Nhiều quy định tại dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) rất tiến bộ

Hôm qua (20/3), Bộ Tư pháp đã chính thức công bố dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân và tổ chức. Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) lần này có 6 Chương 42 Điều, quy định những vấn đề liên quan đến quyền đối với quốc tịch, quan hệ giữa nhà nước và công dân trong vấn đề quốc tịch, việc bảo hộ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với người gốc Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế tình trạng không quốc tịch v.v…

Việt kiều được giữ quốc tịch gốc là quốc tịch Việt Nam

Một trong những điểm đáng chú ý tại Điều 12 dự thảo Luật được công bố lấy ý kiến là quy định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa được thôi, chưa bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị mất quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thì vẫn là người có quốc tịch Việt Nam".

Về chính sách đối với người gốc Việt Nam ở nước ngoài (Điều 5), dự thảo Luật quy định, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam. Đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, Nhà nước có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân của mình phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước.

Người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được có quốc tịch Việt Nam

Đối với vấn đề người không quốc tịch, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được có hoặc nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này".  

Tại các điều Luật khác, dự thảo Luật quy định, trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam đương nhiên có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch, hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Đối với trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam.

 Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ đều có quốc tịch nước ngoài, cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài, người giám hộ có quốc tịch nước ngoài, thì người đó không còn quốc tịch Việt Nam; đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó (Điều 17).

Tại Điều 29, về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên, dự thảo Luật quy định, "Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam". "Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi". Đồng thời, dự thảo Luật quy định trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi, thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này. Sự thay đổi quốc tịch của con nuôi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định khá chi tiết và cụ thể những vấn đề liên quan đến nhập quốc tịch Việt Nam, miễn điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam, giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, mất quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam v.v…

Trong thời hạn 3 năm, được đăng ký có quốc tịch Việt Nam

Với một loạt quy định tiến bộ nêu trên, nếu được thông qua, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bà con Việt kiều có mong muốn gắn bó với quê hương được giữ quốc tịch Việt Nam, đồng thời giải quyết được một số lượng khá lớn người không có quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng quy định rõ, trong thời hạn ba năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, người không quốc tịch và người không rõ quốc tịch nước nào đang thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, nếu có nguyện vọng có quốc tịch Việt Nam thì được đăng ký có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn tối đa là năm năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Luật này thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Hết thời hạn đăng ký nói trên, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không đăng ký mà muốn có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Để giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng hai hoặc nhiều quốc tịch, Chính phủ sẽ ký kết với nước ngoài điều ước quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng hai hay nhiều quốc tịch.

Hồng Thuý

 

Thời hạn giải quyết đơn yêu cầu về quốc tịch ( Điều 37 dự thảo Luật)

1. Thời hạn giải quyết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam không quá chín tháng, đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không quá ba tháng, kể từ ngày UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Thời hạn giải quyết đơn xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam không quá một tháng, kể từ ngày UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (Điều 10 dự thảo Luật)

1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ của người đó;

2. Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng;

3. Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam;

 4. Các giấy tờ khác do Chính phủ quy định.