Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nội bộ và xử lý kết quả kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là kiểm tra nội bộ). Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư này là cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp (sau đây gọi tắt là cơ quan Quản lý thị trường); Công chức đang làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là công chức) bao gồm công chức Quản lý thị trường và công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra nội bộ của lực lượng Quản lý thị trường.
Mục đích kiểm tra nội bộ:
Bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các sai sót, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; là cơ sở để đánh giá công chức, bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Thông qua kiểm tra nội bộ phát hiện những hạn chế, bất cập, từ đó kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức.
Nguyên tắc trong kiểm tra nội bộ:
Hoạt động kiểm tra nội bộ phải thực hiện theo đúng nội dung, hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra nội bộ.
Các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được trong quá trình kiểm tra nội bộ phải bị đình chỉ ngay cùng với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa phù hợp và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các hành vi cản trở, gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra nội bộ hoặc vi phạm các quy định tại Thông tư này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hình thức kiểm tra nội bộ:
Kiểm tra nội bộ định kỳ theo kế hoạch hằng năm đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục trưởng), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) phê duyệt, ban hành.
Kiểm tra nội bộ đột xuất trong các trường hợp sau: Khi có văn bản yêu cầu kiểm tra nội bộ của cấp trên có thẩm quyền; Khi nhận được thông tin, tài liệu, chứng cứ về dấu hiệu vi phạm của công chức, cơ quan Quản lý thị trường và có cơ sở để thẩm tra, xác minh; Khi thực hiện kiểm tra nhanh về kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc việc chấp hành quy định của pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường tại nơi đang tiến hành kiểm tra, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là kiểm tra nhanh).
Nội dung kiểm tra nội bộ:
Nội dung kiểm tra nội bộ gồm có: Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các hoạt động công vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền; Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường; số hiệu, biển hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; mẫu biên bản, quyết định; quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các tài sản công khác tại cơ quan Quản lý thị trường; Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường; Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động công vụ của công chức, cơ quan Quản lý thị trường; Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, cơ quan Quản lý thị trường; Kiểm tra việc thực hiện các hoạt động công vụ khác của công chức, cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật.
Số lần kiểm tra và thời gian trực tiếp thực hiện kiểm tra nội bộ:
Số lần kiểm tra nội bộ được thực hiện như sau: Kiểm tra nội bộ định kỳ không quá một lần kiểm tra trong năm đối với một Cục và tương đương; không quá hai lần kiểm tra trong năm đối với một Đội Quản lý thị trường và tương đương; Kiểm tra nội bộ đột xuất không giới hạn số lần kiểm tra đối với một công chức, cơ quan Quản lý thị trường.
Thời gian trực tiếp thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ định kỳ tại nơi được kiểm tra như sau: Cuộc kiểm tra nội bộ của Tổng cục không quá 15 ngày làm việc; trường hợp phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn thì thời gian kiểm tra có thể kéo dài, nhưng không quá 5 ngày làm việc; Cuộc kiểm tra nội bộ của Cục không quá 10 ngày làm việc; trường hợp phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn thì thời gian kiểm tra có thể kéo dài, nhưng không quá 5 ngày làm việc.
Thời gian trực tiếp thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ đột xuất tại nơi được kiểm tra như sau: Cuộc kiểm tra nhanh không quá 2 giờ làm việc; trường hợp phát hiện công chức đang thực hiện vi phạm hoặc vừa thực hiện xong nhưng chưa kịp xóa dấu vết thì có thể kéo dài, nhưng không quá 2 ngày làm việc.
Thời gian trực tiếp thực hiện được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra nội bộ đến ngày kết thúc việc kiểm tra nội bộ trực tiếp tại nơi được kiểm tra.
Việc kéo dài thời gian trực tiếp thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ do người quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản, trong trường hợp kiểm tra nhanh có thể quyết định bằng thư điện tử công vụ (email).
Trách nhiệm, quyền hạn của công chức, cơ quan Quản lý thị trường được kiểm tra nội bộ:
Công chức, cơ quan Quản lý thị trường được kiểm tra nội bộ có trách nhiệm: Chấp hành quyết định kiểm tra của người quyết định kiểm tra; bố trí người có thẩm quyền làm việc với Đoàn kiểm tra nội bộ khi được yêu cầu; Báo cáo, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu, trừ các tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra nội bộ; Không được lôi kéo, mua chuộc, hối lộ Đoàn kiểm tra nội bộ hoặc gây khó khăn, cản trở việc kiểm tra nội bộ; Thực hiện ngay các yêu cầu, kiến nghị của Đoàn kiểm tra nội bộ và kết luận kiểm tra nội bộ của người quyết định kiểm tra. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại (nếu có), công chức, cơ quan Quản lý thị trường được kiểm tra nội bộ vẫn phải thực hiện kết luận kiểm tra nội bộ của người có thẩm quyền.
Công chức, cơ quan Quản lý thị trường được kiểm tra nội bộ có quyền: Nhận quyết định kiểm tra để biết trước về nội dung, thời gian kiểm tra nội bộ, trừ trường hợp kiểm tra nhanh; Báo cáo, giải trình khó khăn, vướng mắc từ thực tế hoạt động công vụ của đơn vị; xuất trình các tài liệu, đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến nội dung kiểm tra nội bộ; Kiến nghị, phản ánh các quyết định, biên bản, kết luận kiểm tra nội bộ đến cơ quan Quản lý thị trường cấp trên khi có căn cứ cho rằng các quyết định, biên bản, kết luận đó là không có căn cứ và trái với các quy định của pháp luật; Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Đoàn, thành viên Đoàn kiểm tra nội bộ trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm tra nội bộ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019. Thông tư này thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT ngày 31/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường./.