Khó khăn, vướng mắc và một số đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

Ngày 30/7/2014 , Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 100). Sau 07 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 100, việc phân bổ, sử dụng ngân sách dành cho công tác hòa giải ở cơ sở được các địa phương thực hiện đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch số 100 và các văn bản pháp luật có liên quan. Hiện nay, kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong ngân sách phân bổ thường xuyên cho hoạt động của địa phương.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 100, 59/63 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên. Nhiều địa phương ban hành đồng thời cả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định cụ thể mức chi, nội dung chi phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương[2] hoặc ban hành thêm văn bản hướng dẫn thực hiện[3]; một số địa phương đã ban hành văn bản mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) quy định về kinh phí để đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước, như: tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng...
Để triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, các địa phương đã chủ động lập dự toán và phân bổ kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Ở cấp huyện, kinh phí cấp cho công tác hòa giải ở cơ sở được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ như: tổ chức hội nghị, tập huấn, biên soạn tài liệu, tổ chức cuộc thi... nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Ở cấp xã, kinh phí chủ yếu được sử dụng để chi trả thù lao cho hòa giải viên; hỗ trợ hoạt động của các Tổ hòa giải.
Qua 07 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 100, các địa phương đều bảo đảm việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo đúng chế độ, định mức quy định. Mức kinh phí được bố trí để triển khai thực hiện có sự thay đổi trong các năm. Nhiều địa phương đã bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở, như: tỉnh Tuyên Quang, Tiền Giang, Thái Bình, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ, Bình Thuận, thành phố Hà Nội; một số địa phương đã huy động được nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở, như: tỉnh Bắc Giang, Đồng Tháp, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh[4].
1. Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định về kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Theo phản ánh các địa phương, kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, phần lớn kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở được phân bổ chung trong kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật nên về cơ bản chưa bảo đảm theo quy định và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Việc bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công hòa giải ở cơ sở của các địa phương thực hiện chưa đồng đều, chưa thống nhất giữa các đơn vị trong một tỉnh. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn, không nhận được sự quan tâm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Những khó khăn, vướng mắc trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nguyên nhân chính là do một số quy định của Thông tư liên tịch số 100 đã không còn phù hợp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc phân bổ kinh phí hòa giải ở cơ sở
- Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 100 quy định kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành. Quy định này khiến việc phân bổ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở được các địa phương phân bổ tùy theo mức độ quan tâm của lãnh đạo, do đó kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở có thể được bố trí, phân tách thành mục chi riêng hoặc bố trí chung trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hay công tác tư pháp. Vì thế, trên thực tế, xảy ra tình trạng “chênh lệch” kinh phí chi thù lao và chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại các địa phương. Ví dụ có tỉnh quy định mức chi tối đa cho vụ việc hòa giải không thành là 100.000 đồng, còn vụ việc hòa giải thành là 200.000 đồng; nhưng có tỉnh quy định một mức chi thù lao vụ việc hòa giải (thành hoặc không thành) là 120.000 đồng hoặc 140.000 đồng hoặc 200.000 đồng. Tình trạng “chênh lệch” này không chỉ xảy ra giữa các tỉnh, thành phố mà còn xảy ra giữa các huyện trong một tỉnh.
 Do chưa có giải pháp, cơ chế để khắc phục, giải quyết vấn đề nêu trên nên dẫn đến tại một số địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã, kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở được phân bổ rất hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu thực tế.
- Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 100 quy định: “Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc không hỗ trợ 100% mà tập trung cho một số mục tiêu ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế” và tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 100 đã quy định việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, quy định này chưa được triển khai trên thực tế do chưa có cơ chế khả thi hay hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai thực hiện để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước[5].
Thứ hai, về nội dung chi
- Các nội dung chi chưa đầy đủ, toàn diện: Thông tư liên tịch số 100 chưa quy định việc chi hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi của các hòa giải viên và những chi phí liên quan: Chi phụ cấp hàng tháng cho tổ trưởng tổ hòa giải; chi hỗ trợ đi lại cho hòa giải viên; chi hỗ trợ hàng tháng hòa giải viên gặp tai nạn, rủi ro dẫn đến thương tật suốt đời; chi cho người tham gia hòa giải; chi học tập kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải ở cơ sở...
- Các nội dung chi trong Thông tư liên tịch số 100 chưa hướng dẫn việc thực hiện khoản 1 Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở về chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, về mức chi
- Đối với các hoạt động có tính chất đặc thù trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100 quy định cụ thể về mức chi. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng Thông tư liên tịch 100, các mức chi đặc thù cho công tác hòa giải ở cơ sở (chi tổ chức bầu hòa giải viên, chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải) được đề xuất dựa trên tỷ lệ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu chung từ năm 2010 đến năm 2014 (mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng) và bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Đến nay, tình hình kinh tế- xã hội đã có nhiều thay đổi, mức lương tối thiểu chung cũng đã tăng so với thời điểm ban hành Thông tư (hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng). Vì vậy, mức chi theo Thông tư liên tịch số 100 không còn phù hợp và thấp hơn so với mặt bằng chung về điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
- Việc quy định một mức chung chi thù lao cho hòa giải viên, tối đa 200.000 đồng/vụ, việc, không phân biệt việc hòa giải thành hay không thành, không phân biệt mức độ, tính chất, quy mô phức tạp của mâu thuẫn, tranh chấp, đã tạo sự không tương xứng với công sức, năng lực và tinh thần trách nhiệm của hòa giải viên ở cơ sở. Đặc biệt, đối với những vụ việc phức tạp, nan giải, âm ỉ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành sự việc nghiêm trọng như tranh chấp đất đai, tranh chấp về thừa kế... thì ngoài việc cần nắm vững kiến thức pháp luật chung, hòa giải viên còn phải có pháp luật chuyên ngành (về đất đai, về thừa kế...) và có kinh nghiệm hòa giải, có khả năng thu thập chứng cứ, xác minh thông tin... để tổ chức hòa giải đạt kết quả. Bên cạnh đó, việc hòa giải có thể phải tiến hành nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức mới đạt được kết quả.
Thứ tư, về lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí
- Thông tư liên tịch số 100 chưa quy định rõ số lượng, loại chứng từ và chưa ban hành kèm theo các mẫu biểu, chứng từ mang tính đặc thù dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu thống nhất, đồng bộ. Nhiều địa phương, kế toán yêu cầu khi thanh toán kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở phải kèm theo biên bản hòa giải (thành hoặc không thành) nhưng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP thì việc lập văn bản hòa giaỉ thành hoặc văn bản hòa giải không thành phụ thuộc vào ý chí của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu các bên mâu thuẫn, tranh chấp không đồng ý lập biên bản hòa giải thì họ sẽ không ký biên bản hòa giải do hòa giải viên lập.
- Có địa phương cho rằng thủ tục thanh toán hiện nay theo quy định Luật Ngân sách nhà nước còn khá phức tạp. Do vậy một số tổ hòa giải, hòa giải viên không muốn thực hiện thủ tục thanh toán hỗ trợ chi cho công tác hòa giải ở cơ sở.
- Tại một số địa phương, hòa giải viên chưa chú trọng việc lập hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán, không lưu đầy đủ giấy tờ liên quan nên khi làm thủ tục chi thù lao cho hòa giải viên còn gặp nhiều khó khăn. Cá biệt như tỉnh Thừa Thiên - Huế, một số đơn vị còn nhầm lẫn giữa hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã về tranh chấp đất đai dẫn đến việc chi thù lao chưa đúng đối tượng hoặc bỏ sót đối tượng.
2. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở báo cáo, ý kiến đề xuất kiến nghị của các địa phương, trong bối cảnh Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được sửa đổi, bổ sung; đồng thời để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, tôi đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng mục chi riêng cho công tác hòa giải ở cơ sở để bảo đảm bố trí đủ kinh phí cho công tác này ở tất cả các cấp ngân sách.
- Thứ hai, nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương về thực hiện quy định “Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở” quy định tại Điều 6 Luật Hòa giải ở cơ sở để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
- Thứ ba, thay đổi cách thức xây dựng Thông tư quy định về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng quy định cụ thể, thống nhất và trực tiếp các nội dung chi và mức chi đối với từng hoạt động, không hoặc hạn chế dẫn chiếu tới các văn bản khác để địa phương dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian.
- Thứ tư, sửa đổi các mức chi theo hướng tăng lên, đặc biệt là mức chi cho các hoạt động đặc thù của công tác hòa giải ở cơ sở (chi tổ chức bầu hòa giải viên, chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải) để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, nhằm khuyến khích, động viên hòa giải viên tích cực tham gia công tác này.
- Thứ năm, về mức chi thù lao cho hòa giải viên, đề nghị cân nhắc quy định mức chi theo hệ số mức lương cơ sở để đảm bảo tính linh hoạt khi mức lương cơ sở thay đổi thì mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải cũng sẽ được điều chỉnh theo; quy định khung mức chi thù lao căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc tiến hành hòa giải; đưa ra tiêu chí cụ thể trong từng khung mức thù lao để phù hợp với từng tính chất vụ việc hòa giải (phức tạp hay không phức tạp); phân định mức chi giữa hòa giải thành và hòa giải không thành để khuyến khích hòa giải thành, phù hợp với thực tiễn ở nhiều địa phương. Ví dụ: Quy định mức chi thù lao có hệ số 0,3 lần mức lương cơ sở đối với hòa giải vụ, việc đơn giản (liên quan dưới 03 người và hòa giải dưới 03 lần); 0,5 lần mức lương cơ sở đối với hòa giải vụ, việc phức tạp (liên quan từ 03 người trở lên và hòa giải từ 03 lần trở lên).
- Thứ sáu, rà soát một số nội dung chi, mức chi đảm bảo thống nhất với các văn bản khác; bổ sung nội dung chi, mức chi của một số nhiệm vụ trong công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới hiện nay như: chi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở; chi hỗ trợ xây dựng, hoạt động các mô hình Tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc; chi cho người tham gia hòa giải; chi khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở...; bổ sung một số nội dung chi về tổ chức hội nghị trực tuyến, xây dựng tài liệu điện tử, số hóa tài liệu...tương tự như đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014.
- Thứ bảy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách tài chính cụ thể về huy động nguồn lực hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở nhằm khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa công tác hòa giải ở cơ sở (quy định chế độ ưu đãi cụ thể cho tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở, như: được ưu tiên tham gia trong đấu thầu, cung cấp dịch vụ công do nhà nước đặt hàng; được nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân cơ quan trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ cho tổ hòa giải và hòa giải viên…).
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chung, thống nhất về các giấy tờ, chứng từ thanh toán kinh phí hỗ trợ hòa giải viên/tổ hòa giải theo hướng đơn giản hóa như: thanh toán khoán đối với chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải, không yêu cầu các giấy tờ khác[6] ngoài giấy tờ quy định tại Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở./.
Nguyễn Kim Thoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] 05 tỉnh áp dụng trực tiếp Thông tư liên tịch 100 gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thái Nguyên.
[2] Tỉnh Bắc Ninh, Bình Định, Hậu Giang, Kiên Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế.
[3] Tỉnh Bến Tre, Lạng Sơn, Tiền Giang, thành phố Hà Nội.
[4] Theo Báo cáo số 265/BC-BTP  ngày 27/9/2019 đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
[5] Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm…”.
[6] Thực tế khi thanh toán các khoản hỗ trợ cho hoạt động của Tổ hòa giải và chi thù lao cho hòa giải viên thực hiện hòa giải, nhiều địa phương phản ánh, kế toán tài chính cấp xã yêu cầu phải cung cấp biên bản hòa giải, đơn yêu cầu hòa giải… Trong khi đó việc lập biên bản hòa giải thực hiện theo yêu cầu của các bên mâu thuẫn, tranh chấp được quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 10 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP; nếu họ không đồng ý lập văn bản hòa giải thì họ sẽ không ký biên bản hòa giải do hòa giải viên lập. Đối với đơn yêu cầu hòa giải chỉ là một trong ba căn cứ để hòa giải viên tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở (bởi hòa giải viên còn tiến hành hòa giải khi chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải hoặc theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan).