Quy định về trẻ em theo cha mẹ vào trại giam trong dự thảo Luật THAHS (sửa đổi)


          Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi)  đã  được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018). Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung , cónội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là vấn đề trẻ em theo Bố, Mẹ vào trại giam[1].
          Trước hết cần phải thấy rằng, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống không phải là đối tượng thuộc phạm vi  điều chỉnh của Luật THAHS. Tuy nhiên, tại sao trong Luật THAHS lại có quy định về chế độ của đối tượng là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, quy định này có thể là quy định trực tiếp về chế độ cho các cháu hoặc quy định gián tiếp thông qua một số ưu đãi cho Mẹ của các cháu? Việc trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở với Mẹ trong Trại giam là một thực tế đã tồn tại nhiều năm và sẽ tiếp tục còn tồn tại cho đến sau này. Tình hình này xuất phát từ thực tế thi hành các quy định của pháp luật hình sự, cụ thể: Điều 68 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định:  Người đang chấp hành hình phạt tù là  phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.Trong chính sách hình sự và thi hành án hình sự của Nhà nước  cho phép phạm nhân nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để trở về nơi cư trú, sinh con và nuôi con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế có những phạm nhân là nữ phạm một số tội danh có tính chất nguy hiểm cao, phạm tội có tổ chức  hoặc không có nơi cư trú rõ ràng, không còn người thân để có thể giúp đỡ... nên nếu cho tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi dễ dẫn đến việc tái phạm nên pháp luật hình sự dành quyền cho Tòa án “có thể” cho hoặc không cho phạm nhân tạm đình chỉ chấp hành án hình phạt tù.Xuất phát từ quy định trên nên, những trường hợp phạm nhân là nữ mà trong thời gian chấp hành án phạt tù có thai nhưng không được Tòa án cho tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì bắt buộc phải sinh con và nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong thời gian chấp hành án.
1.  Quy định về quyền của trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo Bố, Mẹ vào trại giam
Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS) hiện hành đã quy  định về quyền của trẻ em khi theo mẹ vào trại giam, cụ thể: Điều 45 Luật THAHS năm 2010 quy định: “Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con”; Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng…”; “Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội và Điều 42 quy định: Đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông (m2)”.
Tại Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật THAHS có quy định: “Phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ và được tăng thêm định lượng về thịt, cá từ 20% đến 30% so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều này; được cấp phát các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp 07 mét vải thường để làm tã lót”.
Như vậy, quy định về quyền của trẻ em theo Mẹ vào trại giam được thể hiện thông qua các quy định về chế độ đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, xuyên suốt Luật THAHS  năm 2010 có 02 vấn đề:
Thứ nhất, chỉ có trẻ em theo hoặc ở với Mẹ trong trại giam, chứ không đề cập đến trẻ em theo Bố vào trại giam;
Thứ hai, chỉ có trẻ em dưới 36 tháng tuổi mới được ở hoặc theo Mẹ vào trại giam, còn từ đủ 36 tháng tuổi trở lên, phạm nhân phải gửi con về cho người thân hoặc gia đình chăm sóc. Trường hợp không có người thân thì Trại giam phải phối hợp với Sở Lao động, thương binh& xã hội nơi trại giam đóng để gửi trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước để nuôi dưỡng trong thời gian phạm nhân chấp hành án.
Nhưng tại Điều 11 của Nghị dịnh số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 lại quy định “ Chế độ ăn, mặc và cấp phát nhu yếu phẩm đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam”, như vậy, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật THAHS năm 2010 đã  bổ sung trường hợp “con dưới 36 tháng tuổi ở cùng Chatrong trại giam”.
Căn cứ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc bổ sung chủ thể “Cha” trong Nghị định số 117/2011/NĐ-CP là không đúng và cũng không bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 8 của chính Nghị định số 117/2011/NĐ-CP nói trên.
 Có ý kiến cho rằng, sự bổ sung trên nhằm khắc phục thiếu sót của Luật THAHS năm 2010. Quan điểm này là không đúng, vì có thể dễ dàng nhận thấy, năm 2010 khi thảo luận về dự án Luật THAHS, đã có ý kiến đề cập về vấn đề này. Tuy nhiên sau khi cân nhắc đến các yếu tố và mục đích chính của việc quy định vấn đề này trong Luật THAHS là phải đặt quyền lợi của trẻ em dưới 36 tháng tuổi một cách tốt nhất, Quốc hội đã quyết định chỉ cho phép trẻ dưới 36 tháng tuổi được theo, ở cùng Mẹ trong trại giam mà không áp dụng cho trường hợp là Bố. Bởi vì, trẻ dưới 36 tháng tuổi là trẻ còn đang ở độ tuổi bú mẹ và xét về tâm sinh lýtrẻ dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ là người thích hợp nhất để chăm sóc trẻ, ngoài lý do trẻ từ khi mới sinh đến 18 -24 tháng tuổi là giai đoạn cần bú mẹ và chỉ có Mẹ mới là người có khả năng và điều kiện thích hợp nhất để cho trẻ bú chứ Bố không thể đảm đương khả năng này cả về tâm sinh lý. Ngay cả khi trẻ đã được cai sữa thì việc chăm sóc, nuôi nấng trẻ cho đến khi trẻ được 36 tháng tuổi thì người mẹ cũng rất quan trọng và người bố không thể đảm trách được tốt hơn. Như vậy, xuất phát từ việc có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi của trẻ em dưới 36 tháng tuổi thì Luật THAHS năm 2010 mới quy định giới hạn chỉ cho phép trẻ dưới 36 tháng tuổi theo hoặc ở cùng mẹ (là phạm nhân) trong trại giam mà không áp dụng với phạm nhân là Bố. Và trong chính sách hình sự của chúng ta thì việc người bị kết án hoặc phạm nhân là phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi là căn cứ để được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Như vậy, chỉ trong trường hợp vạn bất đắc dĩ mới buộc phạm nhân là nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi chấp hành án phạt tù. Cũng với mục đích đặt quyền lợi của trẻ lên cao nhất, Luật THAHS quy định về quyền của trẻ em thể hiện ở các quy định như trại giam còn phải bố trí nhà trẻ ngoài khu giam giữ và bố trí người trông nom, chăm sóc trẻ; chỗ nằm của  phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được quy định gấp 1,5 lần so với chỗ nằm của phạm nhân thông thường, ngoài ra, để bảo đảm sức khỏe cho trẻ thì phạm nhân nữ mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng có chế độ ăn cao hơn, nhiều dinh dưỡng hơn so với phạm nhân khác.  Bên cạnh đó, Luật THAHS hiện hành đã quy định bắt buộc trẻ từ đủ 36 tháng tuổitrở lên phạm nhân phải gửi về cho gia đình hoặc người thân nuôi dưỡng, trong trường hợp phạm nhân không có người thân thì trại giam phải liên hệ với Sở Lao đông, thương binh và xã hội để gửi trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước để nuôi dưỡng trẻ trong thời gian phạm nhân chấp hành án. Vấn đề là tại sao pháp luật thi hành án hình sự lại quy định trẻ từ đủ 36 tháng tuổi phải gửi về cho gia đình, người thân hoặc chuyển sang cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc mà không được ở cùng với Mẹ trong trại giam? Quy định này cũng xuất phát từ chính việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, bởi lẽ, trẻ từ đủ 36 tháng tuổi đã có sự trưởng thành nhất định về thể chất, tâm lý, không nhất thiết phải có mẹ luôn bên cạnh. Về tâm lý, ở lứa tuổi này trẻ đã bất đầu thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quang và môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Do đó, dù trại giam có bố trí nhà trẻ ngoài khu vực giam giữ nhưng chắc chắn vẫn trong khuôn viên trại giam, người trông trẻ trên thực tế là một số phạm nhân nữ có ý thức cải tạo tốt được cắt cử ra làm nhiệm vụ trông trẻ chứ không có cô giáo chuyên nghiệp, thời gian sau khi trẻ ở nhà trẻ thì buổi tối trẻ vẫn về ở cùng mẹ trong buồng giam cùng với các phạm nhân khác. Như vậy, tất cả những yếu tố này không bảo đảm được cho trẻ hình thành nên nhân cách với định hướng phát triển tốt. Chính vì vậy, Luật THAHS năm 2010 đã quy định trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên bắt buộc phải được gửi về cho người thân, gia đình hoặc chuyển đến cơ sở bảo trợ xã hội.
Dự thảo Luật THAHS (sửa đổi) năm 2018 về cơ bản kế thừa các quy định của Luật THAHS năm 2010 về bảo vệ quyền của trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, dự thảo luật lại pháp điển hóa một quy định của Nghị định số 117/2011/NĐ-CP đó là bổ sung  trường hợp con theo “Bố” (phạm nhân) vào trại giam tại các điều  17, 29, 47, 50 và bổ sung quy định về kinh phí cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở trong trại bị măc các bệnh thông thường là 4kg gạo/tháng (khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật). Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật THAHS (sửa đổi), người viết bài này thấy rằng, việc ban soạn thảo bổ sung quy định trường hợp “con theo Bố” vào trại giam là không thuyết phục, bởi lẽ, báo cáo tổng kết 08 năm thi hành Luật THAHS không đề cập đến vướng mắc của Luật THAHS năm 2010 về trường hợp này, thực tiễn cũng chỉ xảy ra 01 trường hợp qua 08 năm, người phải chấp hành án phạt tù là nam giới khi đi chấp hành án phạt tù phải mang theo con dưới 36 tháng tuổi vì không còn người thân chăm sóc. Tuy nhiên, trường hợp này ngay khi vào trại giam đã được trại giam giải quyết, cháu bé dưới 36 tháng tuổi đã được người nhận nuôi, bảo đảm các điều kiện chăm sóc vật chất cũng như tinh thần. Như vậy, sau 08 năm chỉ xảy ra 01 trường hợp, có cần thiết phải có quy phạm pháp luật về thi hành án hình sự để điều chỉnh? Ngoài ra, với trường hợp con theo Mẹ vào trại giam hoặc do Mẹ sinh ra trong thời gian chấp hành án phạt tù, với lứa tuổi dưới 36 tháng thì dù cháu bé là trai hay gái cũng đều có những thuận lợi và quy định chỗ nằm cho người mẹ có con nhỏ ở cùng là 03 m2 sẽ giúp cho người mẹ thuận lợi hơn trong việc chăm sóc con sau những ngày lao động khi cháu bé từ nhà trẻ về. Nhưng với trường hợp cháu bé theo Bố vào trại là cháu gái thì dù quy định chỗ nằm của Bố là 3 m2 nhưng trong 01 buồng giam chung có quy mô từ 30 – 50 phạm nhân thậm chí hơn 50 phạm nhân nam thì liệu có bảo đảm cho cháu bé dù dưới 36 tháng tuổi có những thuận lợi, an toàn trong phát triển tâm, sinh lý? mỗi khi ở với Bố trong buồng giam cả đêm?
Quy định “con theo Bố’ vào trại giam bên cạnh những bất lợi về tâm, sinh lý  và về khả năng chăm sóc con ở lứa tuổi dưới 36 tháng tuổi như đã phân tích ở trên thì các quy định ưu đãi về về chế độ ăn, nghỉ mà dự thảo luật  quy định cho người mẹ nhưPhạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh(Điều 50) sẽ giúp cho đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh hơn nhưng với trường hợp Bố thì không có quy định này vì nếu có quy định cũng không có tác dụng giúp đứa trẻ được tốt hơn vì với đặc điểm tâm, sinh lý của người Bố cũng không thể giúp Bố chuyển hóa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi được tốt hơn.
Ngoài ra, nếu tiếp tục xảy ra trường hợp người phải chấp hành án phạt tù là người bố có con dưới 36 tháng tuổi nhưng không có người thân để có thể gửi con để chăm sóc thì Bộ luật hình sự vẫn có quy định cho phép người chấp hành án phạt tù được hoãn thi hành án, cụ thể  điểm c khoản 1 Điều 67 BLHS quy định:Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng Như vậy, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng quy định này để cho người phải chấp hành án phạt tù là người bố có con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành án để họ có thời gian chăm sóc và tìm người người giúp đỡ việc chăm sóc trẻ chứ không nên để trẻ dưới 36 tháng tuổi vào trại giam theo Bố. Nếu trường hợp người chấp hành án phạt tù không thõa mãn điều kiện trên để được hoãn thi hành án (vì họ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng)thì hiện nay mỗi tỉnh đều có trung tâm bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho người chấp hành án gửi con dưới 36 tháng tuổi vào các cơ sở này để trẻ em có thể phát triển tốt hơn về tâm sinh lý so với môi trường trong trại giam, đấy mới là vì quyền lợi của trẻ em và phù hợp với Luật Trẻ em đã được ban hành.
Ngoài nội dung trên, một nội dung dự thảo Luật THAHS (sửa đổi) bổ sung quy định: “Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em trên 36 tháng tuổi trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội đang ở cùng bố, mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được hưởng chế độ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Đối với trẻ em bị mắc bệnh thông thường có thể khám và điều trị tại bệnh xá của trại giam, tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trẻ em được cấp tương đương 4kg gạo/người/tháng” (khoản 2 Điều 54 dự thảo Luật). Không biết Ban soạn thảo đề ra quy định trên dựa trên cơ sở thực tiễn và lý luận như thế nào? Tại sao lại là 04kg gạo/tháng và cơ sở nào để xác định là bệnh thông thường? vì hiện nay trong hệ thống pháp luật mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định về các loại bệnh truyền nhiễm, mức độ nguy hiểm của các loại bệnh này; quy định của Bộ Y tế về các loại bệnh cần điều trị dài ngày hoặc danh mục các loại bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế,... chưa có quy định nào xác định “bệnh thông thường”... Nếu theo quy định trên thì bệnh xá trại giam hoàn toàn có quyền xác định bệnh nào là bệnh thông thường đối với trẻ em ở với Cha, mẹ trong trại, điều này là không hợp lý và dễ dẫn đến sự tùy tiện. Việc định lượng kinh phí 04 kg gạo/ tháng cũng không rõ là dựa trên tổng kết thực tiễn nào? Trong khi đó Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ chi phí bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn do Ngân sách Nhà nước chi trả. Như vậy, thay vì quy định mức 04 kg gạo/ tháng, dự thảo luật cần quy định nghĩa vụ của trại giam khi có trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam thì Trại giam phải liên hệ với Chính quyền địa phương nơi trại giam đóng, để làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu, việc khám chữa bệnh cho các cháu sẽ thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Đây mới là quy định mang tính nhân văn và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, dù các cháu đang ở trong hoàn cảnh nào nhưng các cháu không phải là người phải chịu trách nhiệm do lỗi của Bố hoặc Mẹ các cháu ./.

 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Giang,
Chuyên viên chính Vụ phổ biến & giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

[1]Người viết bài này xin lưu ý nội dung bài viết chỉ đề cập đến trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo Bố Mẹ vào trại giam hoặc trẻ em được mẹ sinh ra trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam