Trong những năm gần đây việc xâm phạm chỗ ở người khác có xu hướng gia tăng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các quy định của BLHS năm 2015 đã có nhiểu sửa đổi, bổ sung so với BLHS năm 1999 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, tuy nhiên do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
1. Quy định của BLHS năm 2015 về tội Tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Theo quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015 Tội xâm phạm chỗ ở của người khác:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác trong BLHS năm 2015 trong cấu thành cơ bản bao gồm các hành vi sau đây:
Thứ nhất: Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Theo quy định tại Điều 192 BLTTHS năm 2015 Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử
“1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.”.
Hoạt động khám xét nơi ở của người khác chỉ đúng pháp luật khi tuân thủ quy định tại Điều 192 Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử và các quy định tại Điều 193. Thẩm quyền ra lệnh khám xét; Điều 195. Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện của BLTTHS năm 2015 mọi hành vi khám xét không tuân thủ các quy định trên đều là những hành vi khám xét trái phép.
Thứ hai: Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ.
Là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở của họ trái với ý chí của người đó. Ngoại trừ những trường hợp thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi…theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu việc thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi…không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng có thể bị truy cứu TNHS về tội danh này.
Thứ ba: Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
Dùng mọi thủ đoạn để chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ. Có thể kể đến các hành vi như tự ý mang đồ đạc vào chỗ ở của người khác, vứt đồ đạc người khác ra; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở vào chỗ đang ở…
Thứ tư: Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Đây là hành vi tự ý xâm nhập vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý hay cho phép của người đó.
So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác có một số điểm mới sau đây:
+ Về đối tượng của tội phạm: Trong BLHS năm 1999 thì đối tượng của tội phạm “Công dân”, (Công dân là Cá nhân, con người cụ thể có năng lực pháp lý và năng lực hành vi, có các quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật của một quốc gia. Căn cứ pháp lý để xác định công dân của một quốc gia nhất định là quốc tịch của người đó.), như vậy, đối tượng của tội phạm có giới hạn là công dân tức là những người có năng lực pháp lý và năng lực hành vi, tuy nhiên trong BLHS năm 2015 thì đối tượng của tội phạm là “Người khác”, tức là không phân biệt người đó có năng lực pháp lý và năng lực hành vi hay không?như vậy, so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đối tượng của tội phạm được mở rộng hơn.
+ Về tình tiết định tội trong BLHS năm 1999 “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân”, trong BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bao gồm các hành vi sau đây:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
đồng thời mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (BLHS năm 1999 phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm).
+ Tại khoản 2 trong BLHS năm 2015, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong BLHS năm 1999 bổ sung các tình tiết:
“c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”
Mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (BLHS năm 1999 phạt tù từ một năm đến ba năm).
2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện.
2.1 Bất cập.
Mặc dù BLHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi bổ sung so với BLHS năm 1999 tội xâm phạm chỗ ở của người khác, song trong thực tiễn việc xác định thế nào là “Chỗ ở”, thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Trong cấu thành tội phạm không quy định chỗ ở bị xâm phạm hợp pháp hay chỗ ở bất hợp pháp. Theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013:
“1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỗ ở được định nghĩa như sau:
“Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo quy định tại khoản 1 điều 12 Luật cư trú thì "chỗ ở hợp pháp" được khái niệm như sau: "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".
Các quy định nêu trên đều xác định chỗ ở hợp pháp, vậy đối với những chỗ ở bất hợp pháp thì có phải là đối tượng của tội phạm này hay không?
Ví dụ: Ngày 25/3/2019 Bà Nguyễn Thị A và ông Trần Văn B có ký kết hợp đồng mua bán nhà nhưng không qua công chứng, giá trị hợp đồng là 2,5 tỷ đồng, ông B đã đưa cho bà A số tiền là 1 tỷ đồng, sau đó đến ngày 20/4/2019 ông Trần Văn B có dọn một số đồ đạc vào nhà để sống và thuê thợ đến để lắp đặt một số trang bị trong nhà, sau đó, chồng bà Nguyễn Thị A là ông Hồ Quang K đã đến và vứt các đồ đạc trong nhà, xô đẩy ông B và các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà với lý do ông B chưa trả hết số tiền đã ký trong hợp đồng. Sau đó ông Trần Văn B đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Hồ Quang K đã xâm phạm đến chỗ ở của người khác. Vụ án này hiện này tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở đó đã phạm vào tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015, vì ngôi nhà trên ông B và gia đình đã ở và sinh hoạt tại đây, đây được xác định là chỗ ở của ông B.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở không phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015, vì, hợp đồng mua nhà giữa Bà Nguyễn Thị A và ông Trần Văn B, không qua công chứng và ông B chưa trả hết tiền nhà cho bà A nên chỗ ở của ông B là bất hợp pháp, vì vậy, hành vi của ông Hồ Quang K không phạm tội là hoàn toàn phù hợp.
Theo ý kiến của chúng tội, trong BLHS năm 2015 quy định về chỗ ở đây là quy định chung không phân biệt đó là hợp pháp hay là không hợp pháp, việc quy định như vậy sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn cho công dân, còn việc xác định chỗ ở hợp pháp hay không hợp pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Nếu ông Hồ Quang K thấy việc ông Trần Văn B ở như vậy là bất hợp pháp thì phải báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định mà không được tự tiện vứt đồ đạc, cản trở ông B và các thành viên gia đình tại chỗ ở của họ. Như vậy, hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở đó có dấu hiệu của tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015 là hoàn toàn hợp lý.
2.2 Kiến nghị hoàn thiện.
Hiện nay pháp luật hình sự không quy định thế nào là “Chỗ ở” nên trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy kiến nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành quy định thế nào là “Chỗ ở”, theo đó chỉ cần có các hành vi như quy định tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015 là có dấu hiệu cấu thành tội phạm mầ không quy định đó là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp./.