Ý kiến chung cho rằng, luật sư làm việc cho tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước theo chế độ viên chức là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, cải cách hành chính đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng; không thống nhất với quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và cũng không phù hợp với tính chất hành nghề của luật sư. Mặt khác, để thống nhất với nội dung mới được bổ sung tại Điều 17, Điều 18 (dự án Luật) về những trường hợp không được cấp, bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và Điều 20 của dự án Luật này về trường hợp bị từ chối gia nhập Đoàn luật sư nếu người đó là cán bộ, công chức, viên chức...
Để giải quyết những khó khăn về việc cần thiết phải có luật sư trong các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nghèo tại các phiên tòa. Vấn đề này, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc đa dạng hóa hình thức hành nghề luật sư trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, theo đó luật sư có thể hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thông qua hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc ký kết hợp đồng lao động với cơ quan, tổ chức (trong đó có cơ quan Nhà nước). Việc trả lương cho luật sư làm việc theo hợp đồng lao động do thỏa thuận giữa luật sư và cơ quan tổ chức (người sử dụng lao động). Tuy nhiên, để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước cũng như phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, dự án Luật đã quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư tự nhận vụ, việc, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động hành nghề và hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể.
(Theo website Đảng Cộng sản)