Thông tư 28/2018/TT-BGDĐT: Ban hành Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 28/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Chương trình) ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình được ban hành nhằm tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giữ gìn, phát triển, quảng bá tiếng Việt và bản sắc văn hóa của người Việt Nam, giữ gìn và phát triển tinh thần hướng về quê hương, đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình được thiết kế theo 3 trình độ, 6 bậc, lần lượt từ thấp đến cao là: bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5, bậc 6. Thời lượng của mỗi bậc là 220 giờ. Tổng thời lượng thực hiện chương trình là 1320 giờ. Mỗi bậc gồm một số mô đun (nhóm bài học). Mỗi mô đun gồm 4 bài học tập hợp theo chủ đề và một bài ôn tập, kiểm tra đánh giá. Thời lượng cho mỗi nhóm bài học tùy thuộc nội dung từng chủ đề. Chương trình chú trọng rèn luyện 4 kỹ năng, trong đó ưu tiên hơn cho kỹ năng nói và kỹ năng nghe.
Mục tiêu của bậc 1 là hiểu, sử dụng được các cấu trúc ngôn ngữ quen thuộc, sử dụng được những từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể, giới thiệu về bản thân và người khác, với những thông tin như: nơi sinh sống, người thân, bạn bè. Có khả năng giao tiếp đơn giản.
Mục tiêu của bậc 2 là hiểu các câu và cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản như: thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm. Có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
Mục tiêu của bậc 3 là hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về những chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí. Có khả năng xử lý được hầu hết các tình huống xảy ra, viết được đoạn văn đơn giản liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc quan tâm. Mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, mong muốn, và trình bày ngắn gọn được lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
Mục tiêu của bậc 4 là hiểu được ý chính của một văn bản tương đối phức tạp về các chủ đề khác nhau, kể cả những trao đổi có nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn. Có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt, viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và nêu được quan điểm của mình về một vấn đề; chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
Mục tiêu của bậc 5 là nhận biết và hiểu được hàm ý của những văn bản dài, có phạm vi nội dung rộng. Có khả năng diễn đạt trôi chảy, ứng đáp tức thì, không khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt. Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, có hiệu quả phục vụ các mục đích quan hệ xã hội, mục đích học thuật và chuyên môn. Viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản.
Mục tiêu của bậc 6 là hiểu được hầu hết các văn bản nói và viết một cách dễ dàng. Tóm tắt được các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp và trình bày lại một cách logic, diễn đạt rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được những khác biệt tinh tế về ý nghĩa và ngữ dụng trong các tình huống phức tạp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2019.