Một số quy định SD phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, do Trung ương quản lý

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BGTVT quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý.

Thông tư này quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý và áp dụng đối với người đi bộ; người điều khiển: phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự; các đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng phải trả tiền dịch vụ và người thanh toán giá dịch vụ sử dụng phà
Đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà bao gồm: người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự.
Người thanh toán giá dịch vụ sử dụng phà bao gồm: người đi bộ; người điều khiển: phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự.
Đối tượng miễn giá dịch vụ sử dụng phà
Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;
Xe cứu hỏa;
Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;
Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;
Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;
Xe, đoàn xe đưa tang;
Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;
Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh;
Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp). Khi sử dụng dịch vụ phà trong trường hợp này phải xuất trình giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) cần thiết như: Thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh/bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh; Giấy khai sinh đối với trẻ em.
Vé thu tiền dịch Vụ sử dụng phà
Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý hóa đơn bán hàng.
Vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà tại các bến phà bao gồm 02 loại: Vé lượt, vé tháng.
Vé lượt: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà một lần cho một đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà.Vé tháng: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà nhiều lần trong vòng 30 ngày, kể từ ngày bán ghi cụ thể trên vé đến ngày kết thúc thời hạn được ghi cụ thể trên vé. Vé tháng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có quy định mức thu vé tháng tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với đối tượng là người đi bộ, thì trên vé phải ghi rõ họ, tên và số chứng minh nhân dân. Đối với đối tượng là phương tiện theo quy định không có biển số kiểm soát, thì trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và họ, tên; số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) của người điều khiển phương tiện. Đối với đối tượng là phương tiện theo quy định phải có biển số kiểm soát, thì trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và biển số kiểm soát của phương tiện.
Vé mua cho đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng bến phà nào chỉ có giá trị sử dụng cho đối tượng đó tại bến phà nơi bán vé.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.