Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 01-06-2006 và quy định về việc sửa đổi bổ sung 28 điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành gồm các điều: 2, 4, 5, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 27, 30, 31, 33, 37, 41, 43, 45, 58, 63, 68, 69, 70, 71, 72, và điều 73
Được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21-5-1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-1996, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được được sửa đổi, bổ sung một số điều và đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua ngày 25-12-1998. Kể từ đó đến nay, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã tạo điều kiện tốt chơ Toà án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao cho biết: “ Trong thời gian qua đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành có những quy định liên quan đến thủ tục giải quyết các vụ án hành chính như Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Luật đất đai năm 2003; Luật cạnh tranh năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năng 2005... Theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới này thì một số quy đỉnh của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành không còn phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và đang trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Do đó, việc hoàn thiện Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là một trong những công việc có tính cấp bách.”
Ông Đặng Quang Phương nhấn mạnh để bảo đảm tính thống nhất của các quy định của pháp luật, bảo đảm việc giải quyết các vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đã được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị ''về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới' và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị ''về Chiến lược cải cách tư pháp đến năng 2020'', việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là rất cần thiết./
(Theo website Đảng Cộng sản)