Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong pháp luật dân sự


1. Đặt vấn đề
Hiện nay, trong thời đại công nghệ số hoá phát triển mạnh mẽ như vũ báo (gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), việc chúng ta đưa các thông tin của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau như facebook, zalo…đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Việc làm này nhằm giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, tuy nhiên mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác lợi dụng, đánh cắp thông tin để sử dụng vào các hành vi vi phạm pháp luật như hack facebook, giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với cách mạng công nghệ số hoá như hiện nay, không có gì khó để có thể tìm kiếm trên các trang mạng xã hội về thông tin cá nhân, bí mật riêng tư, bí mật gia đình của những người nổi tiếng, những doanh nhân, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, văn hoá nghệ thuật như các ca sĩ nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người mẫu, nhạc sĩ…chỉ cần gõ tìm kiếm trong trang cá nhân, hoặc trên các trang mạng phổ biến ta có thể biết được giờ này, ngày này, họ đi đâu, làm gì, có chương trình biểu diễn nghệ thuật ở đâu….Ở đây, chúng ta chưa nói tới các thông tin này khi đăng tải có được sự đồng ý của người trong cuộc hay không; tuy nhiên có thể thấy rằng, những thông tin khi đưa lên các trang mạng xã hội với nội dung tốt thì không sao, nhưng nếu đó là những nội dung lệch lạc thì vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của chính cá nhân đó. Chính vì thế, việc biết được các thông tin cá nhân của mình có được pháp luật bảo vệ hay không? Phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ như thế nào? Mức độ bảo vệ ra sao? Là vấn đề hết sức lưu ý và quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Đây là những quy định của “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được quy định trong các Bộ luật Dân sự (BLDS) của nước ta, trong đó cụ thể nhất, rõ ràng nhất là BLDS năm 2015.
Điều 12, Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Đây là tiền đề, là nền tảng cơ bản để các quốc gia cố gắng đạt đến chuẩn mực chung này. Ở nước ta, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946 Điều 11 quy định “ Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”, tuy nhiên quyền nhân thân này cũng chưa thật rõ ràng. Đến Hiến pháp năm 2013 thì quyền nhân thân này đã được quy định khá cụ thể, Điều 21 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015, Điều 38, khoản 1 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…”. Theo quy định tại Điều 38 BLDS năm 2015, ta có thể hiểu khái quát về bí mật đời tư như sau: Bí mật đời tư của một cá nhân là các thông tin, tài liệu nói về những điều thầm kín riêng tư của cá nhân mà người đó không muốn tiết lộ cho người khác biết”. Có thể dựa vào các tiêu chí sau đây để làm căn cứ xác định một thông tin, tài liệu có phải là bí mật đời tư hay không:
Thứ nhất, thông tin, tài liệu đó phải nói về thuần túy cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân. Đây là yếu tố thể hiện rõ nhất tính “đời tư” của cá nhân. Mỗi người đều có một cuộc sống về cả thể chất lẫn tinh thần riêng, không hề có ai giống ai, ai cũng có đời sống riêng, bí mật riêng, đời tư riêng, gia đình riêng. Bất cứ ai cũng không thể xâm phạm cũng như tác động thay đổi đời sống cá nhân của những người khác. Tuy nhiên, việc biết và lan truyền những thông tin về cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân của người khác lại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những người đó. Nó thể hiện ở việc làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của cá nhân thậm chí dẫn đến thái độ kỳ thị của xã hội đối với cá nhân đó. Điển hình như việc công khai thông tin về việc người khác thuộc giới tính thứ 3 trong hoàn cảnh xã hội còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, thậm chí là kỳ thị sẽ làm cho người bị công khai thông tin có thể bị xa lánh, tách khỏi xã hội, họ mặc cảm với bản thân, từ đó sống cuộc sống cô độc với cộng đồng.
Thứ hai, những thông tin, tài liệu này không bắt buộc phải công khai cho mọi người biết. Khi nói tới cuộc sống riêng tư, thầm kín của cá nhân, ta có thể hiểu rằng đó là những bí mật liên quan đến một cá nhân, một chủ thể mà cá nhân, chủ thể đó không muốn để cho ai biết. Những điều thầm kín, riêng tư này có thể được thể hiện ra thông qua hình thức các thông tin, các tài liệu như nhật ký, những bức thư kể cả đó là email. Những cá nhân này có những biện pháp giữ gìn những thông tin, tài liệu đó không để những người khác biết được. Chủ nhân của những thông tin, tài liệu này không có nghĩa vụ phải công khai bất cứ thứ gì liên quan cũng như chính những thông tin, tài liệu này. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính bí mật cũng như tính “đời tư” của cá nhân. Cá nhân hoàn toàn có quyền quyết định tới việc có công khai hay không đời sống riêng tư của mình.
Thứ ba, việc giấu kín những thông tin, tài liệu này không làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, của xã hội và của cá nhân khác. Lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội là lợi ích của chung, được đảm bảo hơn quyền lợi của cá nhân. Việc cá nhân giấu kín những thông tin, tài liệu liên quan đến đời sống cá nhân của chính họ mà ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội, lợi ích của nhà nước thì sẽ không được bảo vệ. Việc xem xét yếu tố này là hoàn toàn phù hợp, pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân, những tài liệu và thông tin bí mật của cá nhân chỉ khi những thông tin, tài liệu đó là hợp pháp, mà tính hợp pháp được xem xét đầu tiên dựa trên việc không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bất kỳ chủ thể nào khác đặc biệt là nhà nước và xã hội.
2. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Hiến pháp Việt Nam
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền nhân thân bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân, không ai được xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý và cho phép. Như vậy, có thể thấy rằng “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân,bí mật gia đình” được xây dựng trên cơ sở của khái niệm “quyền về bí mật đời tư”.
Ngược trở lại với tiến trình lịch sử, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bí mật gia đình đã được đề cập ngay tại những Điều đầu tiên của Hiến pháp năm 1946 “Tư pháp chưa quy định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Điều đó khẳng định rằng, ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân.
Đến Hiến pháp năm 1959, quyền về bí mật đời tư, bí mật cá nhân tiếp tục được ghi nhận. Điều 28 Hiến pháp quy định “Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật”.
Trải qua quá trình phát triển, các bản Hiến pháp của nước ta vẫn giữ quy định về việc bảo đảm quyền về bí mật riêng tư, bí mật cá nhân của cá nhân với phạm vi bảo vệ ngày càng rộng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên ta cũng thấy rằng, các bản Hiến pháp trên cũng chỉ quy định việc bảo vệ quyền bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân đối với thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin khác trong phạm vi hẹp. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định khác chặt chẽ, cụ thể “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm, an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Như vậy, có thể thấy rằng, Hiến pháp – văn bản pháp lý có giá trị cao nhất đã ghi nhận và bảo vệ cho quyền nhân thân cơ bản của cá nhân trong đó có quyền vê đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân. Tuy nhiên, với tính chất là một văn bản nguồn, là cơ sở, nền tảng để xây dựng các đạo luật chuyên ngành, Hiến pháp cũng chưa đề cập rõ khái niệm “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là gì” mà ở đây chỉ mang tính chất liệt kê rằng cá nhân có những quyền cơ bản đó.
3. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam
Như tác giả đã phân tích ở trên, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã quy định khá chặt chẽ trong các văn bản pháp lý quốc tế như: Điều 12 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc năm 1948 quy định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy. Quyền con người được bảo đảm thực hiện đối với mọi cá nhân cư trú trong phạm vi lãnh thổ đất nước mình, mà còn được bảo vệ trong trường hợp lưu trú tại một quốc gia khác”.
Điều 14 Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc quy định: “Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác”. Điều 44 Công ước này cũng quy định: “Thừa nhận gia đình là một tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ”.
Từ các văn kiện pháp lý quốc tế trên, hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam cũng đã quy định cụ thể: Điều 25 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 quy định về trách nhiệm của thầy thuốc: “Phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh”; Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”; Theo quy định tại Điều 31 BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 thì: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Mặc dù Luật không quy định rõ đây có thuộc quyền bí mật đời tư hay không, nhưng chúng ta thấy rằng hình ảnh của cá nhân thuộc quyền ở hữu của cá nhân đó và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, do vậy thì đây cũng chính là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của con người.
Điều 34 BLDS năm 1995 chỉ quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khá ngắn gọn, nhưng nội hàm trong đó đã thể hiện khá cơ bản về quyền này, đó là: “Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; Việc thu thập, công bố thông tin tài liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tài liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; Không ai được tự tiện bóc, mở, thu giữ tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác. Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân”.
Điều 38 BLDS năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng có công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác; Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được hiện trong trường hợp luật quy định; Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
BLDS năm 2015 đã quy định khá hoàn chỉnh, cụ thể, rõ ràng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, đây là quyền nhân thân của cá nhân bất khả xâm phạm. Cá nhân là một chủ thể độc lập trong quan hệ xã hội nói chung, quan hệ dưới góc độ dân sự nói riêng. Do vậy, mỗi cá nhân có đời sống riêng tư, nội hàm của đời sống riêng tư có bí mật cá nhân. Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tự quyết đối với đời sống của mình mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quan khác. Với quyền này, cá nhân được sống như mong muốn của mình mà không chịu ảnh hưởng, tác động bất kỳ của chủ thể nào khác; còn bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin, tư liệu mà cá nhân không muốn công khai, bộc bạch, được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kỹ thuật khác nhau.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý. Quy định này hoàn toàn phù hợp với mọi cá nhân trong đời sống, xã hội, thể hiện được sự tôn trọng  của pháp luật đối với đời sống riêng tư, bí mật đời tư của cá nhân.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý. Quy định này hướng tới việc tôn trọng đời sống riêng của mỗi cá nhân trong xã hội, trước thực tế hiện nay, rất nhiều chủ thể, đặc biệt là những người nổi tiếng thường bị xâm phạm nghiêm trọng về đời sống riêng tư của mình bởi sự quan tâm, hiếu kỳ thái quá của người hâm mộ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây là một quy định mới trong BLDS. Bởi vì có những thông tin không phải là bí mật riêng tư hoặc thuộc đời sống riêng tư hoặc thuộc đời sống riêng tư không chỉ của riêng một cá nhân mà là của chung các thành viên trong cùng gia đình. Do đó nếu chỉ bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân thì sẽ dẫn đến quyền riêng tư của gia đình bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là quy định này còn khá chung chung, chưa xác định rõ phạm vi và nhận diện những thông tin như thế nào thuộc về phạm vi “bất khả xâm phạm”, nhất là đối với những cá nhân, gia đình thường xuyên xuất hiện trước công chúng và được nhiều người biết đến.
Quyền riêng tư của cá nhân còn được thể hiện thông qua việc thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Bất kể chủ thể nào xâm phạm các thông tin này đều được xác định là vi phạm pháp luật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân chỉ được thực hiện khi có quy định của pháp luật và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Thứ nhất, có hành vi trái pháp luật
Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là các quyền dân sự. Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, do các quyền nhân thân này được pháp luật bảo vệ theo cơ chế pháp luật. Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân là bất khả xâm phạm. Hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân này là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân của cá nhân trái pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại và căn cứ vào hành vi gây thiệt hại và nếu động cơ của chủ thể gây thiệt hại, mức độ thiệt hại là nghiêm trọng thì người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, có thiệt hại về lợi ích tinh thần
Những thiệt hại về quyền nhân thân do hành vi trái pháp luật gây ra được xác định là hành vi làm tổn thất về tinh thần cho cá nhân, gia đình công dân xác định được, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại. Những khoản bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân bị xâm phạm là bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần theo quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015.
 Bồi thường thiệt hại về tài sản: Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật định.
Bồi thường tổn thất về tinh thần: Người có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quyền nhân thân về danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ngoài khoản bồi thường thiệt hại về tài sản xác định được, còn có trách nhiệm bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người có quyền nhân thân bị xâm phạm gánh chịu. Mức bồi thường do tổn thất về tinh thần có thể do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì người bị tổn thất về tinh thần do các quyền nhân thân bị xâm phạm được bồi thường mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường (khoản 2 Điều 592 BLDS năm 2015).
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Thứ tư, người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là người có lỗi
Lỗi có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Cho dù người xâm phạm đến các quyền nhân thân này có lỗi do vô ý hoặc cố ý đều có trách nhiệm bồi thường. Người xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có lỗi cố ý và có tính hệ thống thường xuyên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xác định hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thỏa mãn 04 điều kiện trên thì người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho người bị thiệt hại, tính chất của trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
5. Trách nhiệm hình sự khi xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích công dân trong đó có quyền được bảo vệ về đời tư, tuỳ vào mức độ hành vi vi phạm đều bị pháp luật xử lý (về hành chính hoặc về hình sự). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hai tội danh liên quan đến đến nhóm quyền này, đó là: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158) và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159).
Một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động Tố tụng hình sự là phải bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của công dân. Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân. Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này”.
Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân; 2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Khoản 1 Điều 195, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản”.
Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền nhân thân cơ bản của mỗi cá nhân cụ thể, quyền này đã được quy định trong các văn bản pháp lý quốc tế cũng như trong nước nhằm bảo vệ tuyệt đối quyền các quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải
Tài liệu tham khảo
1. Tuyên bố quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948.
2. Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 của Đại Hội đồng Liên Hợp
3. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013.
4. Bộ Luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015.
5. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
6. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
7. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
8. PGS.TS. Phùng Trung Tập “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” - Tạp chí Kiểm sát, ngày 23/5/2018.