Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghiệp 4.0


Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), rất nhiều những thành tựu khoa học mới đã ra đời trong đó có “tiền điện tử, tiền ảo”. Trên thế giới, có rất nhiều loại tiền mã hóa như Etheraum, Litecoin, Bitcoin, Swisscoin, Zcash…Ở nước ta, việc giao dịch bằng tiền ảo cũng đang diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp. Việc sử dụng giao dịch tiền ảo đã để lại những hậu quả khó lường, đặc biệt là ở thời đại mà cách mạng công nghệ số hóa phát triển mạnh như hiện nay thì việc hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo là điều vô cùng cần thiết.
1. Khái quát chung về tiền ảo
Tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số (gọi chung là tiền ảo), đây là loại tiền không có hình dạng vật lý cụ thể, nó không thể cầm nắm, không có giá trị thực và được tạo ra trong môi trường điện tử. Trên thế giới, khái niệm tiền ảo cũng đã được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu và đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau như:
Năm 2012, Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank – ECB) định nghĩa: “Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không được điều chỉnh bởi ngân hàng Trung ương; được ban hành và kiểm soát bởi nhà phát triển và được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của cộng đồng ảo nhất định”. Hiện tiền ảo có thể được chia làm 2 loại chính bao gồm: Tiền ảo không thể quy đổi và tiền ảo có thể quy đổi. Tiền ảo không thể quy đổi là loại tiền được phát hành và sử dụng trong môi trường thế giới ảo như trong một số games online tuân theo các nguyên tắc sử dụng riêng và không thể quy đổi ra tiền pháp định (như USD, Euro…). Tất cả các loại tiền ảo không thể quy đổi đều là tiền ảo tập trung bởi lẽ chúng đều được tạo ra bởi một bên phát hành duy nhất (nhà phát triển game) cho cả cộng đồng sử dụng. Còn tiền ảo có thể quy đổi là loại tiền ảo có giá trị tương đương với tiền thật và có thể chuyển đổi ra tiền pháp định và ngược lại (như Bitcoin, Altcoins, Litecoin, Perfect Money, Webmoney…), (1);
Năm 2013, Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ (Fin CEN) cho rằng: “Tiền ảo là một kiểu trao đổi hoạt động giống như đồng tiền trong một số môi trường, nhưng không có tất cả thuộc tính của đồng tiền thực. Vì vậy, theo Đạo luật Bảo mật ngân hàng, tiền tệ ảo không đáp ứng các tiêu chí để được coi là tiền tệ. Tuy nhiên, nó hoạt động như một công cụ thay thế cho đồng tiền thật và có thể đổi sang tiền thật. Các đồng tiền ảo được gọi là các khoản tín dụng, có nghĩa là chúng không có giá trị nội tại (chúng không được định giá bởi vàng, bạc, dầu, lúc mì hoặc các mặt hàng khác) và giá trị của chúng được xác định của các tổ chức hoặc giá thị trường” (2);
Năm 2014, một cơ quan khác của Mỹ là Văn phòng trách nhiệm chính phủ Mỹ (United States Gorverment Accountabiliy Office – GAO) trong một nghiên cứu của mình đã đưa ra định nghĩa: “Tiền ảo là một đơn vị trao đổi số hóa, không được bảo đảm bởi một đồng tiền chính thức do Chính phủ phát hành. Tiền ảo có thể được sử dụng rộng rãi trong một nền kinh tế ảo (là nền kinh tế được định nghĩa bao gồm các hoạt động kinh tế giữa các nhóm cộng đồng, tương tác với nhau thông qua các thiết lập ảo) hoặc có thể được sử dụng thay cho đồng tiền chính phủ để mua bán hàng hóa dịch vụ trong một nền kinh tế thực” (3);
Theo bài “Bình luận kinh tế của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển” số thứ 2 năm 2014 thì: “Tiền ảo là một giá trị thanh toán tồn tại dưới dạng hình thức một đơn vị giá trị số. Nó được sử dụng để thanh toán trong một cộng đồng mạng cụ thể, chẳng hạn như một trang web cụ thể hoặc mạng người dùng có phần mềm đặcbiệt để quản lý tiền ảo và thanh toán. Loại cộng đồng mạng này có thể được so sánh với một thỏa thuận đơn giản để sử dụng làm phương tiện thanh toán (4);
Nhật Bản cũng là quốc gia tiên phong trong việc ban hành văn bản pháp luật riêng điều chỉnh về tiền ảo cũng đưa ra khái niệm về tiền ảo làm cơ sở cho việc áp dụng và điều chỉnh. Điều 5 Luật Tiền ảo Nhật Bản năm 2017 thì tiền ảo được hiểu dưới hai góc độ: “(i) Giá trị giống như tài sản, được ghi lại bởi các cách thức điện tử trong các phương tiện điện tử, không bao gồm bất kỳ loại tiền tệ nào được cho phép của Nhật Bản hoặc các quốc gia khác, và các tài sản được xác định là các đơn vị tiền tệ đó, được sử dụng để thanh toán giá trị hàng hóa khi mua bán, thuê hoặc các dịch vụ khác cho một hoặc nhiều đối tượng không cụ thể (gọi là Tiền ảo loại I); (ii) Giá trị giống như tài sản được dùng để trao đổi đối với một hoặc nhiều chủ thể không xác định với các giá trị tài sản đưa ra ở đoạn (i) nêu ở trên và có thể được chuyển giao thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử (gọi là tiền ảo loại II), (5);
Đến năm 2015, ECB đã có sự điều chỉnh đáng kể định nghĩa về tiền ảo. Theo đó, tiền ảo là sự hiển thị số của giá trị, không được phát hành bởi tổ chức tài chính hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử, trong vài trường hợp tiền ảo có thể được sử dụng thay thế cho tiền. Sự thay đổi so với định nghĩa ban đầu về tiền ảo gồm: (i) Bỏ thuật ngữ “không được quản lý giám sát” vì thực tế tại một số quốc gia các quy định pháp lý đã bắt kịp đổi mới công nghệ và giải quyết một vài khía cạnh của nó; (ii) Bỏ cụm từ “được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nào đó” để tránh hiểu nhầm (6);
Trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (bao gồm cả Bộ Luật Dân sự năm 2015) chưa có quy định cụ thể về tài sản ảo (bao gồm cả tiền ảo với tư cách là một loại hình tài sản ảo). Tuy nhiên, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì các loại tiền ảo (ví dụ như Bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử (7);
Theo quan điểm của Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin), “Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ. Do đó, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông cáo báo chí, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp khác tại Việt Nam (8);
Từ các định nghĩa trên, ta có thể hiểu một cách chung nhất về tiền ảo như sau: Tiền ảo là một sản phẩm có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuận số được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do Chính phủ của một quốc gia nào đó phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác” (9).
2. Quy định của pháp luật về tiền ảo
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì tiền ảo không phải là một loại tài sản.
+ Điều 105 BLDS năm 2015 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”, từ căn cứ trên thì tiền ảo không phải là tiền Việt Nam vì nó không thỏa mãn các dấu hiệu để được xác định là tiền và không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, bên cạnh đó, tiền ảo cũng không thuộc một trong các loại giấy tờ có giá được quy định trong Nghị định số 112/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.
+ Đối với các giao dịch pháp lý liên quan đến tiền ảo, theo quy định tain Điều 117 BLDS năm 2015 thì giao dịch dân sự nói chung được xác lập phải thỏa mãn 03 điều kiện bắt buộc tại khoản 1 đó là “(i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (ii) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (iii) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội”; Bên cạnh đó, đối với một số giao dịch dân sự còn phải thỏa mãn về hình thức xác lập giao dịch được quy định tại khoản 2.
Căn cứ theo quy định tại          Điều 117 BLDS năm 2015 thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch về tiền ảo được xác định: (i) Điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực về hành vi của chủ thể tham gia giao dịch; (ii) Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch liên quan đến tiền ảo; (iii) Điều kiện về sự tự nguyện của các chủ thể xác lập giao dịch liên quan đến tiền ảo; (iv) Điều kiện về hình thức của giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Thứ hai, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì giao dịch liên quan đến tiền ảo cũng là một trong các giao dịch được xác lập và thực hiện thông qua phương thức điện tử, cụ thể là thông qua môi trường kỹ thuật số, nên giao dịch điện tử liên quan đến tiền ảo cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử. Theo Điều 9, khi liệt kê các hành vi bị cấm thì không có khoản nào cấm xác lập giao dịch liên quan đến tiền ảo thông qua phương tiện kỹ thuật số mà về cơ bản, giao dịch liên quan đến tiền ảo là giao dịch được thực hiện thông qua các thông điệp điện tử.
Thứ ba, theo quy định của pháp luật tín dụng – ngân hàng thì tiền ảo không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung bở Nghị định số 80/2016/NĐ – CP về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, thì phương tiện thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 4 Nghị định cũng quy định:Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này. Theo quy định trên, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là bất hợp pháp tại Việt Nam, bởi tiền ảo không phải là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng…
Bên cạnh đó, tiền ảo cũng không phải là một trong các loại ngoại hối theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 thì: “Tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối”.
Thứ tư, quy định của pháp luật về Thuế liên quan đến tiền ảo.
+ Quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014 thì: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Theo các văn bản pháp luật trên, tiền ảo không được xác định là hàng hóa, dịch vụ nên thu nhập có được từ việc kinh doanh tiền ảo không thuộc đối tượng chịu thế theo Luật này.
+ Quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi, bổ sung các năm 2013, 2014 và 2016, Điều 2 của Luật thì: Thuế giá trị gia tăng được hiểu là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hành hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng. Do đó, bất cứ hoạt động sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nào mà có phát sinh chênh lệch tăng thêm so với giá ban đầu đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nên, tiền ảo không phải chịu thuế giá trị gia tăng và người kinh doanh tiền ảo cũng không phải nộp thuế giá trị  giá tăng theo quy định của luật trên.
Quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014. Tại Điều 3 quy định: (i) Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; (2) Các thu nhập khác. Căn cứ theo quy định trên, tiền ảo không phải là hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nên thu nhập có được từ kinh doanh tiền ảo không không thuộc thu nhập chịu thuế.
Thứ năm, quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, rửa tiền được hiểu đó là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có bao gồm: (i) Hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự; (ii) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; (iii) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản. Nên, cá nhân, tổ chức nào thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này, kể cả khi Việt Nam chưa công nhận và bảo hộ các loại tiền ảo mà cá nhân, tổ chức lợi dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo để thực hiện mục đích rửa tiền cũng đều chịu trách nhiệm theo quy định của Luật.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Mặt khác, người sử dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội rửa tiền” quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thứ sáu, quy định của pháp luật hành chính về tiền ảo.
Tiền ảo không phải là một phương tiện thanh toán ở nước ta nên các chủ thể sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán sẽ bị coi sử dụng công cụ thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam. Khi chủ thể vi quy định về sử dụng phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Trường hợp chủ thể thực hiện các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định tại các Điều, từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, nên ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư”.
Thứ bảy, quy định của pháp luật hình sự về tiền ảo.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam như sau: (i) Phat hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 1 Điều 206; (ii) Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi được coi là rửa tiền sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che dấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các mục trên tại khoản 1 Điều 324 đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
3. Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo
Thứ nhất, về khuôn khổ pháp lý của tiền ảo thì các luật của nước ta như: Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Giao dịch điện tử…đều không có quy định về tiền ảo nhưng cũng không có quy định cụ thể cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo. Vì vậy, Chính phủ nên nghiên cứu việc quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm  sử dụng giao dịch hàng hóa dưới bất cứ phương thức nào như dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hay dưới dạng là các phương tiện thanh toán thông qua một văn bản pháp luật cụ thể để phù hợp với xu thế chung của toàn thế giới cũng như đặc điểm tình hình của nước ta.
Thứ hai, Bitscoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ và cũng không phải là phương thức thanh toán tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo trên là vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi vậy cũng nên quy định rõ một chế tài cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này.

ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
 
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2015;
2. Xem, Bộ luật Hình sự năm 2015;
3. Xem, Luật Giao dịch điện tử năm 2005;
4. Xem, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;
5. Xem, Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
6. Xem, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012;
7.Xem,https://luatminhkhue.vn/quy-dinh-moi-ve-cam-phat-hanh--cung-ung-va-su-dung-tien-ao--bitcoin.aspx.
8.Xem,http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/mot-so-khuyen-nghi-hoan-thien-khung-phap-ly-quan-ly-cac-loai-tien-ao-tien-dien-tu-139860.html.