Hướng dẫn bảo đảm quyền bào chữa của người bị giam trong trường hợp khẩn cấp

Ngày 10 tháng 10 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Giải thích rõ quyền và nghĩa vụ cho người bị bắt
Khi tiếp nhận người bị bắt, giao Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can, người thực hiện lệnh, quyết định, tiếp nhận người bị bắt phải đọc, giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và ghi vào biên bản giao nhận. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không và đề nghị thông báo cho người đại diện, người thân thích để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có liên quan đến người đại diện hoặc người thân thích của họ.
Tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa
Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Việc tiếp nhận đơn được thực hiện tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và phải thông báo ngay cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.
Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm gia
 Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.
Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.
Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định
Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có văn bản đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 49 hoặc khoản 1 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trường hợp đề nghị thay đổi Điều tra viên không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan đang thụ lý vụ án từ chối việc thay đổi Điều tra viên và thông báo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Khi người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có văn bản đề nghị thay đổi người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 5 Điều 69, khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định thay đổi người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và thông báo cho người bào chữa biết. Trường hợp đề nghị không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan điều tra từ chối việc thay đổi người giám định, người phiên dịch và thông báo cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của người bào chữa
Khi người bào chữa có văn bản đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, Cơ quan đang thụ lý vụ án tiếp nhận văn bản để giải quyết. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận, nếu có căn cứ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 125, Điêu 130 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan đang thụ lý vụ án ra quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo thẩm quyền hoặc tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Viện kiểm sát quyết định đối với các biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn. Nếu đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế không có căn cứ pháp luật thì Cơ quan đang thụ lý vụ án từ chối việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và thông báo cho người bào chữa bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2019 và thay thế Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.