Nội luật hóa điều ước quốc tế trong mà Việt Nam là thành viên trong BLHS năm 2015

Bộ luật hình sự năm 2015 đã nội luật hóa các quy định có liên quan đến điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.


Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định trước đây (như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm), còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một số tội phạm cụ thể (Điều 14). Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Thứ hai, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản cấu thành của tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 150, Điều 151) trên tinh thần nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Thứ ba, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung tội cưỡng bức lao động, tội bắt cóc con tin và tội cướp biển (Điều 297, Điều 301, Điều 302) trên tinh thần các quy  định của Công ước số 29 của ILO về lao động cưỡng bức năm 1930, Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.
Thứ tư, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung tội rửa tiền (Điều 324) và tội tài trợ khủng bố (Điều 300) nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền. Trong đó, tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai loại tội này.
Thứ năm Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội dùng nhục hình và tội bức cung (Điều 157, Điều 373 và Điều 374) trên tinh thần Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.