Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN là thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành ngày một nhiều để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đảm bảo cho sự vận hành bình thường của đời sống, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và công dân. Tuy nhiên, pháp luật không thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả nếu không được đưa vào cuộc sống. Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Pháp luật sẽ được truyền tải tới mọi công dân thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; qua đó giúp mọi công dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới từng đối tượng.
Đối với người lao động (NLĐ), PBGDPL có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của họ; PBGDPL sẽ giúp họ nâng cao ý thức pháp luật nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình; giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động do thiếu hiểu biết pháp luật.
I.Thực trạng giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp
PBGDPL nói chung và PBGDPL cho NLĐ nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã đưa người lao động là một trong những đối tượng đặc thù cần được ưu tiên trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 18 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định nội dung, hình thức trong PBGDPL cho NLĐ. Trong đó, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tại Điều 15 của Luật công đoàn năm 2012 đã quy định trách nhiệm của công đoàn trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn. Đồng thời, quy định tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Trong thời gian qua, công tác PBGDPL cho NLĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đầu tiên đó là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho NLĐ. Chính vì vậy, công tác PBGDPL cho NLĐ trong các doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều chương trình, Đề án, Kế hoạch, nội dung, hình thức, cách làm thiết thực, hiệu quả. Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu của NLĐ, phù hợp hơn với từng đối tượng NLĐ, địa bàn; hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, từng bước đáp ứng được yêu cầu của NLĐ. Trong đó, nổi bật với kết quả đạt được của một số hình thức PBGDPL đã được tổ chức. Tính riêng về hình thức tư vấn pháp luật cho người lao động trong 15 năm qua (2003-2019) các cấp công đoàn đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 446.179 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giải quyết quyền lợi cho 1.518.667 người lao động; tham gia giải quyết, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án cho 9.480 vụ giúp 18.137 người lao động được nhận trở lại làm việc, 35.174 NLĐ được chi trả trợ cấp thôi việc, 141.922 người lao động được nâng lương, 393.122 người lao động được đóng BHXH, 919 người lao động được bãi bỏ kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Tổng số tiền đòi bồi thường là 94,602 tỷ đồng (chưa tính các khoản tiền truy thu nộp BHXH cho hàng chục ngàn người lao động . Trong giai đoạn 2013-2018 đã có gần 12.000 cuộc đối thoại đột xuất và định kỳ được triển khai tại các doanh nghiệp. Các nội dung đối thoại cụ thể: 65,2% số doanh nghiệp đối thoại về tình hình kinh doanh; 60% số doanh nghiệp tổ chức đối thoại về an toàn lao động; 50,7% số doanh nghiệp đối thoại về tiền lương; 47,8% số doanh nghiệp tổ chức đối thoại về phúc lợi cho NLĐ; 34% đối thoại về tiền thưởng; 21,7% đối thoại về việc làm; 14,5% số doanh nghiệp tổ chức đối thoại về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi .…qua hoạt động đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và hoạt động tư vấn pháp luật, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật đã được tháo gỡ, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật không chỉ cho người lao động, mà còn cung cấp kiến thức pháp luật cho người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và các đối tượng có liên quan.
Nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL cho người lao động đã được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 12/2018, cả nước có 1.947 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 7.003 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 17.766 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 144.591 tuyên truyền viên pháp luật . Việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ công đoàn, cán bộ pháp chế, tư vấn viên pháp luật được chú trọng. Lực lượng này đã góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật tới NLĐ, nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật của đối tượng này.
Qua PBGDPL, đa số NLĐ đã dần được tiếp cận với các quy định pháp luật, đặc biệt các nội dung pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động; dần biết sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của những người xung quanh; không vi phạm điều cấm của pháp luật; góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hiện nay NLĐ đang có những hạn chế trong tiếp cận với pháp luật. Thực trạng NLĐ do thiếu kiến thức pháp luật, chưa có ý thức trong tìm hiểu và tuân thủ pháp luật hoặc chưa có điều kiện được tiếp cận với pháp luật và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đã dẫn đến hành vi như sẵn sàng phá bỏ hợp đồng lao động, nghỉ việc không cần bảo hiểm xã hội, không chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động nơi làm việc…; có tình trạng người lao động chủ động viết đơn đề nghị doanh nghiệp không tham gia BHXH. Cá biệt, có trường hợp khi doanh nghiệp tham gia BHXH, người lao động do lương thấp, không muốn trích nộp nên quyết định thôi việc. Vẫn còn tình trạng người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng, lừa dối doanh nghiệp bằng việc cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả mạo để kiếm việc làm…
Bên cạnh đó, việc người sử dụng lao động lợi dụng việc NLĐ thiếu hiểu biết về pháp luật để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ vẫn diễn ra. Ví dụ như giao kết sai hợp đồng lao động gây ảnh hưởng đến quyền của NLĐ: ký hợp đồng dịch vụ thay cho HĐLĐ để trốn BHXH, ký hợp đồng nhân công/cung ứng nhân công thay cho hợp đồng cho thuê lại lao động; giao kết HĐLĐ bằng lời nói hoặc chỉ ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên đối với những công việc trên 03 tháng để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp. Nội dung giao kết hợp đồng còn sơ sài, còn thiếu nhiều nội dung như: công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc nên khi có tranh chấp xảy ra khó có cơ sở pháp lý để giải quyết . Tình trạng người sử dụng lao động thực hiện thử việc kéo dài, tiền lương không đảm bảo theo quy định pháp luật; doanh nghiệp chưa được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng vẫn hoạt động cho thuê lại lao động xảy ra nhiều, do vậy quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo. Sở dĩ có tình trạng trên người sử dụng lao động lợi dụng tình trạng không hiểu biết pháp luật của NLĐ để cố ý “vi phạm” hoặc “lách” pháp luật để tiết kiệm chi phí nhân công. Như vậy, quyền con người, quyền công dân, đặc biệt quyền được thông tin, tiếp cận với pháp luật của NLĐ không được đảm bảo. Nếu như NLĐ biết về pháp luật họ sẽ tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế thấp nhất những rủi ro do không hiểu biết về pháp luật mang lại.
Bên cạnh đó, các hình thức, biện pháp PBGDPL của các cơ quan chức năng, các chủ thể về PBGDPL chưa thực sự mang lại hiệu quả và đáp ứng được những khoảng trống trong thiếu hụt về nhận thức, kiến thức pháp luật của bản thân NLĐ, chưa đáp ứng được nhu cầu trong tìm hiểu pháp luật của người lao động. Công tác PBGDPL cho NLĐ chưa được sự quan tâm đúng mức chính vì vậy, còn thiếu chiến lược, kế hoạch trung hạn và dài hạn với các giải pháp tổng thể cho tổ chức hiệu quả PBGDPL cho NLĐ. Chưa có đầu tư tập trung nguồn lực, đặc biệt đối với đối tượng yếu thế, đặc thù đã được quy định trong Luật PBGDPL năm 2012, trong đó có NLĐ. Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết… để đúc rút kinh nghiệm, tìm mô hình, cách thức, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL cho NLĐ chưa được chú trọng; tư duy trong tổ chức PBGDPL chậm đổi mới, thường thực hiện GDPL theo hướng áp đặt từ trên xuống, theo ý chí chủ quan của các chủ thể giáo dục, thực hiện PBGDPL với những nội dung mình có mà không xuất phát từ nhu cầu của NLĐ, từ thực tiễn cuộc sống. Việc tiếp cận PBGDPL cho NLĐ vẫn chưa thực sự xuất phát từ quyền của họ mà vẫn còn có tư tưởng “ban phát”; chưa chú ý đến đánh giá sự hài lòng từ phía người dân, NLĐ đối với hoạt động PBGDPL; chưa gắn với tổ chức PBGDPL với đánh giá hiệu quả công tác này.
II. Yêu cầu, bối cảnh PBGDPL đối với người lao động trong Doanh nghiệp ở Việt nam hiện nay
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, việc bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải thực sự được thấm nhuần, trở thành thói quen, chuẩn mực trong ứng xử, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong Nhân dân, trong đó PBGDPL là khâu trọng yếu, đầu tiên. Trách nhiệm của Nhà nước trong kiến tạo, phục vụ sự phát triển xã hội và thực hiện trách nhiệm giải trình ngày càng phải được nâng cao, bảo đảm công khai, minh bạch cả về thể chế cũng như cơ chế tổ chức thực hiện. Mặt khác, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hướng đến một nước Việt Nam công nghiệp, hiện đại vào năm 2030 cùng với chủ trương chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mạng xã hội đòi hỏi sự đổi mới cả về tư duy và cách làm trong quản trị Nhà nước, quản lý xã hội nói chung và công tác tổ chức thi hành pháp luật, thông tin, PBGDPL nói riêng.
Tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian tới tiếp tục có những biến đổi, phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu, song xung đột cục bộ, đan xen giữa hợp tác với đấu tranh vẫn diễn ra, nhất là giữa các nước lớn. Những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế - quốc tế, tạo nên nhiều khó khăn, thách thức từ chính trị, kinh tế tới các mặt đời sống văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại được người dân trong nước và cả dư luận quốc tế quan tâm. Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên có trách nhiệm của nhiều Công ước về quyền con người như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm....
Đứng trước bối cảnh, tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy rõ bên cạnh những thách thức chính là động lực, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó GDPL nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; giữ vững chế độ chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” ; Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Trong đó, xác định PBGDPL với nhiệm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng với tính chất có những đổi mới căn bản, tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ của công tác này trong thời gian tới.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho người lao động nói riêng đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm.
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho Người lao động trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Trước nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ; sự cần thiết phải tăng cường PBGDPL cho NLĐ để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận pháp luật của NLĐ; xây dựng ý thức pháp luật, tạo thói quen trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật của NLĐ, trong thời gian tới cần quan tâm tới một số giải pháp sau:
1. Tăng cường nhận thức của các chủ thể PBGDPL
Trong PBGDPL, giữa chủ thể PBGDPL và đối tượng thụ hưởng PBGDPL có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động tới chất lượng, hiệu quả của công tác này. Nếu cả chủ thể và đối tượng thụ hưởng cùng phối hợp chặt chẽ, chủ động, xác định đúng đắn, rõ ràng mục tiêu PBGDPL, cùng có ý thức trách nhiệm cao trong triển khai cũng như tham gia PBGDPL thì chất lượng, hiệu quả của công tác này sẽ được nâng lên. Chính vì vậy, giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ thể PBGDPL và NLĐ là một giải pháp hết sức quan trọng. Nâng cao nhận thức, sự quan tâm, đổi mới về tư duy, quan điểm theo hướng lấy người dân, NLĐ làm trung tâm phục vụ sẽ có sự chuyển biến về hành vi, hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả.
2. Nâng cao nhận thức của tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động về GDPL cho NLĐ
Tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động là những chủ thể rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho NLĐ được thụ hưởng kiến thức pháp luật. Nếu người sử dụng lao động họ chỉ vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp, không dành thời gian cho NLĐ được tiếp cận với pháp luật, được tìm hiểu pháp luật thì sẽ là rào cản lớn nhất đối với NLĐ trong vấn đề này. Nếu như tổ chức đại diện của người lao động không quan tâm trong việc phối hợp với người sử dụng lao động, NLĐ và các chủ thể giáo dục pháp luật khác thì NLĐ sẽ mất đi cơ hội quan trọng trong việc tiếp cận pháp luật thông qua “cầu nối” gần gũi với họ nhất là tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Chính bởi vậy, cần nâng cao nhận thức của các chủ thể này về vị trí, vai trò của PBGDPL cho NLĐ trong doanh nghiệp. Để nâng cao nhận thức của họ cần có các cuộc họp, các buổi hội thảo, tọa đàm, tài liệu, cuộc đối thoại giữa các bên (chính quyền, cơ quan thực hiện chức năng GDPL, người sử dụng lao động, NLĐ, tổ chức công đoàn…); qua các cuộc khảo sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL về hoạt động PBGDPL trong DN để qua đó có thể trao đổi, rút kinh nghiệm, nhận diện, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này…
3. Hoàn thiện thể chế về PBGDPL và PBGDPL cho người lao động trong doanh nghiệp
Sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trên nhiều phương diện. Trước yêu cầu, bối cảnh mới của Đất nước, đòi hỏi ngày càng cao của người dân trong tìm hiểu pháp luật, đã đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác PBGDPL, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng:
- Xác định vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong mối quan hệ với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo hướng PBGDPL là khâu đầu tiên đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy việc thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật một cách nghiêm minh, hiệu quả. Khẳng định công tác PBGDPL cần gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả. PBGDPL không chỉ là khâu đầu tiên mà được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn bộ công tác tổ chức thi hành pháp luật. Từ đó, cần có các quy định theo hướng đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện PBGDPL theo hướng quy trình có sự kết hợp chặt chẽ từ xây dựng, PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thi hành, tuân thủ pháp luật.
- Có sự cân bằng, hài hoà giữa trách nhiệm của Nhà nước và trách nhiệm của xã hội, của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong tham gia PBGDPL. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, vai trò của tổ chức đại diện cho NLĐ trong PBGDPL. Đặc biệt phát huy vai trò chủ động, tự giác tìm hiểu pháp luật của NLĐ.
- Xác định vai trò chủ động, tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật của người dân; với cách tiếp cận người dân được đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân, quyền được thụ hưởng các kiến thức pháp luật trên cơ sở nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể PBGDPL, người dân luôn là trung tâm của hoạt động PBGDPL. Như vậy, người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà đồng thời phải là chủ thể tham gia vào toàn bộ quá trình của GDPL.
4. Đổi mới nội dung PBGDPL cho NLĐ
Đổi mới nội dung PBGDPL phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm NLĐ theo lứa tuổi, lĩnh vực ngành nghề, địa bàn, trình độ nhận thức; kết hợp giữa tập trung phổ biến các quy định bám sát nhu cầu của NLĐ, của thực tiễn cuộc sống với phổ biến những điểm mới, nội dung chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; địa vị pháp lý, các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. Chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện song song giữa phổ biến các quy định của pháp luật thực định và phổ biến tinh thần, mục đích, ý nghĩa của văn bản pháp luật; giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng tình cảm, ý thức, thái độ để củng cố niềm tin đối với pháp luật.
Trên cơ sở đó nội dung PBGDPL cho NLĐ, trước tiên xuất phát từ nhu cầu của bản thân, gia đình, cuộc sống của NLĐ. Các quy định pháp luật liên quan mật thiết tới cuộc sống của người lao động như các quy định về lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, vay vốn...Đồng thời, cần giáo dục nội dung pháp luật đảm bảo quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm trang bị cho NLĐ hiểu, sử dụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc PBGDPL cần được thực hiện ngay từ giai đoạn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm trang bị những kiến thức nhất định, tránh việc các văn bản pháp luật mới được ban hành đã không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó cần kết hợp giữa giáo dục kiến thức pháp luật và vận động, thuyết phục, xây dựng niềm tin, tình cảm của NLĐ đối với pháp luật, để từ đó nâng cao ý thức tìm hiểu, tuân thủ chấp hành pháp luật.
5. Đổi mới hình thức PBGDPL cho NLĐ
Thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức PBGDPL, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng NLĐ. Thường xuyên tổng kết đánh giá từng hình thức, biện pháp để tìm ra cách thức thực hiện hiệu quả nhất. Hàng năm, cần xây dựng các kế hoạch GDPL cho NLĐ, trong đó xác định rõ hình thức, nội dung được thực hiện cho nhóm người lao động; phân công trách nhiệm thực hiện; kinh phí, nguồn lực đảm bảo.
- Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, kết hợp các hình thức PBGDPL truyền thống như PBGDPL trong nhà trường, tuyên truyền miệng, tài liệu pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật… với các hình thức PBGDPL mới như đối thoại trực tuyến, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, hỏi đáp pháp luật trực tuyến, giáo dục pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các hình thức GDPL.
- Lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm của NLĐ: Thông qua các cuộc khảo sát, báo cáo, kiểm tra thực tế về thực trạng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của NLĐ, thông qua đặc điểm, điều kiện, môi trường sống của NLĐ để tổng hợp, phân tích, đánh giá về nhu cầu, sự phù hợp của các hình thức PBGDPL đối với NLĐ. Từ đó, các chủ thể GDPL có cơ sở để lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với NLĐ. Qua khảo sát, tổng hợp ý kiến của NLĐ, kết quả triển khai các hình thức PBGDPL cho thấy rằng có những hình thức phù hợp với đa số NLĐ như: tư vấn pháp luật tại doanh nghiệp, tổ chức kênh đối thoại chính thức, trực tuyến giữa người SDLĐ, NLĐ, cán bộ công đoàn, cán bộ pháp chế doanh nghiệp hoặc luật sư, luật gia để kịp thời giải đáp kịp thời các vướng mắc về pháp luật trong thi hành pháp luật; PBGDPL trực tiếp thông qua các cuộc họp, qua các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, truyền thông pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin nội bộ của DN, tài liệu pháp luật như tờ gấp, sổ tay, GDPL trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội…
6. Xây dựng điểm về một số hình thức, mô hình PBGDPL cho NLĐ
(i) Thành lập các mô hình trung tâm tư vấn pháp luật tại các khu công nghiệp, các nơi có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nhân sự thực hiện tư vấn pháp luật là đội ngũ luật sư, luật gia. Thời gian tư vấn từ 2-3 ngày/tuần. Nội dung tư vấn theo chủ đề được khảo sát từ NLĐ tại các doanh nghiệp và sẽ thông báo trước tới NLĐ. Nguồn kinh phí hoạt động từ nhiều nguồn: trách nhiệm từ phía nhà nước, từ doanh nghiệp và trách nhiệm đóng góp với xã hội của đội ngũ luật sư, luật gia; đối với luật sư quy định số giờ thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí trong năm. Trách nhiệm số giờ tham gia tư vấn của luật sư gắn với điều kiện cấp hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề.
(ii) Xây dựng, thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật qua điện thoại.
Nguồn nhân lực của trung tâm chủ yếu là đội ngũ luật sư từ Liên đoàn Luật sư; hội luật gia. Luật sư, luật gia thực hiện tư vấn pháp luật của trung tâm này chủ yếu là miễn phí. Họ hưởng lương từ Liên đoàn Luật sư, Hội luật gia và dành thời gian một tuần từ 1- 3 ngày làm việc cho trung tâm. Ngoài đội ngũ luật sư, trung tâm có sinh viên luật hoặc các chuyên viên làm trong các ngành pháp luật. Các nhân viên này làm việc bán thời gian.
Nhân viên trực điện thoại chỉ được phép cung cấp thông tin pháp luật, tìm những quy định pháp luật phù hợp thuộc nội dung vụ việc người dân, người lao động đang vướng mắc để giải thích, hướng dẫn họ tới cơ quan có thẩm quyền hoặc gặp luật sư nơi gần nhất để được trợ giúp. Luật sư của trung tâm có trách nhiệm thực hiện tư vấn pháp luật chuyên sâu. Luật sư không ra tòa để đại diện cho khách hàng tại Tòa án. Những vụ việc phức tạp như thuế, chuyển nhượng bất động sản, thương mại...trung tâm không tư vấn.
7.Về nguồn lực và điều kiện bảo đảm
- Đảm bảo bố trí đủ kinh phí từ ngân sách cho các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, đặc biệt là nguồn kinh phí để tổ chức PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù trong đó có NLĐ; có cơ chế tài chính linh hoạt trong giải quyết các vấn đề pháp luật cấp bách cần được phổ biến, quán triệt ngay theo nhu cầu của người lao động hoặc yêu cầu quản lý nhà nước. Kinh phí thực hiện PBGDPL đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần được dự toán cụ thể khi thẩm định theo quy định của pháp luật.
-Tăng cường mạnh mẽ việc đa dạng hóa nguồn lực cho công tác PBGDPL trên cơ sở huy động trách nhiệm xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội; xã hội nghề nghiệp; các cơ sở đào tạo luật; cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp; các luật sư; luật gia và doanh nghiệp. Tạo cơ chế cụ thể, khả thi, thuận lợi hơn nữa nhất là trong việc ưu đãi, vinh danh, khen thưởng để thu hút có hiệu quả nguồn lực từ xã hội cho công tác GDPL.
-Tinh gọn, chuyên nghiệp hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng nâng cao chất lượng; tách bạch nhiệm vụ giữa đội ngũ công chức thực hiện PBGDPL với đội ngũ tác nghiệp trực tiếp PBGDPL, đảm bảo không chồng lấn về nhiệm vụ, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của đội ngũ này.
8.Về hiệu quả PBGDPL
PBGDPL phải gắn với mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả. Trong đó, hiệu quả được xác định là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong hành vi, trong thái độ, trong tình cảm và ứng xử của các chủ thể đối với pháp luật trước và sau khi điều chỉnh bằng pháp luật so với chi phí và nguồn lực đầu tư cũng như những tác động mang tính xã hội lên tính bền vững của tình hình ổn định xã hội.
Ngô Quỳnh Hoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật