Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng đề án, kế hoạch và các văn bản về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên

I. Đặt vấn đề
Xây dựng kế hoạch, đề án, văn bản thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung và cho thanh, thiếu niên nói riêng nhằm tạo cơ sở triển khai các hoạt động, nhiệm vụ và đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế của công tác này trên thực tế. Quá trình xây dựng kế hoạch, đề án giúp các cơ quan, tổ chức, địa phương xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ, nguồn lực và giải pháp thực hiện phù hợp với yêu cầu của công tác PBGDPL trong từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể. Cần xác định Đề án, kế hoạch về PBGDPL cho thanh, thiếu niên là khâu đầu tiên của hoạt động PBGDPL, là cơ sở để tổ chức triển khai hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên một cách khoa học, hiệu quả. Kế hoạch, đề án, văn bản được ban hành trong đó xác định cụ thể đối tượng, nội dung, hình thức, biện pháp, tiến độ, phân công trách nhiệm, kinh phí thực hiện, giúp cho cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện, có thể lồng ghép, kết hợp với các hoạt động, nhiệm vụ phù hợp khác, nhất là khi nguồn lực kinh phí còn khó khăn.
Đề án, kế hoạch có vai trò quan trọng đối với công tác PBGDPL nói chung, công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng, góp phần thực hiện chức năng quản lý nhà nước và là cơ sở để thúc đẩy công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra, cụ thể:
- Với việc xác định rõ đối tượng, nội dung, hình thức, biện pháp, tiến độ và phân công thực hiện cụ thể, việc xây dựng Đề án, kế hoạch PBGDPL cho thanh, thiếu niên góp phần triển khai công tác này được thường xuyên, liên tục, có lộ trình, định hướng nhất định.
- Tạo sự chủ động và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
- Giảm sự chồng chéo, khó theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ, chất lượng, hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ và góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực được giao bởi trong Đề án, kế hoạch đã xác định mục tiêu, hoạt động, phương thức thực hiện cụ thể.
- Là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ thể thực hiện công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
II.  Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng đề án, kế hoạch, văn bản thực hiện công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên
Thời gian qua, công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên đã, đang được các ngành, các cấp quan tâm và triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin. Các cơ quan, đơn vị khi triển khai công tác PBGDPL trước hết cần chú trọng tới việc xây dựng kế hoạch, đề án, văn bản. Để nhiệm vụ này được hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cơ quan, đơn vị chủ trì bảo đảm nguồn lực tương xứng để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đồng thời có những giải pháp cụ thể, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn, từng năm.
Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy việc xây dựng các đề án, kế hoạch về công tác PBGDPL trong thời gian đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các nhiệm vụ và nội dung của đề án, kế hoạch còn chung chung, chưa chú trọng gắn với đặc thù, thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là ở địa phương, có nơi, có lúc xây dựng, ban hành kế hoạch mang tính hình thức, ban hành kế hoạch để phục vụ chấm điểm, đánh giá thi đua; khó đánh giá trách nhiệm của cơ quan, địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PBGDPL. Với vị trí, vai trò của Đề án, kế hoạch đối với công tác PBGDPL, trong thời gian tới các cơ quan, địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các đề án, kế hoạch công tác PBGDPL. Trong đó chú trọng một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch, đề án về PBGDPL. Từ thực tiễn cho thấy, do đòi hỏi của yêu cầu và nhiệm vụ, nên các đề án, kế hoạch, văn bản PBGDPL được xây dựng ngày càng nhiều, điều đó thể hiện nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức công tác PBGDPL được nâng cao, góp phần triển khai công tác PBGDPL được bài bản, chủ động, hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, cách tiếp cận xây dựng đề án, kế hoạch theo hướng có trọng tâm, có điểm nhấn, trong đó các nội dung và nhiệm vụ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác PBGDPL tại cơ quan, địa phương, gắn với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Về phương pháp, cần huy động ý kiến, trí tuệ của các chuyên gia và tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong xây dựng kế hoạch, đề án, qua đó khắc phục tính hình thức, sự trùng lắp, chồng chéo về đối tượng, nội dung và các nhiệm vụ.
Thứ hai, bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên và gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. Nhiều văn bản, văn kiện quan trọng nhấn mạnh đến vai trò chủ nhân tương lai của đất nước của lực lượng này. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Thông qua các Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Trẻ em năm 2016, Nhà nước đã tạo cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý triển khai công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Nhiều chương trình, đề án có liên quan đến thanh, thiếu niên hiện nay như Quyết định 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021–2030, Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”...
          Những văn bản nêu trên là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để triển khai công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Do đó, các cơ quan, đơn vị khi xây dựng kế hoạch, đề án PBGDPL, phải bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về PBGDPL cho thanh, thiếu niên, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ. Bên cạnh đó chú trọng gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với giáo dục pháp luật, bảo đảm đổi mới toàn diện công tác giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên nói riêng.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch, đề án, văn bản phải xuất phát từ thực trạng công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên và nhu cầu thông tin, pháp luật của thanh, thiếu niên
Để xây dựng đề án, kế hoạch PBGDPL cho thanh, thiếu niên khả thi, hiệu quả, các nội dung về mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch, đề án phải xuất phát từ thực tế đời sống, đặc biệt là nhu cầu thông tin, pháp luật của thanh, thiếu niên. Muốn vậy, căn cứ vào quy mô, phạm vi, đối tượng hướng tới và nguồn lực thực hiện, cơ quan, đơn vị cần có khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng nhận thức và nhu cầu thông tin, pháp luật của thanh, thiếu niên. Thay vì thông tin, phổ biến pháp luật theo hướng áp đặt nội dung, kiến thức từ một phía, hiệu quả PBGDPL sẽ cao hơn nhiều khi thông tin, kiến thức được đối tượng đón nhận tích cực, bởi đó là những thông tin, pháp luật thiết thực mà họ đang mong muốn.
Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác PBGDPL giúp cơ quan, đơn vị nắm bắt, xác định trúng, đúng nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng. Có thể cùng thanh, thiếu niên, nhưng thanh, thiếu niên đô thị, thành phố có nhu cầu khác với thanh, thiếu niên nông thôn. Hoặc thanh, thiếu niên trong quân đội cũng có nhu cầu thông tin, pháp luật không giống thanh, thiếu niên tự do tại địa bàn cư trú; thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên sẽ có nhận thức, hiểu biết và nhu cầu khác so với thanh, thiếu niên là công nhân đang lao động trong doanh nghiệp... Từ nhu cầu đó, trong quá trình xây dựng đề án, kế hoạch giúp cơ quan, đơn vị xác định nội dung, hình thức, hoạt động thích hợp với đối tượng hướng tới.
Thứ tư, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực, nhất là kinh phí; phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án
Đề án, kế hoạch cần phải được thiết kế, xây dựng cụ thể, chi tiết với mục tiêu, phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động, tiến độ thực hiện cũng như trách nhiệm, nguồn lực tổ chức thực hiện. Đề án, kế hoạch càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên bấy nhiêu.
Xác định nhiệm vụ, hoạt động trong kế hoạch phải bảo đảm khả thi, dựa trên nguồn lực thực có để thực hiện. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng Internet, các hình thức, hoạt động PBGDPL theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin rất phù hợp với thanh, thiếu niên, có thể tạo sức lan tỏa sâu rộng và tiết kiệm được kinh phí, do đó trong các kế hoạch, đề án, việc xác định và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cho thanh, thiếu niên giai đoạn hiện nay và thời gian tới là cần thiết, thông qua các tin tức, infographic đăng tải trên mạng xã hội (zalo, facebook...); tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật....
Thứ năm, lựa chọn các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL cho thanh thiếu niên và định hướng xây dựng, nhân rộng khi ban hành kế hoạch, đề án
Qua tổng kết Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cho thấy có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL mà các cơ quan, địa phương khi xây dựng kế hoạch, đề án PBGDPL cho thanh thiếu niên có thể chắt lọc, định hướng xây dựng, nhân rộng tại cơ sở. Từ đó giúp triển khai công tác PBGDPL hướng về cơ sở, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thanh thiếu niên tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm thanh thiếu niên./.
Lê Nguyên Thảo 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật