Một số giải pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ

Theo ước tính, dân số dân tộc thiểu số của nước ta hiện nay có khoảng trên 13,3 triệu người, trong đó đa phần người dân (khoảng 11,94 triệu người) sinh sống tại khu vực nông thôn và miền núi.[1] Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 của Quốc hội[2], Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ[3] và Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ[4] về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Một trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới là công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân, cải thiện rõ rệt đời sống cũng như nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân…
1. Chủ trương, chính sách về PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc thiểu số đa phần sinh sống ở những địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và địa lý đặc biệt khó khăn, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và những địa bàn thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với công tác này, từ đó bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin pháp luật, thu hẹp khoảng cách về nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân giữa các vùng miền. Để thực hiện, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (Điều 17) xác định rõ đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng đặc thù trong công tác PBGDPL. Theo đó Nhà nước có “chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác PBGDPL, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số...[5].
Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư[6] tiếp tục khẳng định việc ưu tiên nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ thực hiện PBGDPL theo hướng có chính sách thích hợp để sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020), Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các hình thức PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực cho các nhóm đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và các chương trình, đề án liên quan[7]. Đồng thời giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tăng cường PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu, thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL. Có thể kể tới một số đề án, dự án về PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã, đang được triển khai thực hiện như: Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”[8]; Dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình”[9]
Qua đó cho thấy công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác này là yêu cầu có tính khách quan, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cung cấp, trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật, hình thành ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành, sử dụng pháp luật một cách chủ động, tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Một số kết quả về PBGDPL và thực trạng nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số
Trong giai đoạn 2017-2021, đã có nhiều hình  PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vùng biên giới, hải đảo… chủ động, phối hợp triển khai đa dạng (phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, tài liệu pháp luật, truyền thông về chính sách và pháp luật trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền pháp luật với diễn văn nghệ, tiểu phẩm, hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, chiếu phim, đội tuyên truyền lưu động; hội thảo; mô hình Câu lạc bộ pháp luật điểm[10]; tờ gấp pháp luật bằng tiếng Việt và dịch ra các thứ tiếng dân tộc thiểu số; Tủ sách pháp luật của xã… Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, các cơ quan, địa phương đã xây dựng, triển khai các chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử, Báo điện tử với chủ đề, nội dung PBGDPL cho người dân tộc thiểu số, kịp thời tuyên truyền, đăng tin, điểm tin đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới[11]
Tuy nhiên, qua theo dõi, báo cáo của các cơ quan có liên quan cho thấy công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trước hết là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền vẫn còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, chưa dành nguồn lực cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch trên địa phương mình về vấn đề này. Công tác PBGDPL ở một số nơi chưa sâu rộng, toàn diện, chưa thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, nhất là PBGDPL cho người dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ của họ. Nội dung PBGDPL ở một số địa bàn chưa được lựa chọn trên cơ sở bám sát nhu cầu và thực tiễn của người dân sinh sống ở địa bàn đó; chưa tập trung PBGDPL những nội dung pháp luật người dân đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc mức độ hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế… Hình thức PBGDPL chưa phong phú, đa dạng, sáng tạo; chưa phù hợp với điều kiện, môi trường sống, văn hóa, phong tục tập quán… Các thiết chế hỗ trợ, kinh phí và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động PBGDPL cho người dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, eo hẹp… ảnh hưởng rất lớn đến việc thụ hưởng kiến thức pháp luật, khả năng tiếp cận pháp luật của đồng bào và mức độ đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đội ngũ thực hiện PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn mỏng, kỹ năng nghiệp vụ hạn chế, kiến thức về pháp luật chưa thực sự vững vàng, đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ nòng cốt tại các thôn, bản…
Theo kết quả khảo sát tại một số địa phương (Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang, Đồng Tháp) được Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP thực hiện năm 2020 cho thấy nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế, bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số còn khá hạn chế. Ví dụ, về vấn đề độ tuổi xác định tuổi trẻ em, tỷ lệ nhận thức đúng tại các địa phương khảo sát chỉ đạt tỷ lệ khá khiêm tốn, cụ thể: 18,4% tại Hà Giang, 21,2% tại Hòa Bình, 38,5% tại Thanh Hóa, 22,8% tại Đắk Nông, 24% tại Kiên Giang và 16,7% tại Đồng Tháp. Hay vấn đề, quyền được học hết lớp 5 (bậc tiểu học) không mất tiền[12] lại chưa được nhận thức rõ trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa phương khảo sát. Chỉ có 9,7% người tham gia khảo sát tại Đồng Tháp cho rằng trẻ em có quyền này, tiếp đến là Đắk Nông với 16,8% và Hà Giang với 21,6%. Các địa phương còn lại có tỷ lệ lựa chọn đúng cao hơn nhưng cũng chỉ đạt ngưỡng 30-40% và không có địa phương nào quá 50%. Các ví dụ cho thấy, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm được các quy định pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mục đích của người dân tộc thiểu số khi tìm hiểu pháp luật chủ yếu là “để không làm sai pháp luật”, tiếp đến “để biết rõ mình, gia đình mình được làm gì và không được làm gì”. Người dân có nhu cầu riêng trong việc tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật liên quan đến những vấn đề họ quan tâm, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào các nhóm lĩnh vực về: hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo; chính sách ưu đãi về y tế; chính sách về giáo dục; bình đẳng nam, nữ; hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trợ giúp pháp lý.
Qua đó có thể đánh giá việc tiếp cận các thông tin nói chung và chính sách, pháp luật nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Thực tế một bộ phận đồng bào chưa chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật, chưa ý thức được vai trò của pháp luật; ứng xử và giải quyết các quan hệ xã hội còn bị tác động bởi các phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng, miền, trong đó có một số tập quán đã lạc hậu. Vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai các chính sách mới cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, khó khăn nhất định…
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Luật PBGDPL và các chương trình, Đề án có liên quan; ban hành kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện; có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế về PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh phí công tác PBGDPL, có cơ chế ưu tiên kinh phí cho các hoạt động PBGDPL cho người dân tộc thiểu số.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung, phương pháp, hình thức PBGDPL là những thành tố cơ bản của hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và phải được thực hiện phù hợp với các yếu tố đặc thù, điều kiện, hoàn cảnh sống, làm việc của đồng bào. Nội dung PBGDPL cần được thực hiện ngay từ khâu soạn thảo, xây dựng pháp luật, đặc biệt các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân. Các chủ thể PBGDPL cần xác định nội dung PBGDPL là giáo dục những vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số cần, không phải giáo dục những vấn đề mình có theo suy nghĩ chủ quan. Nội dung PBGDPL xuất phát từ cuộc sống, từ nhu cầu của người dân, từ những vướng mắc khó khăn họ đang gặp phải; bên cạnh đó cần giáo dục về vai trò, ý nghĩa của pháp luật đối với cuộc sống của họ, giáo dục ý thức tìm hiểu pháp luật, tôn trọng pháp luật và tuân thủ pháp luật. Hình thức PBGDPL luôn được xác định trên cơ sở yếu tố đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số về vị trí địa lý, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ, nhận thức về pháp luật… để lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp. Đối với từng địa bàn, đối tượng, đồng bào dân tộc mang màu sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau cần có nghiên cứu, lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, đặc thù, địa bàn của từng đối tượng đó trên cơ sở sáng tạo và đề cao tính hiệu quả, tiết kiệm. Quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội...
Thứ tư, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành Đề án về xây dựng đội ngũ PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số vững vàng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ, am hiểu phong tục tập quán, văn hóa và biết tiếng dân tộc; đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ này từ ngay chính con em của đồng bào. Kỹ năng, phương pháp PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tạp sự hấp dẫn và thu hút sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của đồng bào; gắn với sử dụng các thành tựu công nghệ thông tin, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người nghe, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều. Các chủ thể PBGDPL luôn quan tâm trau dồi, rèn luyện kỹ năng, phương pháp phù hợp; ngôn ngữ dung dị, trong sáng, dễ hiểu kết hợp với giải thích, hướng dẫn, vận động bà con tìm hiểu, tuân thủ pháp luật. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, ngôn ngữ dân tộc, phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý; đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng; đội ngũ giáo viên PBGDPL cho học sinh người dân tộc thiểu số trong nhà trường; đội ngũ sinh viên các cơ sở đào tạo luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số hoặc hiểu biết sâu về văn hóa truyền thống, tập quán, tâm lý của người dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động PBGDPL cho đối tượng này.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, địa phương trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số[13], gắn với từng vùng miền, dân tộc có giải pháp, biện pháp riêng để thực hiện PBGDPL phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa bàn, mỗi dân tộc.
Thứ sáu, đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tối đa về kinh phí từ ngân sách nhà nước và các điều kiện đảm bảo công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí kinh phí, đặc biệt là kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho chính quyền cơ sở trong triển khai công tác này. Việc tổ chức thực hiện các Đề án, chương trình cần thực hiện đông nguồn lực, có lồng ghép với các chương trình, Đề án có chung mục tiêu. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phát hiện, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp với người dân tộc thiểu số.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu xây dựng, trình Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân với mục tiêu hướng tới triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó có các giải pháp quan trọng về nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, với các nội dung chủ yếu như xây dựng nguồn nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật phù hợp với từng đối tượng; tổ chức bình chọn, tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân./.
Bùi Phương Thảo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Dân tộc thiểu số ở Việt Nam, truy cập ngày 15/3/2021, tại địa chỉ: https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/ethnic-minorities-and-indigenous-people/
[2] Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030;
[3] Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2022;
[4] Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
[5] Khoản 3 Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
[6] Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
[7] Điểm a, mục 3 phần II Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (ban hành kèm theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
[8] Phê duyệt theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
[9] Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.
[10] 40 - 50 người/một câu lạc bộ; là đại diện chính quyền, tư pháp, công an, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh xã; Đại diện một tổ chức đoàn thể ở thôn, ấp, bản, người có uy tín.
[11] Theo Báo cáo sô 389-BC/BCSĐ ngày 28/8/2019 của Ban can sự Đảng Ủy ban Dân tộc về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
[12] Theo quy định tại Điều 6, Nghị định 86/2015/NĐ-CP, một trong các đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập.
[13] Ủy ban Dân tộc với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính về hoạt động PBGDPL cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số và Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý chung về hoạt động PBGDPL.