1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản. Như vậy, về nguyên tắc, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thực hiện ủy quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp dưới trực tiếp thì cần phải xác định nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên đến đâu thì ủy quyền đến đó, không ủy quyền những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện cả những nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, mà không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của mình[1] nêu không “cẩn thận” có thể sẽ dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước vận hành “ngược”, nghĩa là đơn vị, cơ quan chuyên môn của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên tham mưu, chuyển văn bản cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới quyết định.
2. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì văn bản ủy quyền được ban hành bằng hình thức văn bản cá biệt, bởi vậy khi cơ quan hành chính nhà nước cấp trên uỷ quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn không phải là nhiện vụ, quyền hạn của mình dễ dẫn đến thực tế làm phát sinh trình tự, thủ tục mới, khác hoàn toàn so với quy định của pháp luật hiện hành trong khi chưa được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đó dẫn đến văn bản cá biệt có chứa quy phạm pháp luật, không bảo đảm sự tương thích giữa hình thức văn bản với nội dung quy định trong văn bản và vi phạm Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Để đảm bảo văn bản ủy quyền được ban hành phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan, khi cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thực hiện ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới trực tiếp thì cần thực hiện đúng nguyên tắc là nhiệm vụ, quyền hạn đến đâu thì ủy quyền đến đó, đồng thời việc ủy quyền không làm phát sinh quy phạm pháp luật mới, khác so với các quy định trong văn bản pháp luật hiện hành đang có hiệu lực pháp lý cao hơn, đồng thời tại văn bản ủy quyền cần phải xác định thời gian ủy quyền, kèm theo các điều kiện cụ thể để thực hiện việc được ủy quyền./.