Nghị định 55/2019/NĐ-CP: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa


Ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 16/8/2019, trong đó, giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm: (i) thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước; (ii) xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) tham gia ý kiến đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có yêu cầu, trong đó có việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện chương trình hoặc nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; (iv) xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (v) tổ chức xây dựng, quản lý, cập nhật Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (vi) Tổ chức đánh giá độc lập hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (vii) định kỳ 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định được ban hành trên cơ sở căn cứ vào khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật. Đồng thời, khoản 4 Điều 14 Luật này quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều này, bao gồm cả khoản 3 Điều 14.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị  định số 66/2008/NĐ-CP[1]. Kết quả tổng kết cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn trùng lặp; chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng[2]. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. [NT1] 
Ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp)” trình Chính phủ ban hành trong năm 2018[3].
Do đó, việc ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) để quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, để khắc phục các vướng mắc, bất cập của một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các nội dung chính của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định gồm  hai nhóm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) Nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật (từ Điều 5 đến Điều 9); và (ii) Nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 đến Điều 13).
- Về nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật: Nghị định đã quy định chi tiết nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật, bao gồm 2 hoạt động chính liên quan: (i) cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật; (ii) và cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý.
Về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay các hoạt động liên quan đến cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật đang được quy định chi tiết và thực hiện theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.[4] Do đó, dự thảo Nghị định (Điều 5) chỉ viện dẫn đến Nghị định số 52/2015/NĐ-CP hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này. Ngoài ra, Nghị định quy định việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế liên quan đến thương mại mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này.
Về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, Nghị định (khoản 1 Điều 6) quy định chi tiết 3 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, gồm: Các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; [NT2] các văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật; các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Nghị định quy định nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10-13 Nghị định). Điều khoản thi hành có 04 điều, quy định về chuyển tiếp (Điều 18); hỗ trợ pháp lý cho đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 19); Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành (Điều 20-21).
Nghị định số 55/2019/NĐ-CP được ban hành trong thời điểm Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách, quy định nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác thực thi pháp luật nhằm thực thi mạnh mẽ thông điệp “Chính phủ kiến tạo” trong giai đoạn hiện nay góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu thực tiễn hỗ trợ pháp lý của công đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng./.

Trần Minh Sơn
 
 
 
[1] Báo cáo số 319/BC-BTP ngày 28/12/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
[2] Kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp (Phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG) cho thấy: trong thời gian qua, 51% cơ quan nhà nước được khảo sát có bố trí kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, còn lại 49% cơ quan nhà nước không bố trí kinh phí dành cho công tác này (Xin xem Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị).
[3] Trong thời gian chưa ban hành “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành.
[4] Điều 1 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP quy định: “Nghị định này quy định về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương (bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.”
 

 [NT1]Nói thêm đoạn ngắn về Luật HTDNNVV giao CP quy định
 [NT2]Rất cân nhắc vấn đề ngày vì Bản án, QĐ của Tòa án đã có Tòa án công khai phán quyết. QĐ của trọng tài thì tuyệt đại đa số các trường hợp không được công khai