Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật và một số đề xuất khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là yêu cầu được Đảng, Nhà nước ta nêu rõ trong nhiều văn kiện quan trọng và được triển khai gắn với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó nhấn mạnh “khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn.

1. Quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp
Phân cấp, phân quyền hiện này đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 (Điều 7, Điều 8) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Điều 12, Điều 13). Trong đó, phân quyền là “việc Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong luật, nghị quyết, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan”. Còn phân cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc cơ quan, người có thẩm quyền giao cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Về nguyên tắc, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rằng việc phân quyền phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền phân cấp. Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương phải phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và điều kiện, đặc điểm, nguồn lực, năng lực của địa phương; bảo đảm tính chủ động, tự chủ của chính quyền địa phương trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải phải xác định rõ chủ thể thực hiện, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm các nguyên tắc phân định thẩm quyền và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về mối quan hệ trong phân quyền, thì cơ quan nhà nước ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, hợp tác với chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền. Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền.  Cơ quan nhà nước cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Về mối quan hệ trong phân cấp, thì cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết khi quyết định phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp có đề nghị và tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp có quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản phân cấp, đề nghị cơ quan, người phân cấp điều chỉnh nội dung phân cấp; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan, người phân cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, định kỳ báo cáo, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp.
2. Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và một số đề xuất phù hợp chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
a) Quy định pháp luật hiện hành về phân cấp, phân quyền đối với lĩnh vực PBGDPL:
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm (1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; (2) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; (3) Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; (4) Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Trên cơ sở đó, thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực PBGDPL được phân định như sau:
- Tại trung ương, Bộ Tư pháp là cơ quan thay mặt Chính phủ thực hiện thẩm quyền quản lý nhà nước chung về PBGDPL. Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ mang tính quản lý chung như ban hành các quy định, chính sách về chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy tắc nghề nghiệp trong phổ biến, giáo dục pháp luật; đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các hoạt động, chính sách về PBGDPL tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp[1]. Đồng thời, theo phân quyền, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm Bộ Tư pháp) có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý và hướng dẫn của Bộ Tư pháp (với tư cách cơ quan thay mặt Chính Phủ thực hiện quản lý chung).
- Tại địa phương, thẩm quyền quản lý được phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) để thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ về PBGDPL từ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đến chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể. Ủy ban nhân dân phân quyền cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch  trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân.
b) Một số bất cập, hạn chế trong quy định về phân cấp, phân quyền đối với lĩnh vực PBGDPL:
Thứ nhất, chưa thực hiện phân quyền cho địa phương quyết định các chính sách hỗ trợ, chính sách đặc thù nhằm huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia công tác PBGDPL.
Theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Chính phủ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định ban hành các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia công tác PBGDPL. Điều này chưa tạo sự chủ động cho địa phương trong việc tự quyết định cơ chế, chính sách cho công tác PBGDPL, trong khi thực tế nhiều địa phương có nguồn lực rất dồi dào, nguồn thu ngân sách lớn, dẫn đến việc huy động, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác PBGDPL còn hạn chế.  Vì vậy, việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định ban hành các chính sách đặc thù, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia công tác PBGDPL tại địa phương là cần thiết, nhằm phát huy nguồn lực của địa phương.
Thứ hai, chưa đẩy mạnh phân quyền cho các bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện phân quyền tối đa, triệt để cho địa phương trong việc quyết định xây dựng, phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để phục vụ yêu cầu PBGDPL tại bộ, ngành, địa phương cho phù hợp, hiệu quả.
Theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền quyết định công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định công nhận đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã. Quy định chưa thực sự phù hợp với bối cảnh yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW. Theo đó, cần trao quyền cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc lựa chọn, quyết định việc phát triển, duy trì, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật phục vụ công tác PBGDPL của từng bộ, cơ quan, địa phương. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật được xây dựng phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì phải gắn với trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu bộ, cơ quan, địa phương. Theo đó, cần phân quyền tối đa cho người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương.
Thứ ba, chưa mạnh dạn phân cấp cho địa phương tự quyết định và tự chịu trách nhiệm ban hành tiêu chí đánh giá, đo lường hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để áp dụng chung trên toàn quốc. Qua thực tiễn áp dụng Bộ tiêu chí được ban hành năm 2018 theo Thông tư số 03/2018/TT-BTP cũng như kết quả triển khai Đề án thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, hiệu quả của công tác PBGDPL bị chi phối bởi nhiều yếu tố, chủ quan cũng có mà khách quan cũng có, ví dự như mặt bằng nhận thức, ý thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, hệ thống pháp luật đã bảo đảm minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận hay chưa, công tác tổ chức thi hành pháp luật đã thực sự tốt, nghiêm túc hay không, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ đã phát huy vai trò nêu gương, gương mẫu… Do đó, không thể đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL của từng địa bàn thông qua áp dụng bộ tiêu chí chung, nếu làm vậy sẽ khó khả thi, mang tính hình thức, thiếu thực chất. Vì vậy, cần tính đến phân cấp cho địa phương chủ động xác định và thực hiện đánh giá hiệu quả PBGDPL bằng tiêu chí, cách thức linh hoạt, phù hợp mục tiêu công tác PBGDPL của địa phương.
c) Một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
- Sửa đổi, hoàn thiện quy định về ban hành các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia công tác PBGDPL theo hướng phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành chính sách này để áp dụng đối với cơ quan, tổ chức tại địa phương. 
- Sửa đổi, hoàn thiện quy định về công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh theo hướng phân quyền cho cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc công nhận, miễn nhiệm và quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét, quyết định công nhận, miễn nhiệm và quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công nhận, miễn nhiệm và trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
- Sửa đổi, hoàn thiện quy định về thẩm quyền ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định ban hành tiêu chí và tổ chức thực hiện việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương.
Nguyễn Thị Thạo – Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

[1] Như: tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chính sách xã hội hóa; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật...