Đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN và một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết

Ngày 20/6/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo quy định của Luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giữ vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở . Đồng thời, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo đó, trong công tác hòa giải ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm: Tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Cụ thể hóa các quy định này, ngày 18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở[1]. Bài viết này nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN đối với kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, nhận diện những hạn chế vướng mắc và đề xuất một số giải pháp khắc phục.
 I. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN
1.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp tham gia thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và đạt được những kết quả sau:
- Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Hằng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở[2]. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng văn bản triển khai thực hiện công tác hòa giải trong hệ thống của tổ chức mình.
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cùng cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở đến khu dân cư bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, phát hành tờ rơi, tờ gấp; đăng tải các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của địa phương; duy trì hoạt động của “nhóm nòng cốt”, “câu lạc bộ pháp luật”; đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (trong đó đề ra việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở); lồng ghép trong các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí đánh giá thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Qua đó đã nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó khuyến khích người dân sử dụng hòa giải ở cơ ở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống tại cộng đồng.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở
Hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở luôn được Ủy ban MTTQ các cấp chú trọng. Định kỳ hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép vào kiểm tra công tác dân chủ - pháp luật. Đồng thời Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp chủ trì tại một số tỉnh, thành phố.
- Sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở
Việc sơ kết, tổng kết thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở được Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện nghiêm túc[3]. Việc khen thưởng, động viên hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở và hội viên được Ủy ban MTTQ Việt Nam quan tâm chú trọng. Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam  đã trao 05 giải phụ cho hòa giải viên giỏi là cán bộ Mặt trận cơ sở xuất sắc nhất, hòa giải viên giỏi trẻ tuổi nhất, hòa giải viên giỏi cao tuổi nhất, hòa giải viên có kỹ năng xử lý tình huống hòa giải xuất sắc nhất, hòa giải viên vượt khó tại chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thức III do Bộ Tư pháp tổ chức.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên
Phát huy trách nhiệm trong việc chủ trì thành lập, kiện toàn tổ hòa giải, bầu hòa giải viên theo quy định của pháp luật, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tiến hành rà soát các tổ hòa giải trên địa bàn xã, phường, thị trấn, từ đó đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải cơ sở tại địa phương[4]. Việc rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thực hiện thường xuyên, kịp thời (nhất là giai đoạn năm 2018-2019 thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, một số xã, phường, thị trấn có sự chia tách hoặc sát nhập đơn vị thôn, tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố kịp thời tham mưu, triển khai thành lập mới hoặc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải) bảo đảm tổ hòa giải hoạt động liên tục, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư.
Những kết quả trên cho thấy Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở; những tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư đã được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế được đơn thư, khiếu nại vượt cấp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
II. MỘT SỐ HẠN CHẾ, VƯỚNG MẮC
Mặc dù vậy, qua 08 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nhất định:
- Một số địa phương, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa thường xuyên, thiếu chủ động, chưa chặt chẽ.
- Một số địa phương, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò nòng cốt của mình trong công tác hòa giải. Đặc biệt, trong việc bầu, công nhận hòa giải viên, dẫn đến lúng túng hoặc thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên. Cụ thể, có nơi, hòa giải viên chỉ do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu, công chức tư pháp - hộ tịch xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận mà không tổ chức họp nhân dân hoặc phát phiếu lấy ý kiến chủ hộ gia đình về việc bầu hòa giải viên, làm giảm tính dân chủ trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Theo phản ánh của các địa phương: Thủ tục bầu hòa giải viên được quy định tại Điều 12 tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN còn mang nặng tính hành chính và không khả thi trên thực tiễn. Cụ thể, Điều 12 quy định: Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận quyết định danh sách Tổ bầu hòa giải viên, lập danh sách những người dự kiến bầu làm hòa giải viên trong thời hạn 20 ngày, trước ngày dự kiến bầu hòa giải viên và phải công khai danh sách này trong thời hạn 07 ngày trước ngày bầu hòa giải viên...
Việc bầu hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp được tiến hành khi có trên 50% đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố trở lên tham dự hoặc bằng hình thức phát phiếu bầu đến các hộ gia đình trong thôn, Tổ dân phố.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức cuộc họp để bầu hòa giải viên ít được cộng đồng dân cư quan tâm, do đó thường không đủ trên 50% đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố trở lên tham dự. Vì vậy, các địa phương thường ghép chung việc bầu hòa giải viên thực hiện cùng với việc bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Trong khi đó, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm việc theo nhiệm kỳ còn nhân sự của Tổ hòa giải lại thường xuyên biến động (hòa giải viên xin thôi làm hòa giải viên), vì vậy, việc kiện toàn đôi khi không được kịp thời.
Việc bầu hòa giải viên bằng hình thức phát phiếu bầu đến các hộ gia đình trong thôn, Tổ dân phố cũng gặp nhiều khó khăn do không gặp được đại diện hộ gia đình, dẫn đến thành viên tổ bầu hòa giải viên phải đi lại nhiều lần để phát phiếu bầu và thu nhận lại phiếu bầu (điều này càng khó khăn hơn đối với địa bàn miền núi do dân cư thưa thớt, việc đi lại mất rất nhiều thời gian).
- Theo báo cáo của các địa phương, hòa giải viên đa số là Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên...). Nhiều địa phương phản ánh, người dân quan niệm hòa giải ở cơ sở là việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”  nên họ không tham gia hoạt động này, do đó, các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố phải đề cử (thậm chí là chỉ định) hội viên của tổ chức mình tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
III. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trên, tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, đề xuất Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
1. Tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN theo hướng sau:
- Xác định rõ nhiệm vụ phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
- Xác định các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan trong triển khai các nội dung phối hợp tại Nghị quyết liên tịch.
- Sửa đổi quy định về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN theo hướng đơn giản hơn, phù hợp với thực tế, bảo đảm khách quan, tránh việc hành chính hóa quy trình bầu, công nhận hòa giải viên để việc bầu hòa giải viên thực hiện theo đúng bản chất của tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân[5], đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
2. Phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Ủy ban MTTQ các cấp cần tăng cường truyền thông về pháp luật hòa giải ở cơ sở trong hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt Ủy ban MTTQ các cấp cần có những hoạt động thiết thực để gắn việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác hòa giải ở cơ sở; nghiên cứu xây dựng mô hình tổ hòa giải tiêu biểu, hòa giải viên điển hình để hướng dẫn nhân rộng; định kỳ khen thưởng hòa giải viên, tổ hòa giải có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở[6].
- Phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
- Phối hợp tiến hành tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở nếu thấy cần thiết.
- Phối hợp tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc, định kỳ 05 năm/lần.

Nguyễn Thị Quế 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
  2. Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
  3. Báo cáo số 108/BC-MTTW-BTT ngày 11/3/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
  4. Báo cáo số 729/BC-MTTW-BTT ngày 08/4/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
  5. Báo cáo số 612/BC-MTTW-BTT ngày 22/12/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
 
[1] Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2015.
[2] Hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở lồng ghép chung trong Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham gia hòa giải ở cơ sở; phối hợp đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cụ thể, Kế hoạch số 392/KH-MTTW-BTT ngày 10/01/2022; Kế hoạch số 244/KH--MTTW-BTT ngày 08/01/2021; Kế hoạch số 66/KH--MTTW-BTT ngày 07/01/2020...
[3] Báo cáo số 729/BC-MTTW-BTT ngày 08/4/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
[4] Bao gồm, đề xuất số lượng tổ hòa giải cần thành lập mới, các tổ hòa giải phải củng cố, kiện toàn; các trường hợp cho thôi hòa giải viên; dự kiến số lượng bổ sung hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải.
[5] Khoản 5 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở.
[6] Hiện nay, việc nghiên cứu xây dựng mô hình tổ hòa giải tiêu biểu, hòa giải viên điển hình và hướng dẫn nhân rộng và khen thưởng hòa giải viên, tổ hòa giải có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở hầu hết đều do cơ quan tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân hướng dẫn, thực hiện khen thưởng. Chưa thấy địa phương báo cáo việc khen thưởng hòa giải viên, tổ hòa giải được Ủy ban MTTQ tặng khen, biểu dương.