Xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế

Luật Quản lý thuế được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 (Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật Quản lý thuế) . Luật Quản lý thuế năm 2019 đã dành một chương (chương XV) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế và một chương quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (chương XIV), trong đó có cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Bài viết tập trung phân tích những quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 trong mối liên hệ, so sánh với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

1. Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Khi đề cập đến xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, tác giả tập trung phân tích về năm vấn đề trong mối liên hệ, so sánh với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), bao gồm: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
1.1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định bảy nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế[1], bao gồm:
(1) Việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(2) Vi phạm hành chính về sử dụng hoá đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
(3) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.
(4) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế.
(5) Trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 50[2] và Điều 52[3] của Luật Quản lý thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
(6) Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế, nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế điện tử nếu thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử xác định rõ hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế của người nộp thuế thì thông báo này là biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt.
(7) Trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự.
Trong bảy nguyên tắc nêu trên của Luật Quản lý thuế năm 2019, nguyên tắc “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân” là phù hợp, thống nhất với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC. Bên cạnh sự phù hợp, thống nhất nêu trên, trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế có những sự khác biệt, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật XLVPHC, cụ thể:
- Nguyên tắc “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân” sẽ không áp dụng đối với mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.
- Trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế, nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế điện tử nếu thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử xác định rõ hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế của người nộp thuế thì thông báo này là biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt. Đây là trường hợp mà Luật XLVPHCchưa có quy định[4].
1.2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019[5], thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được quy định như sau:
- Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì thời hiệu xử phạt là 02 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
- Đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt là 05 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính của Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng phù hợp, thống nhất với quy định của Luật XLVPHC. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Luật XLVPHC, vi phạm hành chính về thủ tục thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019[6], quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trong khi đó, theo quy định của Luật XLVPHC[7], khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC[8].
1.3. Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định hình thức xử phạt cảnh cáo và hình thức xử phạt tiền là hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế[9]. Quy định này cũng phù hợp, thống nhất với quy định của Luật XLVPHC. Theo quy định của Luật XLVPHC, hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính[10].
Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định các mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế[11], cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế[12] thực hiện theo quy định của pháp luật về XLVPHC.
- Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142[13] của Luật Quản lý thuế.
- Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều 142[14] Luật Quản lý thuế.
- Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế[15].
Quy định về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong Luật Quản lý thuế năm 2019 phù hợp với quy định của Luật XLVPHC. Điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC năm 2012 quy định, mức phạt tiền tối đa về thủ tục thuế (đối với cá nhân) là 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 24 Luật XLVPHC năm 2012 quy định “Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; …. theo quy định tại các luật tương ứng”.
Cùng với việc quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định hai biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, bao gồm:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, thiếu;
- Buộc nộp đủ số tiền đã miễn, giảm, hoàn, không thu thuế không đúng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên là những biện pháp khắc phục hậu quả nằm ngoài 09 biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật XLVPHC[16]. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019, Quốc hội cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả.
1.4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Điều 139 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính[17].
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu[18]; Hành vi trốn thuế[19]; Xử lý hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế[20]; Xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý thuế[21].
Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, Luật Quản lý thuế năm 2019 vừa quy định thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế) vừa thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế (đối với các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; Hành vi trốn thuế; Xử lý hành vi vi phạm của ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế trong lĩnh vực quản lý thuế; Xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý thuế).
1.5. Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019[22], người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng (Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ)[23] thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.
Người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế năm 2019 bao gồm:
- Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước;
- Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.
Không miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan quan lý thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quốc hội cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Như vậy, theo Luật Quản lý thuế năm 2019, đối tượng được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế gồm cả cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong trường hợp bất khả kháng: Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.
Khác với quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, Luật XLVPHC chỉ quy định việc giảm, miễn tiền phạt đối với cá nhân vi phạm hành chính, không quy định việc giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức. Theo đó, cá nhân thuộc trường hợp bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc[24] mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt[25]. Để được giảm, miễn tiền phạt,[26] cá nhân phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt. Cá nhân được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125[27] của Luật XLVPHC.
2. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
2.1. Trường hợp bị cưỡng chế và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
Việc người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt[28] là một trong những trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế[29]. Theo đó, có bảy biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế[30], bao gồm:
(1) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
(2) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
(3) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
(4) Ngừng sử dụng hóa đơn;
(5) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;
 (6) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
(7) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Trong khi đó, Luật XLVPHC quy định có 04 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[31]:
(1) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.
(2) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
(3) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
(4) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC[32].
Trong số bảy biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nêu trên, có bốn biện pháp cưỡng chế quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019 có sự thống nhất, phù hợp với các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: (i) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập[33]; (ii) Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế[34]; (iii) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên[35]; (iv) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ[36]. Có ba biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019, chưa được quy định trong Luật XLVPHC là các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gồm: (i) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu[37]; (ii) Ngừng sử dụng hóa đơn[38]; (iii) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề[39].
Trong ba biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019 nêu trên, tác giả thấy rằng biện pháp “Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề” hiện đang được quy định khác nhau tại các văn bản pháp luật khác nhau, cụ thể, biện pháp này theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 được coi là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Trong khi đó, “Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương” theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 được quy định là hình thức xử phạt bổ sung[40]. Mặc dù “Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương” được quy định là các hình thức xử lý khác nhau tại các văn bản về quản lý thuế và cạnh tranh (hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp cưỡng chế). Tuy nhiên, để thu hồi loại giấy tờ này, người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý thuế, cạnh tranh đều không trực tiếp thực hiện việc thu hồi mà phải yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định: Trong lĩnh vực Quản lý thuế, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề[41]. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng[42]. Trong lĩnh vực cạnh tranh, đối với các hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có thẩm quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương[43]. Đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thẩm quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương[44].v.v.
Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương không được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật XLVPHC[45]. Khoản 4 Điều 80 Luật XLVPHC quy định “Trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay theo thẩm quyền, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý”. Theo quy định của Luật XLVPHC thì tùy từng trường hợp, thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc về người có thẩm quyền xử phạt hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Luật XLVPHC chưa có quy định cụ thể ai/những người nào là người vừa có thẩm quyền xử phạt vừa có thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Luật XLVPHC cũng không có quy định cụ thể việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả hay biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế[46], cụ thể:
- Đối với các biện pháp cưỡng chế: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp.
- Đối với các biện pháp cưỡng chế: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau.
- Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có kết quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước[47].
2.2. Về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế[48]:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế[49], Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế: (i) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; (ii) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; (iii) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (iv) Ngừng sử dụng hóa đơn; (v) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; (vi) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ[50].
- Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề được thực hiện theo quy định của pháp luật[51].
Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, về cơ bản các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng là những chức danh có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính[52], trừ chức danh Chi cục trưởng chi cục Thuế khu vực là chức danh Luật XLVPHC chưa có quy định.
3. Đề xuất, kiến nghị
Có thể thấy, quy định về xử phạt đối với các vi phạm pháp luật về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 bên cạnh những quy định có sự thống nhất, phù hợp với quy định của Luật XLVPHC, thì cũng có những sự khác biệt so với các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thời gian tới, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về XLVPHC, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện các quy định sau đây:
Thứ nhất, quy định áp dụng thống nhất nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”, không có quy định về những trường hợp ngoại lệ, bảo đảm công bằng trong xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC một số nội dung như: Việc lập biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử. Việc giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hoả hoạn, dịch bệnh…. Các biện pháp cưỡng chế khác (ngoài các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định trong Luật XLVPHC năm 2012)….
Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế (Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020) để quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế; Quy định chi tiết việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (trong đó có trường hợp người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt); Quy định miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật XLVPHC.
                                              Ths. Nguyễn Thị Minh Phương,
                        Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
2. Luật cạnh tranh năm 2018.
3. Luật Quản lý thuế 2019. 4. Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
 
[1][1] Xem Điều 136 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[2] Điều 50 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế
[3] Điều 52 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
[4] Xem Điều 58 Luật XLVPHC năm 2012.
[5] Xem Điều 137 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[6] Xem khoản 3 Điều 137 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[7] Xem Điều 65 Luật XLVPHC năm 2012.
[8] Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 quy định:
“1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình,  phần công  trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật’
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định”.
[9] Xem khoản 1 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[10] Xem khoản 2 Điều 21 Luật XLVPHC.
[11] Xem khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[12] Xem Điều 141 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[13] Điểm a khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hoá đang  làm thủ tục hải quan hoặc sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hoá đã được thông quan”.
[14] - Khoản 1 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“1. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu só tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bao gồm:
a) Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, trên các hoá đơn, chứng từ hợp pháp;
b) Người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định  giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;
c) Sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn để hạch toán giá trị hàng hoá, dich vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng người mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng”.
- Điểm b,c khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“b) Cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan; phát hiện khi thanh tra đối với hàng hoá đã thông quan, kiểm tra sau thông quan và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp.
c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này và cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp”.
[15] Xem Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[16] Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC quy định:
“1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình,  phần công  trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật’
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định”.
[17] Xem các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC năm 2012.
[18] Xem Điều 142 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[19] Xem Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[20] Xem Điều 144 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[21] Xem Điều 145 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[22] Xem Điều 140 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[23] Xem khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[24] Xem khoản 1 Điều 76 Luật XLVPHC năm 2012.
[25] Xem khoản 1 Điều 77 Luật XLVPHC năm 2012.
[26] Xem khoản 2, khoản 3 Điều 77 Luật XLVPHC năm 2012.
[27] Khoản 6 Điều 125 Luật XLVPHC quy định: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
Khoản 10 Điều 125 Luật XLVPHC quy định: Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
[28] Xem khoản 4 Điều 124 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[29] Xem Điều 124 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[30] Xem Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[31] Xem Điều 86 Luật XLVPHC và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
[32] Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC quy định các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
“a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện.
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định”.
[33] Xem Điều 130 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[34] Xem Điều 129 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[35] Xem Điều 133 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[36] Xem Điều 134 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[37] Xem Điều 131 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[38] Xem Điều 132 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[39] Xem Điều 135 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[40] Xem điểm a khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[41] Xem khoản 1 Điều 135 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[42] Xem khoản 2 Điều 135 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[43] Xem điểm d khoản 3 Điều 113 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[44] Xem điểm d khoản 4 Điều 113 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[45] Theo quy định tại Điều 21 Luật XLVPHC, có ba hình thức xử phạt bổ sung: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (ii) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (iii) Trục xuất.
[46] Xem khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[47] Xem khoản 2 Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[48] Xem Điều 126 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[49] Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý thuế năm 2019, Cơ quan quản lý thuế bao gồm:
a) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực.
b) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
[50] Xem khoản 1 Điều 126 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[51] Xem khoản 2 Điều 126 Luật Quản lý thuế năm 2019.
[52] Xem điểm d, e khoản 1 Điều 87 Luật XLVPHC năm 2012.