Một trong số đó là những chủ trương cho hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Cụ thể, Kết luận coi “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.[1] Trên tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW, trong khuôn khổ của bài viết, tác giả có một số ý kiến đóng góp nhằm góp phần giúp chuyển hóa chủ trương đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trong Kết luận số 80-KL/TW đi vào thực tế.
1. Định hướng xây dựng các tiêu chí đánh giá
Với chủ trương của Đảng trong đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, việc xây dựng các tiêu chí cần được tiếp cận xoay quanh việc định hình và giải thích khái niệm “ý thức chấp hành pháp luật”. Trong Triết học Marx – Lenin, ý thức là một phạm trù được quyết định với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có sự cải biến và sáng tạo. Căn cứ theo định nghĩa này, có thể thấy thông qua các tác động từ thế giới vật chất, ý thức con người cũng có thể thay đổi và chuyển biến. Do đó, ý thức chấp hành pháp luật cũng không nằm ngoài quy luật này và hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có thể là một tác nhân giúp thay đổi ý thức con người. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là việc tác động này nên được thực hiện như thế nào để bảo đảm hiệu quả.
Trong khoa học tâm lý, việc hình thành ý thức cá nhân có thể được hình thành từ 04 con đường các cá nhân tương tác với môi trường xung quanh, bao gồm:
– Ý thức cá nhân được hình thành trong hoạt động và thể hiện trong sản phẩm hoạt động của cá nhân;
– Ý thức của cá nhân được hình thành trong mối quan hệ giao tiếp giữa cá nhân với người khác, với xã hội;
– Ý thức cá nhân được hình thành bằng con đường tiếp thu nền văn hoá xã hội;
– Ý thức cá nhân được hình thành bằng con đường tự nhận thức, tự đánh giá, tự phân tích hành vi của mình.
Đối chiếu với khái niệm “ý thức chấp hành pháp luật”, có thể thấy, việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật qua con đường tự nhận thức, tự đánh giá và tự phân tích hành vi thì thường khó chịu tác động từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong khi đó, đối với việc hình thành ý thức qua hoạt động cá nhân đòi hỏi mỗi chủ thể phải nhận thức được các nhiệm vụ, điều kiện và kết quả của hành động. Hay nói cách khác, để một cá nhân tuân thủ pháp luật thì phải để cho họ thấy hậu quả nghiêm trọng của việc vi phạm pháp luật hoặc không tạo điều kiện, kẽ hở trong pháp luật để họ có cơ hội vi phạm. Theo đó, sự tác động chủ yếu tới từ các cơ quan xây dựng pháp luật, các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử để không tạo kẽ hở trong các quy định pháp luật, đồng thời không bỏ sót vi phạm và bảo đảm mọi vi phạm đều được xử lý với hình phạt thích đáng, đủ sức răn đe. Hoạt động pháp luật, nhìn chung, khó ảnh hưởng tới ý thức mỗi người qua con đường này.
Mặt khác, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật lại chiếm vai trò rất quan trọng trong việc ảnh hướng tới hai con đường còn lại khi giúp hình thành một chuẩn mực, xu hướng xã hội tuân thủ pháp luật; đồng thời xây dựng một nguồn tri thức giúp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục pháp luật cho cá nhân. Do đó, theo quan điểm của tác giả, đây sẽ là những con đường, định hướng tác động chủ yếu để xây dựng các tiêu chí và thực hiện đánh giá hiệu quả PBGDPL trong tương lai.
2. Giải pháp tổ chức
Để việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiên hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật diễn ra một cách thuận lợi, tác giả có một số giải pháp trong hoạt động tổ chức triển khai thực hiện đánh giá, cụ thể:
- Việc đánh giá hiệu quả hoạt động phối hợp PBGDPL cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp lý, các cơ sở đào tạo, và đội ngũ giảng viên, giáo viên.. để xây dựng một hệ tiêu chí giúp bảo đảm hiệu quả hoạt động giáo dục pháp luật, xây dựng một nền văn hóa thượng tôn pháp luật tới người dân.
- Nghiên cứu lồng ghép việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xác định việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn là điều kiện để đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây cũng là một trong yếu tố giúp hình thành môi trường tích cực tác động, hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật.
- Gắn việc triển khai hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục với hoạt động đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi thực hiện thiếu hiệu quả hoạt động PBGDPL.
- Để tạo nguồn lực cho hoạt động đánh giá PBGDPL cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/10/2020 về ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.
- Cần triển khai sơ kết quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ Tư pháp quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để đúc rút những kinh nghiệm thực tế và khó khăn trong triển khai đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.