Một số quy định mới về tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Dưới đây là các nội dung được sửa đổi, bổ sung.

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định trong Bộ luật hình sự gồm 25 điều, từ 367 đến Điều 391. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định khái niệm về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng hẹp, chỉ trong phạm vi hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án và do vậy, chưa bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan khác, bảo đảm việc áp dụng điều luật chính xác, thống nhất.
Chính sách xử lý hình sự đối với nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp về cơ bản là tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, liên quan đến hình phạt đối với một số tội phạm trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của cá nhân trong hoạt động tư pháp như dùng nhục hình, bức cung, ra bản án trái pháp luật,... đòi hỏi phải được xử lý nghiêm khắc hơn mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nhóm quyền theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 cũng như chủ trương tại các Nghị quyết của Đảng về tăng cường xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Theo quy định tại chương XXII Bộ luật hình sự năm 1999 thì có một số tội chỉ thiết kế một khung hình phạt mà không có khung tăng nặng, hoặc các khung tăng nặng chưa dự liệu được nhiều các tình tiết phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, cần phải nghiên cứu bổ sung các tình tiết mới nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự, bảo đảm chính sách xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng hơn. Đồng thời bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng của các điều luật, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý vụ việc. 
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung: 
- Mở rộng khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp một cách khát quát "là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án" (Điều 367); 
- Mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm: 
+ Chủ thể thực hiện tội ra quyết định trái pháp luật là "người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án" (Điều 371).
+ Chủ thể của tội dùng nhục hình (Điều 373) là: "Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc".
 Chủ thể của tội bức cung (Điều 374) là: "Người nào trong hoạt động tố tụng".
+ Thay thế thuật ngữ "nhân viên tư pháp"  trong tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật bằng thuật ngữ "người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp" (Điều 372).
+ Mở rộng phạm vi đối tượng bỏ trốn trong tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị giam, giữ trốn 
(Điều 376), đối tượng được tha trái pháp luật trong tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị giam, giữ (Điều 378) theo hướng thay cụm từ "người bị giam, tạm giữ" quy định tại tên điều luật và khoản 1 các điều này bằng cụm từ "người bị bắt, người bị giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù...".
+ Bổ sung 02 tội danh mới là: Điều 388. Tội vi phạm quy định về giam giữ; Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa.

+ Bổ sung khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội không thi hành án, tội không chấp hành án.
+ Nâng mức hình phạt cao nhất đối với một số tội:
Mười hai năm tù đối với tội ra quyết định trái pháp luật (khoản 3 Điều 371: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên; b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên)
Tù chung thân đối với tội dùng nhục hình và tội bức cung (khoản 4 Điều 374: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Làm người bị bức cung chết; b) Dẫn đến làm oan người vô tội; c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Quy định cụ thể về các tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với các tội phạm cụ thể.