- Thông tư đã quy định thời gian tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý tối thiểu là 08 giờ/năm. Các nội dung tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc cho Trợ giúp viên pháp lý bao gồm: Kiến thức pháp luật cần thiết cho việc thực hiện TGPL; các kỹ năng thực hiện TGPL; quy tắc nghề nghiệp TGPL. Đây vừa là nghĩa vụ, đồng thời vừa là quyền của Trợ giúp viên pháp lý, tạo thuận lợi, linh hoạt để họ tự lựa chọn việc tham gia các lớp tập huấn phù hợp nhu cầu của bản thân bổ sung kiến thức, kỹ năng hành nghề cần thiết, nâng cao trình độ, cung cấp dịch vụ TGPL ngày càng có chất lượng hơn nữa cho người được TGPL.
- Các trường hợp tiến hành thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật TGPL được Thông tư hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, Thông tư quy định thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu trong trường hợp thụ lý ngay tương ứng thời hạn tối đa vụ việc diễn ra và người thực hiện TGPL cũng thực hiện các bước về thủ tục, hạn chế tình trạng vụ việc được người thực hiện TGPL thực hiện xong vụ việc rồi nhưng phát hiện ra người thụ hưởng không thuộc đối tượng được TGPL (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được TGPL là 05 ngày làm việc). Tuy nhiên, để bảo đảm tối đa quyền lợi của người được TGPL ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường hợp bất khả kháng, Thông tư có quy định ngoại lệ về thời gian bổ sung giấy tờ, tài liệu của người được TGPL dài hơn so với thời hạn tối đa vụ việc diễn ra (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được TGPL là 10 ngày làm việc). Trường hợp người yêu cầu TGPL không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL trong thời hạn quy định nêu trên thì vụ việc TGPL không được tiếp tục thực hiện.
- Thông tư quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện TGPL tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người được TGPL hoặc người thân thích của họ về thái độ, trách nhiệm, chuyên môn của người thực hiện TGPL và mức độ hài lòng đối với vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Quy định này nhằm tạo sự chủ động cho tổ chức thực hiện TGPL căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vụ việc hoặc nguồn lực tại từng thời điểm để phân công người lấy ý kiến cho phù hợp.
- Ngoài ra, Thông tư đã phân biệt rõ giữa việc thực hiện vụ việc TGPL và việc TGPL: Vụ việc TGPL phải là các cụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL phù hợp với quy định của Luật TGPL. Do đó, vụ việc TGPL phải qua bước nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, do người thực hiện TGPL thực hiện, phải lập thành hồ sơ vụ việc và được thống kê thành vụ việc TGPL trong Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc TGPL. Việc TGPL là việc hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật trong trường hợp yêu cầu TGPL là vướng mắc pháp luật đơn giản. Do đó, việc TGPL do người tiếp nhận thực hiện và thực hiện ngay; không lập thành hồ sơ và được thống kê thành việc TGPL trong Sổ thực hiện việc TGPL.
Tuy nhiên, một điểm lưu ý ở đây là dù vụ việc TGPL hay việc TGPL thì đối tượng thụ hưởng đều là người được TGPL.
- Về xác định vụ việc TGPL kết thúc: Đây là một trong những vấn đề các Trung tâm TGPL cần hướng dẫn để xác định được thời điểm kết thúc yêu cầu TGPL của người được TGPL, đồng thời để tạo thuận lợi cho việc thống kê và thanh toán vụ việc TGPL. Thông tư đưa ra ba trường hợp được xác định vụ việc TGPL kết thúc, bao gồm: (1) Thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được TGPL theo hình thức TGPL thể hiện trong đơn yêu cầu TGPL; (2) thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc TGPL quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật TGPL; (3) bị đình chỉ theo quy định pháp luật.
- Về hồ sơ vụ việc TGPL: Việc hướng dẫn hồ sơ vụ việc theo hướng bám sát quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật TGPL, bảo đảm quy định hồ sơ vụ việc TGPL là công cụ để phục vụ cho việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ việc để các địa phương tiết kiệm thời gian, tập trung thực hiện vụ việc, thuận lợi cho việc theo dõi, tra cứu. Thông tư đã hướng dẫn cụ thể hồ sơ vụ việc TGPL theo từng hình thức TGPL và quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL, Chi nhánh tạo hồ sơ và người thực hiện TGPL cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL để theo dõi, tra cứu.
- Về thẩm định thời gian thực hiện vụ việc TGPL: Để nâng cao chất lượng, đồng thời là căn cứ để đề xuất chi trả mức bồi dưỡng, thù lao vụ việc TGPL, Thông tư quy định việc thẩm định về tính hợp lý của thời gian thực hiện vụ việc TGPL, giao thẩm quyền cho lãnh đạo tổ chức thực hiện TGPL hoặc Trưởng Chi nhánh của Trung tâm (nếu được giao) phân công việc thẩm định.
- Về quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Đây là một khâu quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo mục tiêu của Luật TGPL năm 2017 đề ra. Thông tư quy định những nội dung về thẩm quyền thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, về tiêu chí và xếp loại đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
Đối với thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đây là hoạt động mang tính nội bộ của tổ chức thực hiện TGPL và được giao cho tổ chức thực hiện TGPL chủ động thực hiện đối với tất cả các vụ việc để có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc TGPL. Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng (Cục TGPL và Sở Tư pháp) nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động đánh giá. Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được thực hiện đối với vụ tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng theo tỷ lệ nhất định do cơ quan có thẩm quyền đánh giá xác định bảo đảm người thực hiện TGPL đều có vụ việc được đánh giá.
Về tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, Thông tư chia thành các nội dung cụ thể với số điểm tương ứng vừa phản ánh thái độ, ứng xử vừa thể hiện trình độ của người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện vụ việc./.