Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 407, Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án đã tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Đề án 407 trên cả nước (Báo cáo số 361/BC-BTP ngày 10/11/2023).
Về cơ bản hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác này đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; gắn kết việc triển khai thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với xây dựng, hoàn thiện VBQPPL và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương.
Qua theo dõi tình hình thực tế cũng như kết quả báo cáo việc thực hiện cho thấy, bước đầu Đề án đã tạo lập cơ chế thống nhất trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; trong đó vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được phát huy; vai trò chủ động cung cấp thông tin phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được tăng cường. Các cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách như: xây dựng nội dung, tài liệu truyền thông dự thảo chính sách để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông hoặc tổ chức hội thảo, diễn đàn, đối thoại về dự thảo chính sách pháp luật; xác định địa chỉ, đầu mối phối hợp, cung cấp nội dung truyền thông dự thảo chính sách. Nhiều hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã được tổ chức với hình thức phong phú, đa dạng; đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và luật sư, luật gia, nhà khoa học tham gia góp ý, phản biện dự thảo chính sách. Chính vì vậy, các dự thảo chính sách đã dần đến được đối tượng tác động nói riêng, người dân và doanh nghiệp nói chung, góp phần vào việc công khai, minh bạch nội dung dự thảo. Việc triển khai Đề án 407 ở các bộ, ngành, địa phương đã thúc đẩy công tác truyền thông dự thảo chính sách, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành VBQPPL và tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành.
1. Những kết quả tích cực đã đạt được
- Tổ chức quán triệt, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL:
Công tác tổ chức quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 407 đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Năm 2022, đã có 13 bộ, ngành ban hành Kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; 62 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch, 24 tỉnh, thành phố đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Năm 2023, việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án cơ bản đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ban hành kế hoạch, công văn triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch PBGDPL của bộ, ngành, địa phương. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL riêng như: Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đài Truyền hình Việt Nam, Hà Nội, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Dương, Lào Cai, Thái Bình, Long An, Bình Thuận, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đà Nẵng, Bình Phước, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình.
- Xây dựng, đăng tải các tài liệu truyền thông dự thảo chính sách:
Để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, một số cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đã xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách như: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sản xuất các ấn phẩm truyền thông (phim, phóng sự, tọa đàm, infographic…) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức sản xuất phim, phóng sự, tài liệu truyền thông về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới. Bộ Nội vụ đã xây dựng video clip phỏng vấn các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia để đăng tải trên Tạp chí giấy và Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước, Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ và cung cấp cho báo chí tài liệu truyền thông về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
- Tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, họp báo về dự thảo chính sách
Đa số các bộ, ngành, địa phương tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm tổ chức lấy ý kiến và truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, tiêu biểu như: Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Một số Luật còn được truyền thông bằng hình thức họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách như: dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi (Ngân hàng nhà nước), dự thảo Luật Giá sửa đổi (Bộ Tài chính); dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Bộ Quốc phòng)… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành còn tổ chức tham vấn, diễn đàn đối thoại về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Bộ Nội vụ); dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Công an các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Kon Tum, Nam Định, Tiền Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa (tổ chức các hội thảo, hội nghị thông tin, truyền thông và lấy ý kiến về các dự án Luật do Bộ công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV)…
- Truyền thông dự thảo chính sách thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang Thông tin điện tử và mạng xã hội:
Việc tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được Lãnh đạo một số bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện với nhiều thể loại phong phú như: tin, bài, phóng sự, tọa đàm giao lưu, các chương trình chuyên đề về pháp luật, lồng ghép trong các chuyên mục, chương trình tổng hợp đưa tin, phản ánh, phân tích – bình luận sâu, tiêu biểu như: (i) Bộ Tư pháp phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử VTV News, Báo Pháp luật Việt Nam… xây dựng các tọa đàm giao lưu, các tin, bài viết truyền thông về một số dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật Đấu giá tài sản, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản; (ii) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, vận hành Chuyên mục “Tuyên truyền sửa đổi Luật Đất đai” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Báo Tuổi trẻ… thực hiện các tin, bài viết, các chương trình, tọa đàm truyền thông các dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi); (iii) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các chương trình truyền hình truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL do Bộ chủ trì soạn thảo; (iv) Tòa án nhân dân tối cao tổ chức truyền thông trên Tạp chí Toà án nhân dân điện tử (chuyên mục Nghiên cứu – xây dựng pháp luật; Thời sự) các dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi); (v) Bộ Công Thương phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Công Thương, Báo Công Thương tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến; đăng tải, phát sóng các phóng sự truyền thông về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Các Sở, ngành, đoàn thể địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương thực hiện truyền thông dự thảo chính sách đến người dân trên địa bàn; đăng tải các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL của trung ương và địa phương trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp, của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các sở, ngành như: Chuyên mục “Góc nhìn” (Trang TTĐT Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố Hà Nội); chuyên mục “Lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn bản (Trang TTĐT PBGDPL Vĩnh Long); Chuyên mục “Truyền thông dự thảo chính sách” trên Trang TTĐT PBGDPL tỉnh Kon Tum; chú trọng truyền thông trên mạng xã hội (zalo, fanpage, facebook) nhằm tạo kênh thông tin, truyền thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả về các dự thảo chính sách đang được tổ chức lấy ý kiến.
- Thực hiện truyền thông dự thảo chính sách thông qua nhiều hình thức hiệu quả khác:
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, luật gia, luật sư, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc các tôn giáo… để truyền thông và lấy ý kiến về dự thảo Luật này. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số địa phương còn tổ chức các hội nghị phản biện đối với các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như: Phú Thọ, Đồng Nai…
Tại Đắk Nông và tỉnh Đồng Tháp, việc truyền thông dự thảo chính sách được lồng ghép vào hoạt động của 117 Hội quán, 101 câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Nghệ An (niêm yết dự thảo VBQPPL tại nhà văn hóa các thôn); Tuyên Quang (in 3.392 cuốn tài liệu truyền thông về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp phát đến các đại biểu dự Hội nghị lấy ý kiến và gửi đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để truyền thông và lấy ý kiến).
- Sự tham gia của các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác truyền thông dự thảo chính sách:
Ngay sau khi Đề án 407 được ban hành, các cơ quan thông tin báo chí chủ lực như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… đã chỉ đạo, quán triệt, triển khai công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội gắn với việc thực hiện hiệu quả Đề án. Công tác truyền thông dự thảo chính sách đã được các cơ quan thông tin, báo chí triển khai với nhiều hình thức phong phú như: tin, phóng sự thời sự, chương trình chuyên đề về pháp luật; lồng ghép trong các chuyên mục, chương trình tổng hợp với đa dạng hình thức truyền tải (như phản ánh, phân tích, bình luận chuyên sâu, phổ biến kiến thức, giải đáp pháp luật...) như:
(i) Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã mở chuyên trang riêng về “Xây dựng chính sách, pháp luật” với nhiều tin bài phong phú, đa dạng, cập nhật thông tin về nội dung, quá trình tổ chức lấy ý kiến cũng như các ý kiến góp ý cụ thể của người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách, pháp luật.
(ii) Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức các nhóm phóng viên chuyên theo dõi và thực hiện truyền thông dự thảo chính sách với nhiều hướng tiếp cận để thông tin như: thông tin về nội dung dự thảo luật; bám sát nghị trường Quốc hội để phỏng vấn, lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các dự thảo luật; cập nhật kịp thời về công tác lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân đối với các dự thảo luật, đến khi ban hành. Đài cũng thường xuyên truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận của Quốc hội về các dự án Luật, các phiên họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật...; đồng thời thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông trên các trang mạng xã hội thu hút số lượng lớn người tiếp cận. Trong giai đoạn cao điểm truyền thông, trung bình mỗi ngày Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện 2-3 tin/phóng sự về góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong các Bản tin Thời sự 19h, Bản tin Tài chính Kinh doanh (VTV1) và bản tin Thời sự 21h (phát sóng trên kênh VTV4). Đài cũng đã mở chuyên mục Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều tin/phóng sự thông tin, cập nhật đậm nét về nội dung này. Ngoài ra còn có hơn 50 chương trình chuyên sâu về Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong các chuyên mục và chương trình Tọa đàm trên kênh VTV1. Đặc biệt, chuyên mục Quốc hội với cử tri đã thực hiện hàng chục chương trình truyền thông chính sách, pháp luật, từ quá trình xây dựng VBQPPL đến khi được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng thực hiện các tin, bài, chương trình truyền thông về các dự thảo: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng triển khai truyền thông dự thảo chính sách với nhiều hình thức đa dạng trên Báo điện tử VTV News, OTT VTVGo và hệ thống các kênh/ trang mạng xã hội của Đài thu hút hàng chục ngàn lượt xem trong và ngoài nước.
(iii) Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông thông qua các tuyến tin, bài đối với những chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khi dự thảo, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có nhiều ý kiến khác nhau. Đài đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua các chương trình, chuyên mục: “Thời sự”; “Theo dòng thời sự”; “ Xây dựng Đảng”; “Quốc hội với cử tri”; “Chính phủ với người dân”; “Pháp luật và đời sống”; “Chuyên gia của bạn”; “ Đối thoại”; “Diễn đàn chủ nhật”; “Câu chuyện thời sự”; “Sự kiện và bàn luận”; “Tiêu điểm VOV1”. Ngoài ra, Kênh Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm về các vấn đề có liên quan đến các dự thảo chính sách mà thính giả quan tâm như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Đầu tư, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... Tại các Kỳ họp Quốc hội, Kênh Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam đều tổ chức tường thuật trực tiếp các phiên thảo luận về quá trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, các phiên giải trình của các bộ, ngành về những vấn đề mà người dân đang quan tâm, bức xúc.
(iv) Thông tấn xã Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách, VBQPPL thực hiện các chương trình truyền thông. Cụ thể, các Ban biên tập tin nguồn, các báo, bản tin, kênh truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam đã duy trì đều đặn các chuyên mục: “Chính sách”; “Chính sách và cuộc sống”; chuyên trang thông tin: chinhsachcuocsong.ttxvn.vn trên Cổng Thông tin của Thông tấn xã Việt Nam… với gần 3.000 tin, bài, ảnh thông tin kịp thời, đậm nét các dự thảo chính sách về những vấn đề dự luận quan tâm, tạo dòng thông tin tích cực về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tuần tin tức và Báo Tin tức điện tử (baotintuc.vn) bên cạnh việc cập nhật các văn bản pháp luật mới, còn có nhiều bài viết chuyên sâu về dự thảo chính sách để thông tin kịp thời đến đông đảo bạn đọc về tình hình xây dựng và hoàn thiện pháp luật thông qua các chuyên mục “Pháp luật; “Vấn đề hôm nay”; “Góc nhìn”… Thông tin về dự thảo chính sách cũng được các đơn vị thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam như Báo Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, Vietnam News cập nhật, đăng tải liên tục với nhiều tin, bài phỏng vấn chuyên sâu, tin ảnh, video trên các chuyên mục “Talking Law”; “Legal Advisor”… nhằm hướng tới các đối tượng là người nước ngoài quan tâm tìm hiểu chính sách, pháp luật của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
(iv) Tại Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã xây dựng, vận hành Chuyên mục “Truyền thông chính sách” trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, trong đó đã đăng tải nhiều tin, bài, ảnh truyền thông về các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL đang trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; các hoạt động thẩm định dự thảo đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp… nhằm thông tin kịp thời dự thảo chính sách, tình hình xây dựng pháp luật cũng như đánh giá thực thi chính sách, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo VBQPPL, nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực của bạn đọc. Bên cạnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Văn phòng Bộ, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật…) trong xây dựng nhiều chương trình, tọa đàm giao lưu (talkshow) giữa các khách mời là đại diện các đơn vị chủ trì soạn thảo, các đơn vị tham mưu thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính của Bộ Tư pháp trong truyền thông các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…
- Về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL:
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức xây dựng Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Tài liệu được xây dựng để các bộ, ngành, địa phương sử dụng trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; trang bị cho đội ngũ công chức pháp chế các bộ, ngành trung ương, địa phương, báo cáo viên pháp luật và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách để áp dụng trong quá trình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật. Ngày 17/7/2023, Bộ Tư pháp đã chính thức đăng tải Tài liệu trên Trang Thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để phục vụ các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn về một số kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật trung ương vào tháng 12/2022; tổ chức hội nghị điểm tập huấn cho báo cáo viên pháp luật các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (ngày 17/10/2023) và miền Nam trong tháng 11/2023. Đồng thời, trong năm 2022, 2023, Bộ Tư pháp đã cử báo cáo viên pháp luật trung ương để hỗ trợ các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt, triển khai các nhiệm vụ của Đề án và hướng dẫn áp dụng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách.
Tại địa phương, việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các Sở, ngành, phóng viên, biên tập viên đã được quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai.
- Về kinh phí triển khai thực hiện hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL:
Theo báo cáo chưa đầy đủ, chỉ một số địa phương bố trí được kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách trong nguồn chi cho hoạt động PBGDPL năm 2023 như: Hà Nội; Lai Châu; Đắk Lắk; Thanh Hóa; Quảng Ninh; Thái Bình; Quảng Ngãi; Kon Tum; Cà Mau; Quảng Nam. Hầu hết các các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều chưa được bố trí nguồn kinh phí riêng mà sử dụng nguồn kinh phí hoạt động chung của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ này.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế sau đây:
- Một số cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL chưa thực sự quan tâm thực hiện việc truyền thông dự thảo; chưa xây dựng kế hoạch, tài liệu truyền thông dự thảo chính sách. Các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ yếu lấy ý kiến người dân theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Việc truyền thông một số dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL chưa đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn.
- Việc truyền thông dự thảo chính sách chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị lấy ý kiến. Việc giải trình ý kiến ở một số dự thảo VBQPPL còn mang tính hình thức, chưa công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
- Việc truyền thông dự thảo chính sách thông qua các mạng xã hội gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.
- Việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác truyền thông dự thảo chính sách chưa được thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Công chức/bộ phận được giao phụ trách truyền thông dự thảo chính sách đôi lúc còn thụ động trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện truyền thông.
- Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL với các cơ quan thông tin, báo chí chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động, có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách. Công tác quản lý, định hướng, xử lý thông tin truyền thông có lúc chưa kịp thời.
- Các cơ quan thông tin, báo chí tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách chưa đồng đều. Một số cơ quan thông tin, báo chí truyền thông dự thảo chính sách chưa thường xuyên, hình thức chưa đa dạng.
- Việc công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý nhận được từ hoạt động truyền thông nhiều dự thảo chính sách, nhất là góp ý trái chiều chưa được các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL quan tâm, thực hiện.
- Kinh phí cho truyền thông dự thảo chính sách chưa được nhiều bộ, ngành, địa phương bố trí hoặc còn rất hạn hẹp, chưa có kinh phí riêng cho công tác này nên các bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên. Việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia tổ chức các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa nhiều.
Nguyên nhân
- Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông dự thảo chính sách trong quá trình soạn thảo VBQPPL. Do vậy, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nên vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc thực hiện Đề án.
- Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định phải thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, chỉ quy định về lấy ý kiến đóng góp thông qua đăng tải dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử. Từ đó, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL chưa thực sự quan tâm đến công tác này.
- Truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ mới, nhạy cảm, do đó một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong truyền thông theo Đề án 407.
- Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thông dự thảo chính sách còn thiếu về số lượng. Kinh nghiệm, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách chưa đồng đều, nhất là trong cung cấp, xử lý thông tin báo chí của cán bộ tham mưu về truyền thông tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác.
- Còn tâm lý ngại cung cấp thông tin về dự thảo chính sách trong quá trình soạn thảo, dẫn đến nhiều cơ quan thông tin, báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để tham gia truyền thông.
3. Nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, đồng thời xác định đây là trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL.
Hai là, phát huy vai trò của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và truyền thông dự thảo chính sách pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực mình.
Ba là, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL bên cạnh việc ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần đồng thời ban hành kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hoặc bổ sung nhiệm vụ về truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật vào kế hoạch xây dựng VBQPPL.
Bốn là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương; báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, sở, ngành địa phương; tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Đề án 407.
Năm là, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật như luật sư, luật gia, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.
Sáu là, tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Bảy là, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, chú trọng xây dựng tài liệu dự thảo truyền thông chính sách pháp luật ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu; tổ chức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; thông qua các thiết chế văn hóa tại cơ sở... Cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, nắm bắt, ghi nhận phản ảnh, kiến nghị của cử tri, Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về quá trình xây dựng, thực thi chính sách pháp luật.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ: (i) Giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. (ii) Đưa việc đánh giá tình hình triển khai truyền thông dự thảo chính sách là một trong các nội dung của Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này. (iii) Giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu bổ sung báo cáo hoạt động truyền thông dự thảo chính sách vào thành phần hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL đối với dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội (khi sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến ban hành VBQPPL).
- Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: (i) Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao trong Đề án 407, nhất là ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hằng năm; bố trí kinh phí, con người thực hiện Đề án gắn với thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách. (ii) Để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, cần xác định và phân công rõ: Đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tham mưu công tác PBGDPL tại các bộ, cơ quan ngang bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án; đơn vị, tổ chức tham mưu xây dựng chính sách, soạn thảo VBQPPL có trách nhiệm chủ trì tổ chức truyền thông chính sách thuộc phạm vi Đề án. (iii) Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho công chức pháp chế, báo cáo viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương mình về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách. (iv) Định kỳ sơ kết, đánh giá các mô hình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả để các địa phương học tập, nghiên cứu, áp dụng tại địa phương mình.
- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông: (i) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin báo chí ở trung ương về kiến thức, kỹ năng xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau. (ii) Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách. (iii) Hướng dẫn, quy định về trách nhiệm, biện pháp quản lý về lập tài khoản, sử dụng tài khoản mạng xã hội của cơ quan, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội. (iv) Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khả thi cho việc thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
- Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách; đồng thời, hướng dẫn cơ chế thực hiện đặt hàng với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
- Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu quy định về sắp xếp, bố trí bộ phận chuyên trách, cán bộ tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.
- Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia góp ý, truyền thông, phản biện xã hội về dự thảo chính sách.
- Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL trong truyền thông dự thảo chính sách. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục riêng về truyền thông dự thảo chính sách./.
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật