Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407). Theo đó, Đề án 407 xác định mục tiêu: “Tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng trở thành môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lan truyền những tư tưởng phản động, thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta. Vì vậy, việc xây dựng các công cụ truyền thông chính sách, pháp luật trên không gian mạng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là cấp thiết.
Truyền thông trên không gian mạng được thực hiện trên nền tảng internet thông qua các công cụ truyền thông. Công cụ truyền thông trên không gian mạng mang đặc trưng thời đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: Website, Email, Blog, công cụ tìm kiếm (Google), các công cụ lưu trữ trực tuyến (Google Drive, Amazon Drive, Dropbox, MediaFire...), các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Yahoo, Twitter, Instagram, Zalo, Mocha...).
Có thể nói, truyền thông trên không gian mạng là yêu cầu tất yếu của hoạt động tuyên truyền hiện đại. Trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phổ biến, truyền thông chính sách, pháp luật cần có sự thích ứng kịp thời, cụ thể là:
Thứ nhất, đổi mới nhận thức về hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật thích ứng với những công cụ truyền thông trên không gian mạng.
Sự phát triển của các công cụ truyền thông mạng đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, tạo nên cuộc cách mạng về tiếp cận thông tin. Người dùng mạng vừa là đối tượng tiếp nhận, vừa là chủ thể cung cấp thông tin thông qua quá trình tương tác, chia sẻ, sản xuất thông tin. Do đó, người dùng mạng vừa chịu sự tác động của thông tin, vừa chủ động định hướng thông tin, thông tin cũng trở nên đa dạng, đa chiều, liên tục đổi mới và khó nắm bắt.
Trước thực tiễn vận động không ngừng của những dòng chảy thông tin với xu hướng biến đổi nhanh chóng, việc nhìn nhận, điều tra, khảo sát, đánh giá để nắm bắt dư luận xã hội trên không gian mạng phải vô cùng linh hoạt, chủ động, kịp thời, nhằm định hướng một cách hiệu quả những trào lưu tư tưởng, phát hiện và ngăn chặn những dấu hiệu, mầm mống tiêu cực, độc hại, phản động trong biển cả dữ liệu. Trên cơ sở nhận thức được tính chất của thông tin trên không gian mạng không phải là dòng chảy một chiều, đơn nhất, mà chiến lược đặt ra là phải củng cố, khẳng định giá trị bền vững của kết tinh tri thức nhân loại, như khẳng định tính khoa học, cách mạng, đúng đắn, tin cậy, thực tiễn, tính đổi mới của chính sách, pháp luật, đồng thời phát triển những yếu tố thông tin giá trị, có sức hấp dẫn, như những nội dung được phát triển mới trong nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin thời sự phản ánh những chính sách, chủ trương, sự kiện mới của đất nước, xã hội..., thu hút đông đảo mọi người truy cập, tương tác và chia sẻ.
Đặc điểm của thông tin truyền tải cũng cần có những đổi mới căn bản. Bên cạnh những đặc trưng cốt lõi của thông tin truyền thông, như tính chọn lọc, tính định hướng, tính tích cực, tính phê phán, tính đấu tranh với nội dung xác thực, độc đáo, hấp dẫn, thì thông tin cần bám sát đặc điểm tâm lý của người dùng mạng, đó là sự ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu, đúng chủ đề quan tâm. Do đó, những bài viết truyền thông về chính sách, pháp luật cũng cần súc tích, tránh trừu tượng hóa, luận chứng, luận cứ ngắn gọn nhưng thuyết phục, kết hợp với những nội dung đa phương tiện để dễ nhớ, dễ liên tưởng, dễ lan tỏa.
Thứ hai, xây dựng công cụ lọc và định hướng truyền thông chính sách, pháp luật trên không gian mạng.
Các nền tảng xã hội phổ biến hiện nay đã sử dụng công cụ truyền thông lọc xu hướng người dùng, trên cơ sở đó đưa ra gợi ý thông tin để định hướng. Nhiều quốc gia, đảng phái, tổ chức chính trị có thể tận dụng những công cụ này để giành lấy ưu thế dư luận trong nhiều hoạt động chính trị như vận động tranh cử, thu hút người ủng hộ, kết nạp thành viên hay thậm chí là những âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền; truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận xã hội... Trước thực tế ấy, nước ta cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển công cụ kỹ thuật gắn với công tác kiểm soát và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng.
Nắm bắt dư luận xã hội là một khâu trọng yếu trong hoạt động tuyên truyền. Tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng cần dựa trên việc nắm bắt dư luận trong quần chúng Nhân dân. Cách nắm bắt dư luận truyền thống đã không còn đáp ứng được yêu cầu của hiện tại, đó là đòi hỏi tính nhanh, nhạy, đa chiều, áp dụng thuật toán dữ liệu lớn trong môi trường thông tin mạng. Nguồn thông tin khổng lồ trên mạng chỉ có thể được nắm bắt, phân tích, dự báo thông qua công nghệ truyền thông hiện đại. Công nghệ dữ liệu lớn cùng những công cụ tìm kiếm, đánh giá “từ khóa” và xu hướng người dùng giúp cơ quan quản lý kiểm soát được những thông tin tốt, xấu, nguồn phát, phương thức lan tỏa, mức độ tương tác. Bằng “bộ lọc” của công cụ truyền thông mạng, chủ thể quản lý thông tin có thể nắm bắt được thái độ, tình cảm, xu hướng tư tưởng của “cư dân mạng”, từ đó theo dõi chặt chẽ những “điểm nóng”, sự ủng hộ hay phản đối của cộng đồng về những sự kiện, vấn đề, chính sách, pháp luật được số đông quan tâm. Một mặt, công cụ truyền thông mạng giúp nhanh chóng phát hiện, đánh giá và xử lý những tình huống phát sinh trên không gian mạng; mặt khác, những công cụ này đóng góp quan trọng vào việc dự báo xu hướng cũng như gợi ý những phương án định hướng thông tin dư luận.
Thứ ba, xây dựng hệ thống công cụ truyền thông chính sách, pháp luật trên không gian mạng trở thành “cánh tay nối dài” của báo chí chính thống.
Các công cụ truyền thông trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, tạo nên đặc trưng mới của hoạt động tương tác thông tin, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, biến công chúng trở thành những “phóng viên” hay những “tòa soạn cá nhân”. Các nền tảng mạng xã hội, như Facebook, YouTube, TikTok, Blog,... tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất tin, đóng vai trò như những cộng đồng hoạt động báo chí. Trước thực tiễn này, cơ quan quản lý cần biến công cụ mạng xã hội trở thành cánh tay nối dài của báo chí, tham gia vào hoạt động cung cấp thông tin chính thống về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở để chiếm lĩnh không gian mạng trong kiểm soát và định hướng thông tin.
Các cơ quan quản lý về thông tin cần giữ vững vai trò tiên phong trong mọi hoàn cảnh, tình huống phải là nguồn cung cấp thông tin chính thống nhanh chóng, chính xác, tạo uy tín và thương hiệu trên không gian mạng. Đặc biệt, đối với những thông tin nhạy cảm, phức tạp, nhiễu loạn nhưng là tâm điểm của dư luận thì cần có phản ứng kịp thời, chiếm lĩnh không gian truy cập và tìm kiếm, đưa ra những thông tin bản lề có tính xác nhận cho mọi sự kiện, mọi vụ việc, vấn đề chính sách, pháp luật để dư luận có cơ sở, căn cứ chính thống, khắc phục tình trạng người dùng mạng hoang mang không biết đâu là tin thật, tin giả, không biết phải phản ứng với thái độ và hành vi ra sao trong môi trường mạng xã hội.
Hệ thống truyền thông xã hội cũng cần có những hướng dẫn cụ thể cho người dùng mạng về những quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trên mạng phù hợp để bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng và đáp ứng những yêu cầu về an ninh tư tưởng trong bối cảnh mạng toàn cầu. Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin xấu, độc, xuyên tạc và phản động, tạo dư luận tiêu cực về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên môi trường internet, nên hoạt động truyền thông ngoài việc ngăn chặn sự xâm nhập của thông tin thù địch từ bên ngoài, còn cần chú trọng thu hút, tập hợp dư luận theo hướng tích cực và chính thống, giúp người dùng mạng nhận diện vấn đề, chính sách, pháp luật, không bị vướng vào những thủ đoạn lôi kéo, kích động khi tham gia mạng xã hội.
Thứ tư, tận dụng và phát huy vai trò công cụ truyền thông chính sách, pháp luật trên không gian mạng góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu thông qua công cụ truyền thông mạng xã hội để phát tán, xâm nhập vào đời sống tư tưởng của người dân. Không gian mạng trở thành trận địa tư tưởng khốc liệt nhất, các công cụ truyền thông trên không gian mạng trở thành vũ khí quan trọng nhất trên trận địa này. Việc xây dựng và triển khai những công cụ này cần được thực hiện bài bản và có chiến lược lâu dài.
Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội đều là lực lượng quan trọng trong việc sử dụng công cụ truyền thông trên không gian mạng. Những chủ thể này cần tận dụng những lợi thế riêng của mỗi nền tảng công nghệ, bao gồm việc thành lập các hệ thống trang tin, diễn đàn, hội nhóm, huy động đông đảo thành viên tạo nên những cộng đồng mạng liên kết chặt chẽ với nhau. Cơ quan quản lý thông tin cũng đồng thời là chủ thể và người vận hành, điều hướng những diễn đàn, cộng đồng này. Thành lập những nhóm chuyên trách đóng vai trò là quản trị, điều phối thông tin. Đông đảo thành viên tham gia các hoạt động truy cập, tương tác, chia sẻ, tăng cường mức độ ảnh hưởng của diễn đàn trong cộng đồng lớn, giúp thúc đẩy dòng thông tin chủ lưu, tích cực và chính thống.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên cần phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, tích cực đăng tải, chia sẻ những thông tin trung thực, chính thống lên các nền tảng mạng xã hội, góp thêm tiếng nói và sức nặng cho dòng thông tin chủ lưu về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tạo sức mạnh hiệp đồng để áp đảo những luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ và mang tính thù địch, gây rối. Cơ quan quản lý các cấp cũng cần bám sát những biến động về thông tin trong môi trường mạng xã hội, thường xuyên khuyến khích những người có uy tín và có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội tham gia vào hoạt động xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, cổ vũ cộng đồng hướng tới những giá trị tốt đẹp. Tiếng nói của những cá nhân uy tín (KOLs, Influencers, Vblogers, YouTubers...) và sức hút từ những diễn đàn của những website lớn là cầu nối quan trọng và hiệu quả dẫn dắt “cư dân mạng” tiếp cận gần hơn với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Có thể khẳng định, để góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, vũ khí sắc bén của người chiến sĩ không chỉ là ngòi bút thuần túy, mà đòi hỏi phải được trang bị thứ vũ khí của thời đại công nghệ, đó chính là các công cụ truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng. Những luận chứng, luận cứ sắc bén thông qua truyền thông xã hội sẽ được lan tỏa, nhân rộng lên bội phần, tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đẩy lùi, trấn áp mọi luận điệu sai trái, thù địch. Do đó, nhận thức và vận dụng một cách đúng đắn, khoa học những công cụ truyền thông chính sách, pháp luật trên không gian mạng sẽ góp phần tạo nên hiệu quả đột phá trong hoạt động truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ mới./.
Trần Văn Tùy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật