Quản lý, sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa và phí cấp mã số mã vạch

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 248/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa và Thông tư số 232/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch.

Thông tư số 248/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa
Phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa bao gồm: Phí trọng tải; lệ phí ra, vào cảng, bến; phí trình báo đường thủy nội địa; phí bảo đảm hàng hải thu đối với tàu biển. Phí, lệ phí thu đối với phương tiện thủy, thủy phi cơ, tàu biển thuộc đối tượng chịu phí quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Trường hợp Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa khác với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Đối tượng chịu phí, lệ phí là các phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển (sau đây gọi là phương tiện) ra, vào hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan nhà nước công bố cấp phép hoạt động, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
Tổ chức thu phí, lệ phí là các cảng vụ đường thủy nội địa, các cảng vụ hàng hải, bao gồm cả trường hợp cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý cảng, bến thủy nội địa (bao gồm cả cảng, bến thủy do tổ chức, cá nhân đầu tư) theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp miễn phí, lệ phí
Miễn phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa đối với các trường hợp sau:
Phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế); phương tiện của cơ quan hải quan đang làm nhiệm vụ; phương tiện của cơ quan thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy nội địa.
Phương tiện tránh bão, cấp cứu.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa có trọng tải toàn phần dưới 10 tấn hoặc chở khách dưới 13 ghế.
Phương tiện vận chuyển phòng chống lụt bão.
Quản lý và sử dụng phí
Tổ chức thu phí là các cảng vụ đường thủy nội địa được để lại 90% tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều này và nộp ngân sách nhà nước 10% tiền phí thu được.
Trường hợp cảng vụ đường thủy được ủy quyền có số thu phí thu được cao hơn dự toán chi được phê duyệt thì số chênh lệch giữa số thu và dự toán chi được phê duyệt phải nộp ngân sách nhà nước.
Tổ chức thu phí là các cảng vụ hàng hải được để lại 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều này và nộp ngân sách nhà nước 50% tiền phí thu được. Trường hợp có số thu phí cao hơn dự toán chi được phê duyệt thì số chênh lệch giữa số thu và dự toán chi được phê duyệt phải nộp ngân sách nhà nước.
Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thu phí, lệ phí gồm cả: Chi ăn giữa ca theo quy định của pháp luật; chi thuê trụ sở đại diện cảng vụ đường thủy nội địa, tổ cảng vụ đường thủy nội địa (nếu có); chi cho công tác tìm kiếm cứu nạn người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị tai nạn; chi xử lý công việc có liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; chi bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 59/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa.
Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Thông tư số 232/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, duy trì sử dụng mã số mã vạch hoặc nộp hồ sơ đề nghị xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài phải nộp phí cấp mã số mã vạch theo quy định tại Thông tư này.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao nhiệm vụ liên quan đến cấp mã số mã vạch và thu phí là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này.
Kê khai, nộp phí
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Quản Lý và sử dụng phí
1. Tổ chức thu phí được để lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước; trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Tiền phí được để lại để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả: chi nộp hội phí cho Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1) theo quy định; chi cho việc triển khai áp dụng những quy định của GS1; chi hoạt động nghiên cứu phát triển, triển khai công nghệ, giải pháp mã số mã vạch; chi xây dựng và duy trì hệ thống dữ liệu mã số mã vạch; chi cho hoạt động quản lý, giám sát sử dụng mã số mã vạch; chi hội thảo, tập huấn, đào tạo nghiệp vụ trong nước và quốc tế, tổ chức các sự kiện liên quan do GS1 quốc tế chỉ định; chi tuyên truyền quảng cáo phục vụ cho công việc dịch vụ, thu phí, triển khai hoạt động quản lý mã số mã vạch.
2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 88/2002/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí cấp mã số mã vạch và Thông tư số 36/2007/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 88/2002/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2002.