Thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp - có cần quy định cụ thể?

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có hơn 80 thủ tục hành chính yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ[1]. Trong số đó, một số lĩnh vực quy định cụ thể về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thông thường là 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày cấp; một số thủ tục chỉ quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp, không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp. Bài viết sau đây cung cấp thông tin cho bạn đọc về vấn đề này và một số kiến nghị, đề xuất nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về vấn đề thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp.

1. Quy định của pháp luật lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), Phiếu LLTP là loại phiếu do Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Theo quy định của Luật LLTP, có hai loại Phiếu LLTP: Phiếu số 1 và Phiếu số 2.
 Phiếu LLTP số 1 được cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Nội dung của Phiếu LLTP số 01 xác nhận tình trạng án tích của cá nhân, ghi rõ cá nhân đó "có án tích" hay "không có án tích". Án tích đã được xoá thì không ghi vào Phiếu LLTP số 1. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu LLTP số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Phiếu LLTP số 2 được cấp cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Phiếu số 2 cũng được cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Phiếu LLTP số 2 ghi tất cả các án tích, bao gồm án tích chưa được xóa và án tích đã được xoá. Phiếu LLTP số 2 cũng bao gồm thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Trung tâm LLTP quốc gia thực hiện cấp Phiếu LLTP trong các trường hợp: (1) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; (2) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cấp Phiếu LLTP trong các trường hợp: (1) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; (2) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; (3) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Để được cấp Phiếu LLTP số 1, cá nhân có yêu cầu nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP (theo mẫu) và kèm theo bản sao Chứng minh nhân dân (căn cước công dân) hoặc hộ chiếu, bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu LLTP.
Công dân Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Trung tâm LLTP quốc gia.
Trường hợp cá nhân không có điều kiện trực tiếp làm thủ tục, thì có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt mình làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật. Để tạo thuận lợi cho cá nhân, đặc biệt là các trường hợp đi học, lao động, công tác ở xa, Luật LLTP quy định trong trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 01 là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu LLTP thì không cần văn bản ủy quyền.
Để được cấp Phiếu LLTP số 2, cá nhân có yêu cầu cũng thực hiện theo thủ tục tương tự như thủ tục cấp Phiếu LLTP số 1 nêu trên. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân, Luật LLTP quy định cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
Thời hạn cấp Phiếu LLTP là không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày. Trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
2. Quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về Phiếu lý lịch tư pháp và thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp
Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau quy định cá nhân phải có Phiếu LLTP khi tham gia vào các quan hệ pháp luật như xin việc làm, cấp giấy phép, tuyển dụng công chức, viên chức, dự kiến bổ nhiệm nhân sự, cấp chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vực..., cụ thể như sau:
- Theo quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến, phải có Phiếu LLTP. Cụ thể "Đối với người có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Đối với người không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định; Phiếu LLTP hoặc văn bản có giá trị tương đương phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng”. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, đối với hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập, đối với cá nhân là cổ đông sáng lập phải có “Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; Phiếu LLTP phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 (sáu) tháng;…”[2].
- Theo quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, pháp luật quy định phải có "Phiếu LLTP của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm: a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; b) Đối với nhân sự dự kiến không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định….”.
Trong hồ sơ đề nghị chấp thuận dự kiến bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải có: “Phiếu LLTP của nhân sự dự kiến bổ nhiệm: a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; b) Đối với nhân sự dự kiến không có quốc tịch Việt Nam: Phiếu LLTP hoặc văn bản có giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định….”[3]
- Theo quy định pháp luật về Thừa phát lại, trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại, bổ nhiệm lại Thừa phát lại phải có Phiếu LLTP được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ[4].
- Theo quy định pháp luật về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược phải có Phiếu LLTP. “Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có LLTP hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp”[5].
- Trong quy định về cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Luật đấu giá quy định trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá phải có Phiếu LLTP. Đồng thời, người “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích” là một trong những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá[6] .
- Trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước cũng bao gồm Phiếu LLTP. Đối với hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có "Phiếu LLTP do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú cấp". Đồng thời, pháp luật về nuôi con nuôi cũng quy định về thời hạn có giá trị sử dụng của giấy tờ trong hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi, trong đó có “Phiếu LLTP... có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã”. “Phiếu LLTP… của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.” “Phiếu LLTP của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi”[7].
- Trong lĩnh vực quốc tịch, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, ngoài các giấy tờ cần thiết còn phải có "Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ". Trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, cũng cần có "Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ". Trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam cũng cần có "Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ." [8]
3. Những khó khăn, vướng mắc về thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp và một số đề xuất, kiến nghị
3.1. Luật LLTP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP. Hiện nay, thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP tùy thuộc vào quy định của pháp luật chuyên ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tiếp nhận. Như đã phân tích ở Mục 2, hiện nay một số văn bản pháp luật quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP trong hồ sơ, thường là 06 tháng hoặc 01 năm, tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại các cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, thực tế vừa qua cũng cho thấy một số cơ quan, tổ chức cũng có quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP khi giải quyết các công việc liên quan như xin việc làm, xem xét nhân sự..., có nhiều trường hợp mới xin cấp Phiếu LLTP một thời gian ngắn đã buộc phải xin cấp lại Phiếu LLTP để hoàn thiện hồ sơ. Do đó, cũng có ý kiến đề xuất cần phải quy định cụ thể về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP trong Luật LLTP để áp dụng thống nhất, tránh tuỳ tiện, gây khó khăn cho người dân.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật LLTP, Phiếu LLTP là giấy tờ do Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Như vậy, thông tin xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân (có án tích hay không) chỉ có giá trị từ thời điểm cấp Phiếu trở về trước. Nói cách khác, nội dung trong Phiếu LLTP chỉ có giá trị xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân đó tính đến thời điểm cấp Phiếu. Do đó, rất khó để quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP là bao nhiêu lâu. Bởi ngay sau thời điểm cấp Phiếu LLTP, cá nhân có thể lại phạm tội và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật (có án tích).
Cũng có quan điểm cho rằng, nếu sau thời điểm cấp Phiếu LLTP, cá nhân đó có thể lại phạm tội thì quy trình tố tụng ít nhất cũng mất vài tháng, nên không thể ngay lập tức có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật (có án tích), vì vậy cũng cần nghiên cứu quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP. Tuy nhiên, nghiên cứu pháp luật về LLTP của một số quốc gia có hệ thống quản lý LLTP phát triển như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Vương quốc Anh, hay một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Malayxia cũng cho thấy pháp luật về LLTP của các nước này cũng không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP.
3.2. Hiện nay, hoạt động cấp Phiếu LLTP đang được thực hiện theo quy định của Luật LLTP năm 2009 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật này. Sau hơn 10 năm thi hành Luật LLTP, đến nay, có thể nói, công tác cấp Phiếu LLTP cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức theo hướng ngày càng được đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Phiếu LLTP ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng là loại một trong những giấy tờ quan trọng để xác nhận nhân thân tư pháp của cá nhân, góp phần vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trong hơn 10 năm thi hành Luật LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp trên toàn quốc đã cấp hơn 03 triệu Phiếu LLTP, gấp gần 06 lần số lượng Phiếu LLTP được cấp trong 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA của Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định việc cấp Phiếu LLTP (hơn 600 ngàn Phiếu).
Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các phương thức mới trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu LLTP (cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu trực tuyến), ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin và cấp Phiếu LLTP. Nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng như thực hiện tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP trên môi trường điện tử (trực tuyến) đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp Phiếu LLTP, rút ngắn tối đa thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP, được dư luận và người dân đồng tình, ủng hộ.
Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức, cần tiếp tục cải cách thủ tục cấp Phiếu LLTP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa phương thức cấp Phiếu LLTP, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, giảm bớt gánh nặng, chi phí của người dân, chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có quy định yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo quan điểm không lạm dụng, tiến tới thu hẹp dần phạm vi các lĩnh vực không cần thiết yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ, thủ tục...  
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cần tăng cường cơ chế phối hợp, thông tin giữa cơ quan cấp Phiếu LLTP và các cơ quan có liên quan, xây dựng cơ chế liên thông giữa thủ tục cấp Phiếu LLTP và các thủ tục hành chính quy định phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Ths. Đỗ Thị Thuý Lan - Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia 
 
[1] Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật LLTP của Bộ Tư pháp.
[2] Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ngày 01/02/2019 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
[3] Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ngày 05/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2019/TT-NHNN ngày 21/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư có liên quan đến việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[4] Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
[5] Luật Dược năm 2016 (Khoản 7 Điều 24).
[6] Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[7] Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (Điều 5)
[8] Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014.