Bài viết đưa ra và phân tích các đặc điểm của nạn nhân mua bán người và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
|
Ngày 11/12/2024, tại Vienna, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho biết nạn buôn người đang gia tăng mạnh do các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo Báo cáo toàn cầu về nạn buôn người của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), số nạn nhân được phát hiện trên toàn thế giới vào năm 2022 đã tăng 25% so với mức trước đại dịch năm 2019. Báo cáo chỉ ra rằng tội phạm ngày càng cưỡng bức nhiều nạn nhân tham gia các hình thức lừa đảo trực tuyến phức tạp và gian lận trên không gian mạng. Phụ nữ trưởng thành vẫn là nhóm nạn nhân lớn nhất, chiếm 39%, tiếp theo là nam giới (23%), trẻ em gái (22%) và trẻ em trai (16%). Tổng số nạn nhân trong năm 2022 là 69.627 người.
Ở Việt Nam, ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 454/455 (tỉ lệ 94,78%) đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội thông qua, góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người trong giai đoạn tới. Luật Phòng, chống mua bán người tiếp tục xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Hoạt động phòng, chống mua bán người được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân; phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, luật cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo; thực hiện quyết liệt các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng mua bán người; tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người...
Khái niệm nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đó, nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người 2024 và đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh.
Trên thực tế, nạn nhân là đối tượng của hành vi mua bán người và có thể là bất kỳ ai, đàn ông hoặc phụ nữ, người lớn hoặc trẻ em, người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh, người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch... Nạn nhân có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trình độ học vấn khác nhau. Một số trường hợp, thanh thiếu niên bỏ trốn khỏi gia đình, vô gia cư có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người. Ngoài ra, những cá nhân đã từng có quá khứ bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục cũng có xu hướng trở thành nạn nhân bởi những ảnh hưởng tâm lý để lại trong họ sẽ bị những kẻ buôn người lợi dụng. Nạn nhân mua bán có những đặc điểm và trạng thái tâm lý khác biệt so với người bình thường và so với nạn nhân của các loại hình tội phạm khác. Những đặc điểm này bao gồm: Thường sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thấp, bản thân họ có trình độ dân trí chưa cao; Tâm lý không ổn định, bị tổn thương, khủng hoảng tâm lý hoặc có các vấn đề về sức khỏe, khủng hoảng niềm tin, sợ hãi, mặc cảm, xấu hổ và sợ bị kỳ thị hoặc bị cộng đồng xa lánh nếu biết họ là nạn nhân bị mua bán nên không muốn hợp tác với chính quyền hoặc các cơ quan tư pháp hình sự; vấn đề về giới là một đặc điểm cần chú ý ở nạn nhân mua bán người. Bên cạnh đó, những vấn đề mà nạn nhân mua bán người gặp phải cũng là một đặc điểm riêng (ví dụ vấn đề về giấy tờ, về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp…) hoặc gặp vấn đề khác cần hỗ trợ (về việc làm, nhà ở…). Những đặc điểm trên của nạn nhân mua bán người cũng có thể coi có các đặc điểm của người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân.
Chính vì vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý và các cán bộ tiếp nhận, hỗ trợ, các cán bộ làm việc trong ngành tư pháp hình sự cần lưu ý những đặc điểm này để có thể có cách ứng xử và hỗ trợ phù hợp giúp cho việc giải quyết vụ án cũng như hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân hiệu quả và nhanh chóng.
Đặc điểm 1: Thường sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thấp, bản thân họ có trình độ dân trí chưa cao
Theo Báo cáo số 520/BC-BCA ngày 03/6/2021 của Bộ Công an, tội phạm mua bán người thường xảy ra tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nêu phân theo vùng thì tội phạm mua bán người chủ yếu ở các vung Tây Bắc Bộ (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình), Đông Bắc Bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang), Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị). Đây là những khu vự gồm nhiều tình miền núi, vùng sâu, vùng xa, có chung đường biên giới với các nước, có các điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người hoạt động. Mua bán người ở nước ta xảy ra ở dưới hai dạng là mua bán trong nước (tuy chưa có số liệu khảo sát cụ thể nhưng đã phát hiện, điều tra các vụ lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, bán vào nhà hàng, quán karaoke, café trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động trên tàu cá…), song chủ yếu là mua bán ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ việc mua bán người, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Campuchia,… Theo thống kê, nạn nhân thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%), chỉ làm ruộng hay không có việc làm (chiếm hơn 70%), gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm 37,2%), thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin. Một số cô gái trẻ, học sinh, sinh viên (6,8%) thích hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, họ có mối quan hệ phức tạp với người thân và kẻ buôn người. Theo báo cáo của Bộ Công an, một số người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hoặc kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội. Nhiều vụ án, đối tượng có mối quan hệ với nhau hoặc giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ nhất định.
Một trong những đặc điểm phổ biến là những người đã bị mua bán không phải ai cũng nhận ra mình là nạn nhân của nạn mua bán người. Đặc biệt là đối với các nạn nhân tự trở về. Nhiều nạn nhân xem người phạm tội như ân nhân vì đã giúp họ thoát khỏi tình cảnh nghèo khổ ở quê nhà. Họ thậm chí có thể có quan hệ họ hàng với người phạm tội. Ví dụ, trong các vụ án mua bán người vì mục đích cưỡng ép kết hôn hay mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột, người phạm tội có thể là cha mẹ của nạn nhân hoặc các thành viên khác trong gia đình, khiến cho việc nạn nhân không muốn hoặc không dám đi trình báo cơ quan chức năng. Điều này cũng có thể đúng với các hình thức mua bán người và bóc lột khác khi có những mối quan hệ cá nhân đặc biệt giữa nạn nhân và người phạm tội. Ngay cả khi không có mối quan hệ trước đó, nạn nhân có thể bị gắn vào mối quan hệ cá nhân với người phạm tội mà không biết rằng mối quan hệ đó là một phương tiện để điều khiển họ.
Đặc điểm 2: Tâm lý không ổn định, có thể bị tổn thương hoặc có vấn đề về sức khỏe
Cũng theo báo cáo của Bộ Công an nêu trên, đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động… Chính vì vậy, nạn nhân mua bán người có thể bị tổn thương hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng trong quá trình bị mua bán. Họ có thể bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần trong khi trốn chạy khỏi nơi bị mua bán hoặc bóc lột; phải chứng kiến bạo lực; phải chịu đựng điều kiện sống và làm việc tồi tệ; bị giữ giấy tờ tùy thân; gán nợ; lạm dụng ma túy và rượu bia; mất tự do hay không có lựa chọn nào khác. Thời điểm các cán bộ hỗ trợ, người thực hiện trợ giúp pháp lý, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiếp xúc với nạn nhân mua bán người, họ có thể đã bị lạm dụng thể chất và tinh thần trong thời gian dài. Gánh nặng tâm lý có thể khiến nạn nhân khó có thể quên các trải nghiệm bị mua bán, khiến họ có cảm giác nguy cơ bị tái mua bán hoặc các hình thức lạm dụng khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách hành xử của họ. Một số hậu quả tâm lý của nạn buôn người có thể khiến nạn nhân bị: trầm cảm, lo lắng, tức giận, thù hận, mất trí nhớ. Nạn nhân cũng có thể bị mắc các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục, đau bụng, nhức đầu, đau lưng, các vấn đề nha khoa, sự phụ thuộc chất gây nghiện hay mang thai.
- Đa phần nạn nhân thể hiện tâm lý lo lắng, bất an, sợ hãi, mặc cảm có thể do một số nguyên nhân như: Thiếu thông tin về quá trình tố tụng hình sự, do bất đồng ngôn ngữ, không biết chữ hoặc các rào cản khác; các lý do về kinh tế; hậu quả của việc phải chịu nhiều tác động và trải nghiệm tiêu cực trong quá trình bị mua bán. Tác động tâm lý thậm chí còn tệ hại hơn đối với các nạn nhân mua bán người nếu họ bị mua bán khi còn nhỏ. Nỗi sợ hãi về các mối đe dọa và trả thù từ những người phạm tội
Một số nạn nhân lo sợ bị người phạm tội đe dọa và/hoặc trả thù nếu họ tố giác hành vi mua bán người của người đó với các cơ quan có thẩm quyền. Việc những người phạm tội thường xuyên đe dọa gây lo lắng, bất an, căng thẳng cho các nạn nhân và gia đình họ. Nỗi lo sợ này có thể trở nên nghiêm trọng nếu nạn nhân không biết rằng mình có thể được bảo vệ, hoặc thiếu niềm tin vào các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Nỗi sợ hãi hoặc thiếu niềm tin vào chính quyền và cán bộ thực thi pháp luật
Trong các trường hợp nạn nhân bị đưa ra nước ngoài, người phạm tội thường đe dọa họ không được liên lạc với các cơ quan chức năng ở nước ngoài vì họ sẽ bị bắt giữ, trục xuất hoặc bị giam giữ do tình trạng nhập cư hoặc các hoạt động bất hợp pháp phát sinh từ tình trạng bị mua bán của họ (ví dụ: lao động trái phép, bán dâm). Nhiều trường hợp tội phạm giữ giấy tờ tùy thân của nạn nhân nhằm ngăn không cho nạn nhân trốn thoát hoặc cầu cứu cơ quan chức năng. Đối với hầu hết nạn nhân, việc bị trục xuất sẽ khiến cho mất việc làm, mất cơ hội kiếm tiền về cho gia đình khiến cho gia đình họ lâm vào hoàn cảnh nợ nần hoặc khó khăn hơn. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể đe dọa nạn nhân rằng có báo chính quyền cũng vô ích hoặc chính quyền đã bị mua chuộc. Kết hợp với nỗi lo sợ bị trục xuất hoặc bắt giam vì hành vi của mình, nạn nhân sẽ không dám bỏ trốn và từ đó nảy sinh tâm lý sợ hãi và bất hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Chính vì vậy, rất nhiều nạn nhân không muốn hợp tác, không muốn kể lại câu chuyện với người ngoài, kể cả với cán bộ làm việc với họ. Những lý do này có thể bao gồm việc không hiểu rõ mục đích của việc hợp tác hoặc trải nghiệm trước đó khi phải tự trình báo cho cơ quan chức năng mà không đạt được kết quả gì. Họ cũng không biết liệu những cán bộ này có thấu hiểu hoàn cảnh của họ hay không, có giúp đỡ được gì cho họ hay không, liệu các thông tin về đời tư của họ có được giữ bí mật hay không.
- Cảm giác xấu hổ và sợ bị kỳ thị hoặc bị cộng đồng xa lánh
Khi danh tính và các thông tin riêng tư và bí mật của nạn nhân chưa được đảm bảo, nạn nhân có thể lo sợ rằng nếu quá khứ bị mua bán của họ (đặc biệt là nạn nhân bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục, mại dâm hoặc cưỡng dâm, hôn nhân cưỡng ép) bị lộ có thể dẫn đến sự kỳ thị và bị cộng đồng xa lánh. Nạn nhân cũng có thể lo sợ rằng nếu họ thừa nhận họ là nạn nhân, gia đình và cộng đồng sẽ coi họ như sự thất bại và đáng hổ thẹn và khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và gia đình, kết hôn cũng như tái hoà nhập cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, rất nhiều gia đình đã phải tốn nhiều tiền để đi tìm hoặc giải cứu con em họ khỏi những người phạm tội hoặc vay nợ để cho nạn nhân đi lao động. Vì thế nạn nhân khi trở về tay trắng, bị bệnh tật, không công ăn việc làm thường có suy nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình.
Đôi khi nạn nhân không thể hoặc không muốn tham gia vào quá trình tố tụng hình sự hoặc các chương trình khác do những hạn chế về mặt kinh tế. Ví dụ, nhu cầu có một công việc để đi làm có thể lớn hơn mong muốn được tiếp cận công lý, hoặc nạn nhân không có thời gian để tham dự phiên tòa, không có khả năng đi xa, hoặc ở lâu trong nhà tạm lánh vì họ còn phải kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.
Đặc điểm 3: Nạn nhân mua bán thường có những đặc điểm riêng mang yếu tố giới
Mua bán người là tội phạm liên quan đến vấn đề giới và mua bán người cũng là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới. Giới vừa là yếu tố kéo và yếu tố thúc đẩy của mua bán người. Giới của một người có thể khiến họ dễ bị tổn thương và trở thành nạn nhân của mua bán người và loại hình bóc lột mà họ sẽ phải đối mặt. Vì vậy, cán bộ TGPL và hỗ trợ nạn nhân không chỉ đơn thuần hỗ trợ các nạn nhân của mua bán người mà còn đang góp phần đảm bảo bình đẳng giới.
Cán bộ cán bộ TGPL và hỗ trợ nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ nạn nhân trong suốt quá trình tố tụng hình sự. Vì vậy để có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, cán bộ TGPL và hỗ trợ nạn nhân cần phải hiểu được rằng những nạn nhân mà mình tiếp xúc hoặc làm việc –cho dù họ là nam hay là nữ, là người đồng tính, song tính hay chuyển giới đều có hoàn cảnh, nhu cầu, mong muốn, sự trải nghiệm trước - trong và sau khi bị mua bán rất khác nhau. cán bộ TGPL và hỗ trợ nạn nhân cũng cần nhận thức được rằng chính giới của mình cũng ảnh hưởng đến quá trình giúp đỡ và TGPL cho nạn nhân.
Một số lưu ý về giới khi hỗ trợ và TGPL cho nạn nhân bị mua bán
- Nạn nhân nữ bị hạn chế trong tiếp cận thông tin về quyền được bảo vệ và hỗ trợ
Phụ nữ là nạn nhân mua bán người gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến việc được bảo vệ và hỗ trợ nếu chẳng may họ bị mua bán. Đặc biệt, họ có thể không biết quyền được TGPL miễn phí nếu họ là nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, do các quan niệm truyền thống về nữ giới nên phụ nữ có tâm lý e ngại hoặc kém tự tin khi tiếp xúc hoặc gặp gỡ các cơ quan chức năng, chính quyền (chưa kể tâm lý lo sợ bị bắt giữ bởi cơ quan chức năng, bị trả thù bởi đối tượng mua bán họ,…). Đồng thời do hạn chế về trình độ (vì ít có cơ hội học tập hơn nam giới) nên phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin hoặc làm các giấy tờ, đơn trình báo cho cơ quan chức năng cũng như cán bộ hỗ trợ nạn nhân (trong đó có người thực hiện TGPL).
Nạn nhân, dù là nam hay nữ, sẽ ngại hoặc khó có thể đưa ra bằng chứng rằng ngoài việc là nạn nhân của mua bán người, họ còn là nạn nhân của các loại tội phạm khác như cưỡng dâm, hiếp dâm, và có thể là nạn nhân của cưỡng bức lao động. Nạn nhân nữ có thể lo ngại bị gia đình ruồng rẫy và bị cộng đồng hoặc xã hội kỳ thị. Nam nạn nhân cũng có thể sợ bị mất thể diện nên không khai báo.
- Sự khác biệt trong nhu cầu và trải nghiệm
Do sự khác biệt về giới (giới tính sinh học, mong đợi xã hội như: văn hóa, truyền thống...) và bản dạng giới (cảm nhận của mỗi cá nhân về giới tính của mình) mà mỗi nạn nhân sẽ có nhu cầu khác nhau. Nhu cầu của họ không chỉ gói gọn trong nhu cầu tâm, sinh lý của chính nạn nhân mà còn những nhu cầu khác do vai trò giới quy định (đặc biệt là với nạn nhân nữ có con nhỏ). Ngoài ra, các trải nghiệm (kể cả trải nghiệm trước khi bị buôn bán) của các nạn nhân cũng rất khác nhau. Nạn nhân nữ có thể đã là nạn nhân của bạo lực giới trước khi trở thành nạn nhân của mua bán người. Nạn nhân nữ chịu chuẩn mực kép (trách nhiệm chăm sóc gia đình chồng con, đồng thời cũng phải lao động làm ra kinh tế) cũng như các mong đợi khác từ xã hội (tham gia các công việc chung của cộng đồng,…). Nạn nhân nữ có thể lo ngại bị gia đình ruồng rẫy và bị cộng đồng hoặc xã hội kỳ thị. Ngược lại, nam giới cũng chịu những áp lực nhất định do định kiến xã hội gây ra (phải cứng rắn, mạnh mẽ, là trụ cột cho gia đình,…). Nam nạn nhân cũng có thể sợ bị mất thể diện nên không khai báo.
- Giới tính của cán bộ tư pháp hình sự và cán bộ hỗ trợ nạn nhân ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân?
Phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên bị lạm dụng tình dục và bạo lực có thể sẽ do dự trong việc tìm kiếm sự trợ giúp do sự xấu hổ và sợ bị kỳ thị sau khi khai báo trường hợp của mình. Khi lần đầu tiếp xúc với cơ quan chức năng, họ có thể cung cấp thông tin chưa đầy đủ và chính xác về tình trạng hoặc vấn đề của mình. Một số nạn nhân nữ (đặc biệt là nạn nhân của mua bán người vì mục đích bóc lột lao động) không coi mình là nạn nhân của mua bán người do định kiến xã hội coi mua bán người đối với nữ thường gắn liền với mục đích bóc lột tình dục.
Nam giới do bị ảnh hưởng của các quy chuẩn xã hội về sự nam tính có thể không muốn thừa nhận việc mình là nạn nhân, nhất là nạn nhân của bóc lột tình dục, vì lo sợ sự kỳ thị của xã hội.
Vì những lý do này, nạn nhân nữ và nạn nhân nam có thể dễ nói chuyện hơn với cán bộ tư pháp hình sự và các cán bộ cung cấp dịch vụ khác (như người thực hiện TGPL, cán bộ xã hội,…) có cùng giới tính với mình. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra trong một số trường hợp, nạn nhân nữ cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với cán bộ nam. Ví dụ, nạn nhân là trẻ em gái muốn làm việc với cán bộ là nam vì các em cảm thấy an toàn hơn khi có sự bảo vệ và hỗ trợ của cán bộ nam. Ngoài ra, theo một nghiên cứu ở Phi-lip-pin, nạn nhân nữ cảm thấy cán bộ nữ thường có thái độ phán xét hơn so với cán bộ nam.
- Định kiến giới ảnh hưởng tới cán bộ tư pháp hình sự trong quá trình xử lý các vụ án mua bán người
Do định kiến giới, các cán bộ tư pháp hình sự có thể nghi ngờ độ tin cậy trong lời khai của nạn nhân (đặc biệt là nạn nhân nữ) và do đó có xu hướng đổ lỗi tại nạn nhân cho việc họ bị mua bán và bóc lột. Từ đó, cán bộ tư pháp hình sự có thể đặt những câu hỏi thiếu nhạy cảm, chụp mũ, phán xét đặc biệt đối với nạn nhân nữ bị bóc lột tình dục.
Khi bắt giữ phụ nữ hành nghề mại dâm, cán bộ điều tra có thể bỏ qua việc họ có thể là nạn nhân mua bán người. Định kiến giới cũng có thể khiến các cán bộ tư pháp hình sự bỏ qua các trường hợp mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục có nạn nhân là nam giới. Cán bộ tư pháp hình sự có thể bỏ sót trường hợp nạn nhân mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động là nam giới vì nghĩ mua bán người không bao gồm mục đích bóc lột lao động và nam giới ít có nguy cơ bị mua bán. Nam giới vì vậy ít nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ hơn so với phụ nữ. Ngoài ra, các hành vi khác với nạn nhân như cưỡng dâm và hiếp dâm nạn nhân là nam cũng có thể bị bỏ sót./.
Thanh Trịnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý