguyên tắc đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sựđược quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Thứ tư, theo quy định của Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015  thì  tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật được đánh giá gồm:
“1. Tác động về kinh tế được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với một hoặc một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cơ cấu phát triển kinh tế của quốc gia hoặc địa phương, chi tiêu công, đầu tư công và các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế;
2. Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội;
3. Tác động về giới của chính sách (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới;
4. Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách;
5. Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đối với tổ chức bộ máy nhà nước, khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế.”
Các tác động này của chính sách được đánh giá theo phương pháp định lượng, phương pháp định tính. Trong trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì trong báo cáo tác động của chính sách phải nêu rõ lý do.
Tuy nhiên, theo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tác động về mặt kinh tế, xã hội khi đề xuất thành lập Trung tâm hòa giải chưa được đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Bởi, theo dự thảo thì “Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án là đơn vị trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân nơi Trung tâm đặt trụ sở…”; “Có thể sử dụng được cán bộ thuộc số lượng biên chế hiện tại của Tòa án để kiêm nhiệm làm Giám đốc, Phó Giám đốc”. Như vậy, với chính sách này, không chỉ có bộ máy nhà nước,  ngân sách nhà nước cho việc vận hành Trung tâm này phát sinh, mà còn phát sinh thêm cả chức năng, nhiệm vụ quản lý của đội ngũ lãnh đạo Tòa án các cấp. Đó là chưa tính đến ngân sách nhà nước khi thực hiện chính sách 2 về hòa giải viên: “Hòa giải viên, đối thoại viên được trả thù lao theo số lượng vụ việc được phân công hòa giải, đối thoại và phần thanh toán thêm khi hòa giải thành, được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước”.
- Thứ năm, dự thảo Luật đề xuất thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng chỉ quy định chung “là tổ chức được thành lập, đặt tại Tòa án để tổ chức, điều phối hoạt động hòa giải, đối thoại và hỗ trợ Hòa giải viên, Đối thoại viên trong quá trình hòa giải, đối thoại theo quy định...” và “chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát trực tiếp của Tòa án nơi đặt Trung tâm... hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” mà chưa làm rõ được địa vị pháp lý của Trung tâm này là “tổ chức hành chính” hay “đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự” hay “đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự”...Nếu theo quy định trong dự thảo khi giải thích từ ngữ “Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có thể thấy toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cho Trung tâm hoạt động do ngân sách Nhà nước bảo đảm (như phòng ốc, bàn ghế, sách vở tài liệu, máy tính, điều hòa,...). Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định “Thù lao của Hòa giải viên, Đối thoại viên được chi trả từ ngân sách nhà nước.” và “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.”. Như vậy, có thể việc thành lập Trung tâm này chỉ bảo đảm về mặt hình thức thể hiện được nguyên tắc về cải cách hành chính như không tăng bộ máy, tổ chức của Tòa án nhân dân, không tăng biên chế Tòa án nhưng thực tế chi phí bảo đảm cho hoạt động này không khác gì với việc bảo đảm cho hoạt động đơn vị hành chính nhà nước khác; và ngân sách nhà nước sẽ phát sinh một khoản chi không nhỏ để bảo đảm cho hoạt động này.
- Bên cạnh đó, nếu Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ban hành thì cùng để thực hiện cơ chế hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án có các mô hình hòa giải như đã nêu ở trên sẽ dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như phân tán nguồn lực đầu tư từ nhà nước.
Từ những lý do trên, theo quan điểm cá nhân, thay vì đề xuất thành lập thêm bộ phận hòa giải bên cạnh Tòa án trong bối cảnh Nhà nước đang thực hiện tinh gọn, giảm bộ máy biên chế nhà nước như hiện nay, ngành Tòa án nên tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, hòa giải tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định cho, đồng thời có sự phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao bảo đảm nâng cao vụ việc hòa giải thành ngoài tòa án được công nhận. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại ngoài tòa án, tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội cho công tác này, theo quan điểm cá nhân, nên nghiên cứu, xây dựng một Luật hòa giải, đối thoại áp dụng chung thống nhất trong hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội./.
ThS. CVC. Nguyễn Thị Giang
 
 
 
[1] Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1995.
[2] Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao năm 2017, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý  395.317 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại và lao động, 8.209 vụ hành chính, 8.594 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mới cùng với 9.473 vụ còn lại của năm 2016 chuyển sang.
[3] Xem thêm Tờ trình số 1038-TTr/BCSĐ
[4] Số liệu tính từ ngày 01/10/2017 đến 31/3/2018
[5]Theo Báo cáo số 20/BC-TANDTC ngày 23/5/2018 sơ kết triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng, sau 02 tháng thí điểm đi vào hoạt động, trong số 600 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 538 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng và nuôi con, 38 vụ tranh chấp dân sự, 16 vụ án kinh doanh, thương mại, 04 vụ tranh chấp lao đôingj và đối thoại 05 vụ hành chính.