Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự trên cơ sở Hiến định

Ghi nhận và bảo đảm quyền con ngư­ời trên thực tế là biểu hiện của một Nhà n­ước tiến bộ, dân chủ, văn minh. Trong TTHS quyền con người dễ bị xâm phạm nhất và hậu quả của sự xâm phạm đó thường là rất nghiêm trọng cả về vật chất, thể chất và tinh thần. Bảo đảm quyền con người được thực hiện trong pháp luật TTHS bằng các quy định đúng đắn, hợp lý, khả thi và đảm bảo thực hiện các quy định đó trên thực tế là quan trọng nhất. Có thể nói trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) liên quan đến bảo đảm quyền con người, đánh giá việc thực hiện các quy định đó trên thực tế để từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng là một trong những nội dung quan trọng của việc nghiên cứu bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự hiện nay.
1. Quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người
Có thể nói rằng ghi nhận rõ ràng, cụ thể quyền con người và có những biện pháp bảo đảm quyền con người là một trong những thành tựu quan trọng của hoạt động lập hiến ở nước ta. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đưa lên Chương 2 của Hiến pháp sau Chương về hệ thống chính trị. Ngoài các quy định về quyền con người, Hiến pháp cũng có những quy định để bảo đảm thực hiện quyền con người. Có thể khái quát nội dung Hiến pháp về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong các điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Hiến pháp ghi nhận các quyền con người đồng thời quy định các bảo đảm cũng như trách nhiệm của Nhà nước để các quyền đó được thực hiện. Đó là quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Thứ hai, Hiến pháp quy định rõ ràng, đầy đủ quyền của người bị buộc tội. Với nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị truy tố có quyền được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai; không bị kết án hai lần vì một tội phạm; người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa;… Nguyên tắc suy đoán vô tội là sự thể hiện rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong tố tụng hình sự, đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để cụ thể hóa trong pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn tố tụng.
2. Cơ chế Hiến định bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
Cùng với việc quy định quyền con người, Hiến pháp cũng quy định những bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Hiến pháp quy định về trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người; Điều 3 đã khẳng định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đi cùng với các quy định về quyền con người, bao giờ cũng có quy định về trách nhiệm của Nhà nước hoặc bảo hộ của pháp luật nhằm thực hiện các quyền đó trên thực tế.
Hiến pháp quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Việc Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân được tổ chức theo cấp xét xử, không quy định Tòa án đặc biệt; quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội; quy định nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân như xét xử công khai, độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử, hai cấp xét xử, tranh tụng trong xét xử… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng.
Đồng thời, Hiến pháp quy định chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ sở Hiến định quan trọng cho việc cụ thể hóa trong luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm để Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 về quyền con người đã có bước phát triển vượt bậc trong tư duy cũng như thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
3. Những bảo đảm về quyền con người trong tố tụng hình sự.
Các quy định về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong hiến pháp là cơ sở Hiến định quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta. Từ góc độ luật tố tụng hình sự, các quy định của Hiến pháp lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, hoạt động tố tụng hình sự là hoạt động phán quyết về hành vi tội phạm của người bị buộc tội và áp dụng trách nhiệm hình sự - biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất đối với người đó; kèm theo đó là hoạt động có thể tác động rất lớn đến quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng. Từ việc nghiên cứu các quy định của BLTTHS 2015, ta thấy Bộ luật đã cơ bản thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 trong bảo đảm quyền con người. Đó là:
Thứ nhất, Bộ luật đã quy định các nguyên tắc cơ bản liên quan đến bảo vệ quyền con người. Trong đó có các nguyên tắc quan trọng như nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10); Nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11); Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân (Điều 12); Nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13); Nguyên tắc không bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 16); các nguyên tắc xét xử của Tòa án nhân dân, trong đó có các nguyên tắc như độc lập xét xử, đảm bảo hai cấp xét xử (Điều 12-27) …
Thứ hai, BLTTHS năm 2015 đã hoàn thiện các quy định về các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, nhất là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ và thời hạn áp dụng theo nguyên lý bảo đảm cho hoạt động tố tụng hiệu quả với việc hạn chế quyền con người khi thật cần thiết và ở mức tối thiểu nhất.
Thứ ba, Quy định tương đối rõ ràng địa vị tố tụng của các chủ thể tố tụng hình sự; đặc biệt là địa vị tố tụng của người tham gia tố tụng nói chung, của người bị buộc tội nói riêng. BLTTHS năm 2015 quy định khá cụ thể các quyền tố tụng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhất là quyền bào chữa; quyền tranh tụng (chứng minh, thẩm vấn chéo); quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng… Các thủ tục tố tụng đảm bảo cho hoạt động tố tụng khách quan, dân chủ, bảo đảm tăng cường yếu tố tranh tụng trong mô hình tố tụng xét hỏi; bảo đảm để các chủ thể tố tụng có thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình…
Xem xét từ góc độ bảo vệ quyền con người, pháp luật TTHS hiện hành đã phần nào đáp ứng được các đảm đảm về bảo vệ quyền con người cụ thể:
Một là, đã xác định bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là một trong những nhiệm vụ của BLTTHS. Bởi vì, toàn bộ các quy định của BLTTHS đều phục vụ cho hoạt động quan trọng nhất là thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội hay không và các biện pháp trách nhiệm áp dụng đối với người có tội.
Hai là, đã từng bước hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tố tụng hình sự, trong đó có các nguyên tắc liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền con người (nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử...) đảm bảo cho các chủ thể tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng được quy định.
Ba là, hoàn thiện địa vị tố tụng của các chủ thể tố tụng hình sự theo hướng tăng cường các quyền tố tụng của người tham gia tố tụng, nhất là bên bào chữa; tăng trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền tố tụng của mình.
Bốn là, hoàn thiện các quy định về các thời hạn tố tụng để bảo đảm quyền của người bị buộc tội được Tòa án xét xử nhanh chóng, kịp thời; rút ngắn thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn… không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án;
Năm là, hoàn thiện các quy định về biện pháp ngăn chặn, nhất là các biện pháp hạn chế quyền tự do của con người. Quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, trong đó việc tạm giữ, tạm giam chỉ có thể áp dụng đối với người có căn cứ rõ ràng cho rằng có thể tiếp tục phạm tội, trốn tránh hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử.
4. Một vài kiến nghị hoàn thiện.
Hiến pháp năm 2013 ra đời cùng với việc ban hành BLTTHS 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quyền con người là thành tựu rất quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp của nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Để hoàn thiện hơn nữa các bảo đảm về quyền con người trong tố tụng hình sự cần xem xét:
Thứ nhất, Dưới góc độ pháp luật tố tụng hình sự:
Một là, Không nên phân chia các chủ thể tố tụng thành cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; mà nên phân chia theo chức năng tố tụng là chủ thể buộc tội, chủ thể gỡ tội, Tòa án và xác định địa vị tố tụng của các chủ thể tương ứng với chức năng đó;
Hai là, Quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, trong đó việc tạm giữ, tạm giam chỉ có thể áp dụng đối với người có căn cứ rõ ràng cho rằng có thể tiếp tục phạm tội, trốn tránh hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử; không lấy tính chất nghiêm trọng của tội phạm được khởi tố làm căn cứ duy nhất để tạm giữ, tạm giam; thu hẹp thẩm quyền bắt, tạm giữ, tạm giam;
Ba là, Nghiên cứu hủy bỏ các thẩm quyền tố tụng không phù hợp với chức năng tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng như bỏ thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án; bỏ quyền điều tra của Tòa án trong giải quyết vụ án hình sự;
Thứ hai, Dưới góc độ bảo đảm tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng:
Một là, Hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt (Chương XVIBLTTHS) để bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân;
Hai là, Hướng dẫn trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình trong các hoạt động tố tụng và bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình đó;
Ba là, Hướng dẫn thực hiện Điều 298 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử khi Tòa án xét xử về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố…
Thứ ba, Dưới góc độ tổ chức và con người:
Một là, Hoàn thiện tổ chức cơ quan tư pháp và các cơ quan khác thực hiện các hoạt động tư pháp theo hướng tăng cường công tác cán bộ, cơ chế, chính sách; bảo đảm độc lập của hoạt động tư pháp nói chung, đặc biệt là độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.
Hai là, Nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp của các chủ thể tố tụng, nhất là các chủ thể tiến hành buộc tội, kết án người bị buộc tội./.

Th.s Nguyễn Văn Điền, Viện KSND thị xã Sơn Tây
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp 2013, NXB Chính trị quốc gia 2014.
2. Bộ luật tố tụng hình sự 2015, NXB lao động 2017.
3. PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị quốc gia, năm 2016.
4. TS. Lê Hữu Thể, Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện nghiên cứu lập pháp, Hà Nội, 2017.
5. PGS. TS. Trần Văn Độ, Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự - Khái quát các tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, Hội thảo về Quyền con người trong tố tụng hình sự, Khoa Luật Đại học Vinh, năm 2017.