Một số giải pháp nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang khẳng định được vai trò trong việc giúp các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải hiện nay vẫn còn có một số hạn chế như: Một số địa phương chưa thực sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, vì vậy thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này; đội ngũ hòa giải viên còn thiếu phương pháp, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật chuyên sâu; một số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã chưa nắm vững nghiệp vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; một số tổ hòa giải chưa thực hiện đúng quy trình về công tác hòa giải ở cơ sở, còn xem việc hòa giải là đơn giản, chỉ mời các bên tiến hành hòa giải miệng, không vào sổ thống kê hồ sơ, nhất là đối với những vụ việc hòa giải thành, nên việc thống kê, báo cáo tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở chưa đúng so với vụ việc hòa giải trên thực tế. Mặt khác, nguồn ngân sách nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa nhiều...
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, đòi hỏi công tác hòa giải ở cơ sở phải đổi mới hơn nữa để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Vì vậy, để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, công tác hòa giải ở cơ sở cần phải đạt được các yêu cầu sau:

  1. Kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh;
  2. Nâng cao chất lượng hòa giải;
  3. Thúc đẩy việc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
Để thực hiện các yêu cầu trên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở.
Tính chất, mức độ của các tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở ngày càng phức tạp, khó giải quyết, ngay cả đối với Tòa án. Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế. Việc hòa giải hiện nay không thể chỉ dựa vào các chuẩn mực đạo đức mà còn phải nắm vững pháp luật. Vì vậy, cần nâng cao tính chuyên nghiệp (chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ hòa giải) của hòa giải viên để họ đủ khả năng giải quyết các tranh chấp phức tạp hơn. Năng lực, trình độ và kinh nghiệm của những người tiến hành hòa giải đóng vai trò quan trọng vào thành công của hòa giải và sự phát triển của hòa giải. Việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng giữa các hòa giải viên là hết sức cần thiết. Theo đó, cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên dưới nhiều hình thức khác nhau để nâng cao trình độ pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Bên cạnh đó, cần chú trọng tập huấn, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra một kho kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú, giúp cho việc tìm hiểu kiến thức trở nên đơn giản hơn rất nhiều và có thể truy cập mọi lúc mọi nơi. Thực tế cho thấy, trình độ tin học của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế và không đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Do đó, cần tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho hòa giải viên về ứng dụng công nghệ thông tin để họ có thể khai thác, tìm hiểu, học tập qua mạng internet.
Thứ ba, tăng cường quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, các chế độ tài chính hỗ trợ cho hòa giải ở cơ sở tại một số nơi chưa được thực hiện đúng, đủ. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm, đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai hiệu quả công tác này và động viên, khích lệ các hòa giải viên tham gia giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và Tòa án nhân dân các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị, lực lượng Công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các Tổ hòa giải; tạo điều kiện và động viên, khuyến khích hội viên, thành viên của mình tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải. Trong quá trình hòa giải ở cơ sở cần tiến hành phối hợp với lực lượng Công an tại địa bàn như: Cảnh sát khu vực; lực lượng công an cấp xã, phường; cán bộ phụ trách xã... để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác hòa giải, cũng như giúp lực lượng công an chủ động nắm bắt được tình hình địa bàn.
Để góp phần nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác này, các cơ quan Tư pháp và Tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở về nghiệp vụ hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn và thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, hỗ trợ cho việc thực thi các thỏa thuận thành của các bên tranh chấp.
Thứ năm, có giải pháp huy động nguồn nhân lực được đào tạo, có kinh nghiệm về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa có bất kỳ một cơ sở đào tạo nào thực hiện đào tạo hòa giải viên ở cơ sở. Hòa giải viên ở cơ sở gồm nhiều thành phần, trình độ, năng lực khác nhau (Chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận, các chi Hội: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, các chức sắc, chức việc tôn giáo, trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố…), hầu như chưa được đào tạo chuyên môn về luật[1]. Trong khi đó, nguồn nhân lực được đào tạo pháp luật, có kinh nghiệm về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp như luật sư, luật gia, cán bộ đã từng công tác trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an, Hải quan, Thanh tra, Trọng tài,… chưa được huy động, khai thác một cách hiệu quả, đặc biệt là những người đã nghỉ hưu, để phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới cần có giải pháp huy động sự tham gia của người được đào tạo, có kinh nghiệm về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tham gia hòa giải ở cơ sở.
Thứ sáu, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tiễn hoạt động công tác hòa giải cho thấy, nơi nào được sự quan tâm theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của chính quyền các cấp thì công tác hòa giải ở nơi đó luôn đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh việc thực hiện việc báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động công tác hòa giải ở địa phương cần kết hợp với việc báo cáo, sơ kết, tổng kết 6 tháng, hàng năm để đánh giá toàn diện, khách quan hơn về hoạt động hòa giải, khắc phục kịp thời những hạn chế của công tác hòa giải. Tăng cường công tác đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ hòa giải viên phải được tiến hành thường xuyên hàng năm kết hợp với báo cáo sơ kết, tổng kết. Hằng năm, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải đưa công tác hòa giải vào chương trình mục tiêu chung của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động hòa giải để cấp trên nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở các ngành, các cấp tăng cường thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đề ra; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, để giải quyết kịp thời./.
Nguyễn Thị Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp năm 2021, số lượng hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật chỉ chiếm khoảng 2.5% tổng số hòa giải viên ở cơ sở.