Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 (sau đây gọi là Luật năm 2015). Với tính chất là một “Luật về làm luật”, Luật năm 2015 là một đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, qua đó nâng cao vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy, việc triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã gặp một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
- Về lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách
Luật năm 2015 bổ sung quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng, đánh giá tác động, thẩm định, thông qua chính sách) trước khi soạn thảo đối với một số loại văn bản. Trong quá trình thực hiện quy định này, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại văn bản quy phạm pháp luật cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng. Theo quy định của Luật năm 2015, cơ quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với 6 loại văn bản sau: (1) luật; (2) nghị quyết của Quốc hội; (3) pháp lệnh; (4) nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (5) nghị định của Chính phủ; (6) nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ quy định cụ thể về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội. Do đó, cần phải xác định lại cho hợp lý hơn các văn bản phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách.
Ví dụ như: Theo khoản 2 Điều 19 của Luật năm 2015 thì Chính phủ ban hành nghị định để quy định: Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, có thể thấy những Nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật chủ yếu quy định các biện pháp để thực hiện các chính sách đã có trong luật, pháp lệnh. Do vậy, cần không yêu cầu lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với loại nghị định này hoặc chỉ quy định phải lập đề nghị đối với loại Nghị định quy định những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên.
- Về quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật thì kể từ ngày 01/7/2016, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật địa phương không được quy định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được giao trong Luật. Theo quy định này thì các văn bản nêu trên chỉ được quy định thủ tục hành chính khi được giao trong Luật, không phải được giao trong các văn bản dưới luật.
Thực tế hiện nay một số luật được ban hành trước ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ… quy định chi tiết thi hành một hoặc một số nội dung cụ thể, mà không trực tiếp giao quy định thủ tục hành chính. Trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, bộ, ngành, địa phương cần phải quy định thủ tục hành chính hoặc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính đã được ban hành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không được ban hành thủ tục hành chính. Điều này có nghĩa các thủ tục hành chính phải được ban hành bằng hình thức Nghị định sẽ dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thủ tục hành chính không kịp thời. Do đó, để bảo đảm tính linh hoạt, nhất là khi xây dựng luật nhiều quy định về thủ tục hành chính có thể chưa xác định được. Nếu như hiện nay chỉ được quy định thủ tục hành chính khi được giao trong luật thì trong một số trường hợp sẽ khó khăn cho việc áp dụng, người dân sẽ không biết phải thực hiện theo quy trình, hồ sơ nào.
- Về văn bản quy định chi tiết:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Khoản 1 Điều 11 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết. Tuy nhiên, các quy định trên chỉ thuận lợi khi áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật xây dựng sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực. Trên thực tế việc ban hành các văn bản sửa đổi văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành rất khó bảo đảm tiến độ về thời gian, đặc biệt là trong trường hợp xây dựng văn bản thay thế hoặc sửa đổi nhiều nội dung so với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực. Do đó, cần có quy định hướng dẫn việc xác định thế nào là văn bản quy định chi tiết đối với các văn bản trước thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực, để việc rà soát, xác định hiệu lực của các văn bản này tránh khỏi lúng túng như thời gian qua.