Dân được làm chủ-nền tảng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ góc nhìn của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội Đảng XIII đã khẳng định: “…trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân…” [1].

Có thể khẳng định vấn đề dân chủ là linh hồn, sinh khí của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hồ Chí Minh là người luôn đề cao dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, và là người đặc biệt coi trọng thực hành dân chủ bởi “Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc” [2].

Nhìn nhận dưới góc độ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì vấn đề củng cố, tăng cường dân chủ ở Việt Nam tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, triển khai rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở.

1. PBGDPL để người dân tiếp cận và làm chủ thông tin pháp luật
Để góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Nhà nước ta luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các thông tin, chính sách, pháp luật, để từ đó thực hiện các quyền, lợi ích trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tiếp cận thông tin nói chung và thông tin pháp luật nói riêng của công dân, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin đã quy định quyền thông tin về pháp luật, quyền tiếp cận thông tin cũng như trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Nhà nước tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền, tiếp cận kịp thời, minh bạch, thuận lợi các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt đối với các nhóm đặc thù, yếu thế, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước nhằm đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” từng bước đi vào cuộc sống.

Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được triển khai nhằm tăng cường, hỗ trợ hoạt động tiếp cận thông tin pháp luật của người dân như trong hoạt động xây dựng pháp luật, bên cạnh các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” đã tạo thêm cơ sở pháp lý cho người dân được tiếp cận với những thông tin kể từ khi cơ quan nhà nước có ý định xây dựng luật cho đến khi luật được thông qua và có hiệu lực, bảo đảm phần nào quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật cho người dân trong suốt quy trình lập pháp. Điều này cho thấy, Nhà nước ta đã ngày càng mở rộng phạm vi thông tin, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của công dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân.

Các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền triển khai thường xuyên hoạt động đăng tải, đưa tin, niêm yết, truyền thông công khai, rộng rãi các thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật; tích cực thông tin, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các thiết chế bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật), trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở… ngày càng phát triển đã đóng góp không nhỏ vào việc hỗ trợ, trợ giúp người dân tiếp cận pháp luật được thuận lợi, kịp thời. Nhiều mô hình, thiết chế hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm đa dạng, sáng tạo. Nhiều chương trình, đề án được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo…. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của người dân, nhất là người dân tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật.

Với mục tiêu góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, trong thời gian tới, Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế giúp người dân thực hiện được quyền tiếp cận và làm chủ thông tin pháp luật một cách dễ nhất, nhanh, thuận tiện nhất ngay từ cấp cơ sở, nơi gần dân, hiểu dân nhất. Theo Hồ Chí Minh, người dân chỉ thực sự trở thành người làm chủ khi họ được giáo dục, khi họ nhận thức được rõ ràng đâu là quyền lợi được hưởng, đâu là nghĩa vụ họ phải thực hiện.
Vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay cần được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở để người dân làm chủ thông tin pháp luật, tạo tiền đề trở thành người làm chủ xã hội dựa trên nguyên tắc nền tảng, bao trùm, đó là “sống và làm việc theo pháp luật”.

Một trong những giải pháp hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại và nhu cầu xã hội để đáp ứng yêu cầu trên của công tác PBGDPL, đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tương tác thông tin pháp luật đồng thời ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ việc tiếp cận thông tin pháp luật cho đối tượng yếu thế, đặc thù, từng bước tạo sự bình đẳng của người dân trong tiếp cận thông tin pháp luật, bảo đảm vai trò làm chủ của người dân một cách thực chất nhất.

2. Hòa giải ở cơ sở góp phần để người dân làm chủ trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng
Với sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo và Nho giáo, người Việt Nam ta luôn coi trọng chữ tình, chữ hiếu, chữ nhẫn trong hầu hết mọi ứng xử xã hội nói chung, cũng như việc giải quyết, xử lý những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa láng giềng thôn xóm và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng nói riêng. Vì vậy, từ xưa đến nay đã có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thể hiện tinh thần văn hóa đó, như “ Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình’; “ Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau” hay “chín bỏ làm mười”,  “Vô phúc đáo tụng đình”…Xuất phát từ đó, một cơ chế giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng đã ra đời với phương châm “việc của dân do dân giúp nhau tự giải quyết” dựa trên nền tảng tình cảm, uy tín cá nhân và niềm tin con người. Từ đó, người dân tự hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thương lượng, hòa giải để giải toả những bất đồng, mâu thuẫn ngay từ khi mới nảy sinh. Hoạt động này được gọi là hoà giải ở cơ sở và đã tồn tại từ bao đời nay trong cộng đồng chúng ta. Hiện nay, hòa giải ở cơ sở được quy định tại Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và một số văn bản có liên quan.

Dưới tác động của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam ngày nay đang có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ song hoạt động hoà giải vẫn tồn tại và ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, góp phần giúp xã hội đoàn kết, gắn bó, đồng thuận, là cơ sở để ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có hơn trăm ngàn vụ việc được hòa giải ở cơ sở với tỷ lệ hòa giải thành khoảng 80%. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác này không ngừng phát triển cũng như khuyến khích người dân, tổ chức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở.

Có thể nói, hòa giải ở cơ sở là một phương thức thực hiện, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là biểu hiện của dân chủ, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này được thể hiện ở việc người dân có quyền lựa chọn, bầu hòa giải viên, tự nguyện đề nghị hòa giải và quyết định cách giải quyết mâu thuẫn phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội trên cơ sở sự hướng dẫn, giúp đỡ của các hòa giải viên. Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, nguyện vọng của các bên. Đồng thời “tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở”[1]  cũng là một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở, thể hiện quyền chủ động tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng của người dân.

Đặc trưng cơ bản của Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra theo từng cụm dân cư. Hòa giải viên thực hiện “hướng dẫn, giúp đỡ”, dựa nhiều vào uy tín, tình cảm để giải quyết mâu thuẫn, không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện nên các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư khi hòa giải thành thường được các bên tự nguyện chấp hành với tinh thần đoàn kết, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động này, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành 01 chương (Chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu. 

Như vậy, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở hay trong cộng đồng và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển, trình độ dân trí nâng cao, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng như hoàn thành những mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…”, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030“thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về “Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án - trong đó có hòa giải ở cơ sở”. 

Với vai trò, mục tiêu, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở như đã phân tích trên, việc tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thời gian tới càng trở nên quan trọng, trong đó nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên và có cơ chế thu hút, khuyến khích những người có kiến thức pháp luật, đội ngũ luật sư, thẩm phán, luật gia và các lực lượng bảo vệ trật tự, trị an ở cơ sở tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất.

3. Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để tạo môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh giúp dân làm chủ ngay từ cơ sở
Người dân chỉ có thể thực hiện được quyền làm chủ trong một môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh. Ở trong môi trường đó, từ quy định luật pháp đến cơ chế, thiết chế triển khai tổ chức thực hiện, thi hành đều xác định quyền, lợi ích hợp pháp của người dân là mục tiêu tối thượng. Bên cạnh đó, người dân chủ động tiếp cận quyền và cũng đồng thời ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với xã hội nói chung với tâm thế của người làm chủ. Để có được điều này, vấn đề cơ bản đặt ra là các cơ quan nhà nước phải luôn thực hiện đúng, đủ và hoàn thành trách nhiệm của mình trước dân theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các cơ quan ở cấp chính quyền cơ sở- nơi gần dân nhất.

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền cấp xã trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, từ đó, xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa “thượng tôn pháp luật” trong xã hội, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở. Một trong những nguyên tắc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng chính phủ là “lấy người dân là trung tâm” để từ đó tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã, thúc đẩy sự bảo đảm thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh ngay từ cấp cơ sở.

Nói một cách cụ thể hơn, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nghĩa là các cơ quan thuộc chính quyền cấp xã đó đã “đạt chuẩn” theo những tiêu chí được lượng hóa tối đa, đáp ứng được các yêu cầu xuyên suốt, bào trùm trong việc tổ chức thi hành pháp luật ở địa bàn mình, đó là “Nhà nước hoàn thành tất cả trách nhiệm, người dân được đáp ứng mọi nhu cầu và làm tròn các nghĩa vụ”. Lúc này, chính quyền đã thực sự trở thành công cụ để người dân thực hiện vai trò làm chủ của mình bởi vì mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước ở cơ sở đều xuất phát từ quy định của pháp luật, chỉ đạo của cơ quan cấp trên và đặc biệt là từ yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và đặt dưới sự giám sát của dân. Có thể thấy rằng, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những minh chứng rõ nét nhất của quá trình hiện thực hóa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Vì vậy, việc quy định cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 và nhấn mạnh: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Để làm được điều đó, trước hết Nhà nước cần xác định rõ quyền làm chủ của người dân trước hết đối với việc tiếp cận thông tin pháp luật. Từ đó, người dân được làm và có khả năng làm được một cách chủ động những việc của chính người dân với vai trò là người làm chủ xã hội, làm chủ bản thân trong một môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh với sự phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Điều này đồng nghĩa với việc công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thời gian tới cần phải có những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần hiện thực hóa một cách sinh động chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tạo nền tảng, tiền đề để từng bước hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
TS Lê Vệ Quốc
Ths Nguyễn Kim Thoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), trang 96, 97 và 118.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.325.