Kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, kiến nghị giải pháp trong công tác này tại Việt Nam

Ở Việt Nam, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước[1]). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia bởi không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần giải quyết lao động, việc làm cho người dân (mang lại việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động). Mặc dù vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, phương thức kinh doanh, cách tiếp cận thị trường, quản trị nội bộ và hành lang pháp lý bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, phát triển bền vững. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc về hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, căn cứ vào thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta, bài viết này đề xuất một số giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới tại Việt Nam.
1. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp tại Hàn Quốc
Doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ ở Hàn Quốc là một trong những hệ thống doanh nghiệp đóng vai trò chiến lược đối với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm 99% số lượng doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc; tạo ra hơn 102,9 triệu USD giá trị xuất khẩu và tạo ra việc làm cho hơn 88% tổng số lao động[2]). Từ đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phát triển, qua đó doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trở thành những vệ tinh cung cấp thành phẩm cho các tập đoàn kinh tế lớn. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật và các quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp tương đối hoàn thiện và hiệu quả. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phát huy năng lực, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia. Tại Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp là Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp (Ministry of SMEs and Start up –MSS).
a) Tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ
Căn cứ vào ngành nghề và quy mô kinh doanh để xác định một doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa hay doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ (Điều 2, Đạo luật cơ bản về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Điều 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Đạo luật cơ bản về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ). Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất: Nếu doanh thu dưới 15 triệu đô la Mỹ/năm là doanh nghiệp vừa; nếu doanh thu từ 8 - 10 triệu đô la Mỹ/năm là doanh nghiệp nhỏ; doanh thu dưới 08 triệu đô la Mỹ/năm là doanh nghiệp siêu nhỏ.
 b) Cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thứ nhất, Hàn Quốc là quốc gia phát triển về công nghệ thông tin, do đó, thông tin pháp luật được đăng tải trên Hệ thống thông tin pháp luật2. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo năm hoặc theo từng lĩnh vực chuyên ngành như đất đai, quản trị doanh nghiệp, đầu tư, thuế, sở hữu trí tuệ… Hệ thống thông tin pháp luật này cũng được kết nối liên thông với Hệ thống thông tin về bản án, quyết định của Tòa án, do đó, doanh nghiệp có thể tra cứu các vụ án đã có hiệu lực thi hành theo từng lĩnh vực.
Thứ hai, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm trang bị và củng cố những kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng quan trọng giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi tham gia vào thị trường, Hàn Quốc có Trang thông tin để hỗ trợ các vấn đề cho doanh nghiệp khởi nghiệp3, như thông tin hướng dẫn việc chuẩn bị kinh doanh4 nguồn tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ chính sách pháp luật, mẫu hợp đồng giao dịch…
Thứ ba, tư vấn cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài bằng hình thức online (các doanh nghiệp đầu tư trong nước không được hỗ trợ dịch vụ này mà tự tìm kiếm thông tin pháp lý trên Hệ thống thông tin pháp luật hoặc thuê luật sư). Nhằm đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, Hàn Quốc hỗ trợ dịch vụ tư vấn pháp luật online cho doanh nghiệp về pháp luật của quốc gia dự kiến đến kinh doanh, các thủ tục pháp lý trong nước, các trao đổi, thỏa thuận giữa hai quốc gia (hiệp định thương mại)…
Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ khởi kiện, giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh doanh. Đây là hoạt động phổ biến, chiếm phần lớn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp thực hiện.
Khi có vướng mắc về pháp lý, doanh nghiệp đăng ký được hỗ trợ qua Hệ thống thông tin và hệ thống sẽ phản hồi lại doanh nghiệp bằng email điện tử. Khi đăng ký hỗ trợ, doanh nghiệp ghi vào ô cần tư vấn (tối đa 400 chữ), cơ quan phê duyệt và chuyển đến luật sư được doanh nghiệp lựa chọn. Nếu luật sư nhận lời thì việc tư vấn sẽ diễn ra thông qua luật sư. Doanh nghiệp không phải trả phí tư vấn cho luật sư (việc trả phí do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp chịu trách nhiệm). Trong trường hợp, doanh nghiệp nhiều lần đề nghị tư vấn thì những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải sẽ được tự cập nhật trên Hệ thống thông tin. Luật sư sẽ thấy tổng thể những vấn đề doanh nghiệp cần tư vấn.
Đội ngũ luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc công khai thông tin tuyển dụng. Các luật sư nộp đơn, kèm hồ sơ ứng tuyển. Trên cơ sở đó, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp sẽ xem xét hồ sơ của luật sư và ra quyết định xét tuyển. Khi luật sư được xét tuyển, Sơ yếu lý lịch (CV) của luật sư sẽ được cập nhật trên Hệ thống thông tin (CV nêu rõ luật sư tư vấn lĩnh vực gì để doanh nghiệp thuận tiện trong lựa chọn luật sư). Về quyền lợi của luật sư (thù lao của luật sư hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết vụ kiện) do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp chi trả với mức từ 01 triệu Won đến 05 triệu Won/ 01 vụ, việc (tương đương gần 20 triệu đến 100 triệu đồng Việt Nam). Đến nay, đội ngũ luật sư tư vấn cho doanh nghiệp có khoảng 150 người, trong vòng 15 năm (từ 2010 đến nay) đã tư vấn khoảng 9.000 vụ tranh chấp cho doanh nghiệp.
c) Đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, khởi nghiệp
Để hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cũng như kịp thời giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp, hàng năm, Hàn Quốc thiết lập cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp tiến hành điều tra, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp. Đồng thời tiến hành đánh giá phản ứng chính sách của doanh nghiệp đối với các quy định pháp luật hiện hành có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải để từ đó có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
d) Kinh phí hoạt động
Toàn bộ kinh phí hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ được cấp từ ngân sách nhà nước. Đối với vướng mắc về pháp lý, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí khởi kiện khoảng 02 triệu Won/doanh nghiệp/năm. Đây là nguồn ngân sách nhà nước được cấp cho Bộ Tư pháp để chi trả. Đối với chi phí trả cho luật sư tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết tranh chấp: Trung bình từ 01 triệu đến 05 triệu won/ 01 vụ, việc. Tuy nhiên tùy từng trường hợp, tính chất và mức độ tranh chấp sẽ được hỗ trợ mức khác nhau. Cá biệt có vụ việc lớn nhất là 40 triệu won/vụ[3]. Nguồn kinh phí này được cấp cho Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp để chi trả.
2. Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam
Có thể nói, thể chế về công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta tương đối hoàn thiện. Nhà nước ta đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017[4]; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 81) và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" (Đề án 345)…
Một trong những nội dung của công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta là hỗ trợ pháp lý. Theo đó, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật[5].
a) Tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ
Pháp luật Việt Nam cũng quy định những tiêu chí để xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, căn cứ vào số lao động, tổng số nguồn vốn và tổng doanh thu của doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Cụ thể, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: (i) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; (ii) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ[6]. Cụ thể:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là doanh nghiệp sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ là doanh nghiệp sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 03 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ[7].
Như vậy, để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa thì cần căn cứ vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và số lao động cũng như tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
b) Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tương tự như Hàn Quốc, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ là một trong những hoạt động mà nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển (hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, hỗ trợ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…). Tuy nhiên, việc hỗ trợ pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ[8].
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuân theo 05 nguyên tắc[9] cơ bản sau:
  • Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp.
  • Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
  • Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
  • Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: (i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; (ii) Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; (iii) Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.
  • Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện miễn phí nhằm trang bị kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
c) Phương thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu bằng 02 phương thức hỗ trợ[10] cơ bản là thông qua Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ.
- Xây dựng, vận hành Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Nhằm phát huy lợi thế của công nghệ số, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về pháp luật hỗ trợ cho doanh nghiệp là tất yếu và cần thiết. Do đó, Trang Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2020 đến nay tại địa chỉ https://htpldn.moj.gov.vn (đây là Trang Thông tin trực thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp). Nội dung Trang Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp gồm: i) giới thiệu (đưa tin) các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; ii) liên kết với cơ sở dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án nhân dân tối cao; iii) giới thiệu mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật. So với yêu cầu thực tiễn và quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP[11] thì Trang Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung trên Trang Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp còn “nghèo”, chưa có sự tương tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về văn bản trả lời của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật; chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật và đăng tải danh sách tư vấn viên pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.
 - Thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện nhiệm vụ tại mục 2 Chương II Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030". Theo đó, các hoạt động của Chương tình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm: i) Cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có). ii) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật. iii) Tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định của pháp luật[12].
d) Nguồn kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ pháp lý.
Pháp luật quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí vào dự toán chi thường xuyên hằng năm dựa trên kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí được tài trợ, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế, ngân sách nhà nước đã chi trả và bảo đảm việc vận hành của Trang Thông tin Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với hoạt động này. Hoạt động tư vấn pháp luật, đối thoại giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp được tổ chức rất hạn chế, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn về pháp lý cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Chi phí tư vấn pháp luật do doanh nghiệp chi trả và hầu hết phải thông qua các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với mạng lưới tư vấn viên pháp luật (gần như không có hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 9 của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP).
3. Kiến nghị giải pháp cho Việt Nam trong việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dựa trên những kinh nghiệm từ Hàn Quốc đã nêu trên và để giải quyết những bất cập còn tồn tại ở Việt Nam, trong thời gian tới cần triển khai một số giải phải sau để trang bị kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp đủ vững về mặt pháp lý trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường trước bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…
Thứ nhất, cần chuyên môn hóa cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương. Việc thiết lập cơ quan chuyên biệt thực hiện hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp sẽ dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ một cách toàn diện, đầy đủ và doanh nghiệp cũng dễ tiếp cận với dịch vụ này.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm hoàn thiện thể chế về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế so với sự thay đổi, phát triển của nền kinh tế - xã hội trong nước và thế giới. Do đó, nhiều quy định không còn phù hợp, cần điều chỉnh kịp thời để đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.
Thứ ba, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tương xứng với trình độ khoa học công nghệ hiện nay. Cơ sở dữ liệu này cần thiết kế khoa học, hiện đại, cung cấp đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp lý, các chế độ, chính sách, quy định đối với doanh nghiệp; có sự liên kết với bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của trọng tài theo từng lĩnh vực kinh doanh; đặc biệt, cơ sở dữ liệu này cần có sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp để bảo đảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn mạng lưới tư vấn viên pháp luật. Đội ngũ tư vấn viên pháp luật có thể được kiện toàn từ thẩm phán, luật sư, luật gia, kế toán, người làm về thuế… Danh sách tư vấn viên pháp luật được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực và địa phương với đầy đủ thông tin trích ngang và kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đội ngũ tư vấn viên pháp luật có thể tư vấn về thủ tục hành chính, vấn đề chấp hành pháp luật của doanh nghiệp (như pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, thuế…), tính pháp lý trong các thỏa thuận hợp tác kinh doanh và đại diện trong các tranh chấp xảy ra của doanh nghiệp.
Thứ năm, tăng cường truyền thông về cơ sở dữ liệu quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chính sách của nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp biết và sử dụng dịch vụ này.
Thứ sáu, bố trí kinh phí cho cơ sở dữ liệu quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chi trả thù lao cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật theo vụ việc tư vấn cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cần xác định các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là siêu nhỏ rất khó khăn về nguồn lực kinh tế, do đó, việc nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí theo vụ, việc để chi trả thù lao cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật khi thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp rất quan trọng, tạo đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ bẩy, củng cố, tăng cường vai trò của các tổ chức liên kết, hợp tác giữa hệ thống các doanh nghiệp (Hiệp hội, Hội...) nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và đại diện cho doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp hoặc phản ánh những vướng mắc đến cơ quan nhà nước. Việc vận hành hiệu quả mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, sẽ tạo nên sự hợp tác, tương hỗ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong thế giới hội nhập hiện nay./.
Nguyễn Thị Quế
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Nguyệt Bắc, “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số”, https://nhandan.vn/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-chuyen-doi-so-post796130.html.
[2] Theo Ministry of SMEs and startups
3 https://9988law.com/startlaw/web/esta/guid/contPageDetail.do?cont_no=20220207192803CVDGKKLIMYOJNBUWHD
4 Rà soát, tìm hiểu các quy định pháp luật về lĩnh vực, ngành nghề dự kiến kinh doanh; chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép liên quan, tuyển dụng nhân sự…
[3] Tương đương gần 800 triệu VNĐ.
[4] Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật bị sửa đổi một số điều khoản bởi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18/6/2020
[5] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
[6] Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
[7] Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
[8] Điều 19 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
[9] Điều 4 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
[10] Chương II, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
[11] Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 5 đến Điều 9)
[12] Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa