Hệ thống thông tin pháp luật của Hàn Quốc và một số đề xuất về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam

Hàn Quốc là một trong năm quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ thông tin , đang nỗ lực thiết lập mạng lưới công nghệ thông tin hiện đại để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó bao gồm việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin pháp luật. Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin và có nhiều nét tương đồng với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

1. Hệ thống thông tin pháp luật tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc chỉ tồn tại duy nhất Hệ thống thông tin pháp luật2. Đây là nguồn đăng tải các văn bản pháp luật chính thức của Hàn Quốc3. Các văn bản đăng tải trên Hệ thống thông tin pháp luật bao gồm: Văn bản luật đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua và các báo cáo liên quan đến quá trình thực thi văn bản luật đó. Người dân và các cơ quan báo chí có thể truy cập miễn phí và có quyền khai thác thông tin trên Hệ thống thông tin pháp luật. Hệ thống này chứa đựng tất cả các văn bản pháp luật do trung ương ban hành4 và được liên kết với Hệ thống thông tin về bản án, quyết định của Tòa án cũng như các cơ sở dữ liệu có liên quan. Đây cũng là nơi giải thích pháp luật của Quốc hội (giải thích bằng sơ đồ để người dân dễ tiếp cận, dễ tra cứu); đồng thời các văn bản liên quan sẽ được đưa ra so sánh về mức độ áp dụng.
Hàn Quốc rất chú trọng sự tương tác của người dân trên các hệ thống thông tin pháp luật, theo đó, khi đăng nhập vào Hệ thống thông tin pháp luật, người dân sẽ khai báo một số trường thông tin, trong đó có trường thông tin về lĩnh vực pháp luật quan tâm. Khi có những vấn đề pháp luật liên quan về lĩnh vực đó thì hệ thống sẽ chủ động gửi thông tin vào email của người dân như: văn bản luật mới được ban hành, bản án, quyết định của Tòa án, tình huống thực tiễn liên quan lĩnh vực đó... Hệ thống thông tin này cũng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về việc thi hành pháp luật và được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, nghiên cứu (về việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản luật mới thay thế). Người dân có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin pháp luật thông qua các Trang tìm kiếm. Tại Hàn Quốc, đa số người dân sử dụng trang Naver.com để tìm kiếm thông tin. Thông qua công cụ tìm kiếm, người dân có thể truy cập đến văn bản pháp luật trên Hệ thống thông tin pháp luật.
Trung tâm an ninh mạng của Chính phủ Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước ở trung ương. Tại mỗi cơ quan sẽ có Máy chủ (Server dữ liệu) và cơ quan đó bố trí nhân viên phụ trách bảo đảm an toàn cho Server này.
Cơ quan chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống thông tin pháp luật là Cơ quan pháp chế của Chính phủ. Hệ thống thông tin pháp luật tại Hàn Quốc do 01 doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng, vận hành, duy trì hoạt động theo sự đặt hàng của Nhà nước. Cơ quan pháp chế của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt việc vận hành, hoạt động của Hệ thống này. Ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của Hệ thống thông tin pháp luật.
Dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải để lấy ý kiến người dân trên Trang Web riêng (không thuộc Hệ thống thông tin pháp luật). Tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều phải đưa lên Trang Web này trong thời hạn 40 ngày. Hết thời hạn này, Cơ quan pháp chế sẽ đánh giá dự thảo văn bản pháp luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội, nếu chưa đáp ứng thì trả lại cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Việc xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trải qua nhiều giai đoạn (soạn thảo, lấy ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện…), mỗi giai đoạn đều phải đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang Web này. Khi dự thảo văn bản luật được trình Quốc hội sẽ tiếp tục được so sánh, đánh giá xem có mâu thuẫn với các đạo luật khác không; nếu có mâu thuẫn sẽ gửi trở lại cơ quan chủ trì soạn thảo. Tất cả quy trình này, người dân đều có thể theo dõi được trên Trang Web về dự thảo chính sách, pháp luật.
2. Khái quát về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam
Ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật5 được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2015 theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ. Theo đó, Cơ sở dữ liệu gồm 02 cơ sở dữ liệu thành phần: (i) Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước) và (ii) Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật được sử dụng chính thức trong việc quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật do Bộ Tư pháp chịu trách quản lý, vận hành; các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải văn bản pháp luật lên Cơ sở. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật được liên kết (link) đến Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Bên cạnh Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, rất nhiều Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng đăng tải văn bản quy phạm pháp luật (như: Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam6, Hệ thống văn bản của Chính phủ7, Hệ thống văn bản của Tòa án nhân dân tối cao8, Trang Văn bản trong ngành Kiểm sát thuộc Cổng Thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao[1], Bộ Pháp điển điện tử[2]... các Cổng Thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đều có Trang hoặc Chuyên mục đăng tải văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ và Bộ trưởng cơ quan đó ban hành). Ở địa phương, Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp và các sở, ngành đều có Chuyên mục đăng tải văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương. Để truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật đến người dân, tất cả các Cổng /Trang Thông tin điện tử của bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục các cấp, báo trung ương, báo địa phương và 63 Sở Tư pháp cũng như các sở, ngành ở địa phương đã đăng tải tài liệu dưới nhiều hình thức như tài liệu giới thiệu, phân tích, bình luận, hỏi đáp pháp luật, câu chuyện pháp luật, tiểu phẩm, video clip pháp luật, tờ gấp, infographic giới thiệu quy định pháp luật... Những hình thức này giúp người dân dễ dàng hiểu được quy định pháp luật gắn với thực tiễn đời sống.
Ngoài ra, các Trang Thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật cũng đăng tải văn bản quy phạm pháp luật (như: Thư viện pháp luật[3], Luật Việt Nam[4]...); các mạng xã hội (tik tok, zalo, facebook...) được các tổ chức, cá nhân sử dụng phổ biến quy định pháp luật (ví dụ Công ty luật, Văn phòng công chứng, văn phòng môi giới nhà đất... giới thiệu pháp luật để quảng cáo dịch vụ tư vấn pháp luật của họ).
Việc tra cứu, tìm kiếm thông tin pháp luật trên mạng internet chủ yếu được người dân sử dụng Ứng dụng Google.com. Các Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức cũng được trang bị công cụ tìm kiếm, tuy nhiên ít được người dân sử dụng.
Như vậy, ở nước ta đang có nhiều nguồn thông tin, dữ liệu về pháp luật. Trong đó, nguồn thông tin chính thống là Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước nhưng độ phổ biến chưa cao. Còn các nguồn thông tin khác không được kiểm duyệt và chưa bảo đảm tính chính xác lại khá phổ biến, một số dịch vụ của các nền tảng này có tính phí và đặc biệt là dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí trực tuyến hoặc miễn phí cuộc gọi để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Điều này dẫn đến người dân lúng túng trong việc xác thực thông tin, tìm kiếm nguồn thông tin chính xác làm căn cứ giải quyết vướng mắc pháp lý của mình.  
Việc truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều (trong đó cần lưu ý những chính sách, quy định tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nội dung chính sách được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách...). Qua việc truyền thông dự thảo chính sách góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực thi khi văn bản được ban hành, đồng thời nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách “từ sớm, từ xa”. Sau khi truyền thông, phải công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế[5].
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta cần được quan tâm thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo điều kiện cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, người dân tiếp cận, tương tác, đóng góp ý kiến về các chính sách.
Hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam
Các văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được đăng tải trên mạng internet do tính phổ thông rộng rãi, đến được đông đảo người dân, được lưu trữ lâu dài và thời gian sử dụng linh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân chưa có thói quen chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trên internet; cơ sở hạ tầng, thiết bị đầu cuối kết nối internet ở nhiều nơi trong nước chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi – nơi là “vùng trũng viễn thông”, “vùng lõm sóng”, chưa có sóng di động, chưa có mạng internet, wifi[6]. Có nhiều nền tảng xã hội, đơn vị, tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, thông tin pháp luật trên mạng internet dẫn đến việc khó kiểm soát về chất lượng, tính chính xác.
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số trong truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam
Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ và yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, việc chuyển đổi số trong truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam là tất yếu. Ở nước ta, tỷ lệ người dùng internet đạt gần 80%; số người dân dùng Zalo, TikTok, Facebook, YouTube, Twitter ở mức cao; 79% người dân sử dụng điện thoại di động[7]. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc về xây dựng và vận hành hệ thống thông tin pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, thông qua một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, người đứng đầu và toàn xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Để có thể thực hiện chủ trương Chính phủ số thì việc chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết, nhiệm vụ này trước hết phải xuất phát từ các cơ quan nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Sau đó cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nhiệm vụ này để từ đó thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ bị động sang chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Việc hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện để thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó cần lưu ý nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 với những quy định về phổ biến pháp luật trên môi trường số; xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân tham gia, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác phổ biến pháp luật.
Thứ ba, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Thời gian qua, việc đưa vào vận hành một số ứng dụng số cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin ở nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu: Không gian lưu trữ thấp, tốc độ chậm, hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn một số bất cập, thiếu tính đồng bộ, thiếu kết nối ... Do đó, để có thể xây dựng không gian số, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số nói chung và xây dựng môi trường số về truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, trước hết phải đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc vận hành các nền tảng số quốc gia.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng một Hệ thống thông tin pháp luật quốc gia thống nhất
Như đã phân tích các bất cập, hiện nay có nhiều cơ sở dữ liệu thông tin pháp luật, khiến người dân lúng túng, khó khăn trong việc xác định mức độ tin cậy của thông tin. Vì thế, Nhà nước cần cân nhắc xây dựng một Hệ thống thông tin pháp luật duy nhất để cung cấp tất cả các văn bản pháp luật (tương tự hệ thống thông tin pháp luật của Hàn Quốc). Hệ thống thông tin pháp luật quốc gia này có thể được phát triển từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Cơ quan giúp Chính phủ quản lý, vận hành hệ thống thông tin pháp luật quốc gia là Bộ Tư pháp. Hệ thống thông tin pháp luật cần được xây dựng và cập nhật nhiều loại dữ liệu như: Văn bản quy phạm pháp luật; tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật; video, infographic pháp luật, báo cáo thi hành pháp luật, hỏi đáp, tình huống vướng mắc phổ biến trong thi hành pháp luật... Hệ thống thông tin pháp luật quốc gia này cần có tính năng liên kết, tích hợp với hệ thống bản án của Tòa án, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ AI trên nền tảng thông tin pháp luật này, điển hình như Chat GPT, Gemini... để hỗ trợ người dân tìm kiếm, phân tích thông tin pháp luật một cách thông minh.
Thứ năm, xây dựng và phát triển ứng dụng phổ biến pháp luật trên điện thoại di động
Với 79% người dân sử dụng điện thoại di động như hiện nay, việc phát triển ứng dụng phổ biến pháp luật trên điện thoại di động để người dân có thể dễ dàng truy cập thông tin pháp luật mọi lúc, mọi nơi là hết sức cần thiết. Theo đó, Chính phủ có thể nghiên cứu để phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động là hệ thống thông tin pháp luật có tích hợp các tính năng tương tác như đặt câu hỏi, nhận tư vấn trực tuyến hoặc gửi ý kiến, tham gia góp ý cho các dự thảo chính sách pháp luật.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác phổ biến pháp luật
Một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu năng lực, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng chuyển đổi số thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng này để thay đổi tư duy, cách làm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó đổi mới và mang lại hiệu quả cao hơn.
Thứ bảy, tiếp tục sử dụng mạng xã hội để tăng cường công tác truyền thông pháp luật
Đến nay, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% dân số);  73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội[8]. Vì vậy, để có thể truyền thông pháp luật có hiệu quả thì việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội là cần thiết, tuy nhiên, cần có các biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, ngăn chặn hiện tượng làm sai lệch thông tin, gây nhiễu thông tin trên mạng xã hội./.
Nguyễn Thị Quế
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

3 Hệ thống thông tin pháp luật chỉ cung cấp các văn bản pháp luật do trung ương ban hành (không đăng tải văn bản của địa phương). Văn bản của chính quyền địa phương sẽ đăng tải trên Trang Web của địa phương.
4 Báo cáo do cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật xây dựng. Người dân cần tìm hiểu chi tiết các quy định thì sẽ đọc báo cáo.
6 https://vietlaw.quochoi.vn. Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam do Văn phòng Quốc hội quản lý, vận hành.
7 https://vanban.chinhphu.vn Hệ thống văn bản của Chính phủ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ quản lý, vận hành.
8 https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/home do Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao quản lý, vận hành.
[1] https://vksndtc.gov.vn/van-ban/van-ban-quy-pham.html do Cổng Thông tin điện tử TAND tối cao quản lý, vận hành.
[2] https://phapdien.moj.gov.vn/TraCuuPhapDien/MainBoPD.aspx do Bộ Tư pháp quản lý, vận hành.
[3] https://thuvienphapluat.vn
[4] https://luatvietnam.vn
[5] Phần III Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”
[6] Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, mỗi người dân có 01 kết nối internet vạn vật và mục tiêu đến năm 2030 là tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
[7] Xây dựng hạ tâng thông tin để phát triển không gian số, https://mic.gov.vn/xay-dung-ha-tang-thong-tin-de-phat-trien-khong-gian-so-197240528154349056.htm
[8] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tac-dong-cua-truyen-thong-so-va-mang-xa-hoi-doi-voi-xa-hoi-viet-nam-666204.html